Nông nghiệp TP một năm nhìn lại

(VOH) - Năm 2009, năm thứ 4 TPHCM tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo nghị quyết đại hội Đảng bộ TP lần thứ 8, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng khỏang 7% so với năm 2008.
 

Cuối năm nhìn lại, chỉ tiêu ấy xem ra thực hiện không dễ dàng. Có quá nhiều khó khăn. Tình hình thời tiết khí hậu và dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nạn ô nhiễm mội trường ngày càng trầm trọng. Việc chậm giải tỏa các quy hoạch treo khiến nông dân chưa an tâm. Nhất là trong giai đọan kinh tế tòan cầu vẫn chưa qua khỏi cơn suy thoái thì việc tìm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp càng không dễ dàng…. Trong bối cảnh ấy, sản xuất nông nghiệp được duy trì và có tăng trưởng chút đỉnh đã là điều đáng qúy. Như việc TP vẫn duy trì được số đầu heo, khỏang 300 ngàn con, đàn cá sấu 160 ngàn con, đán cá cảnh, khỏang 40 triệu con, tăng đàn bò sữa lên hơn 73 ngàn đầu con mà không để xẩy ra ổ dịch bệnh nào đã là một cố gắng rất đáng ghi nhận. Trong khi đó, nghề trồng rau, hoa kiểng dù khó khăn trong khâu tiêu thụ diện tích vẫn ổn định. Hơn nữa, năng suất, sản lượng cây trồng đều tăng hơn năm ngóai. Sản lượng rau tăng hơn 4%. Năng suất lúa cũng tăng khá nên dù diện tích gieo trồng giảm nhiều, hơn 10% so với năm ngoái nhưng sản lượng chỉ giảm 4%. …Điều đó cho thấy bà con nông dân đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các lọai giống mới, hướng nhiều hơn đến chất lượng và hiệu qủa. Đã có sự thay đổi đáng kể trong cung cách làm ăn. Người trồng rau mở rộng thêm diện tích nhà lưới, trồng rau theo quy trình GAP để bảo đảm chất lượng rau sạch. Người trồng lúa bắp thì mong được hợp đồng làm ăn lâu dài với các công ty nông nghiệp để sản xuất giống tốt. Còn người chăn nuôi thì chú trọng phòng ngừa dịch bệnh, xây dựng các mô hình chuồng trại khép kín, có hệ thống khoa học. Đây rõ ràng là những cung cách làm ăn có tính bài bản, bền vững hơn.

Trong năm 2009, TP tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển dần diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng các lọai vật nuôi cây trồng phục vụ đời sống đô thị. Theo huớng này, nhiều họat động hỗ trợ nông nghiệp, nông dân cũng được tăng cường: Khu nông nghiệp công nghệ cao được mở rộng. Hơn 40 công trình hạ tầng phục vụ 13 xã điểm được đưa vào sử dụng. Nhiều chương trình tập huấn, khuyến nông, dậy nghề được triển khai, kể cả việc đưa nông dân đi thăm quan, học hỏi ở nước ngoài. Đồng vốn cũng đến tay bà con nông dân nhiều hơn. Đến nay đã có hơn 1101 phương án vay vốn chuyển đổi được TP phê duyệt với vốn đầu tư lên tới hơn 1.730 tỉ đồng. Theo hội nông dân TP, vừa qua cũng đã có hơn 19 ngàn hộ nông dân đăng ký chuyển đổi vật nuôi cây trồng, trong đó hơn 7200 hộ nông dân với hơn 4000 ha đất canh tác đã chuyển đổi thành công. Nhiều mô hình tỏ ra có sức thuyết phục. Như ở Củ Chi, các chủ trang trại liên kết với nhau xây dựng mô hình chăn nuôi sạch, khép kín, cải tạo lại chuồng trại, vừa tăng quy mô đàn, vừa tận dụng triệt để chất thải làm khí bioga và nuôi thêm trùn quế. Một số tổ và hợp tác xã trồng rau sạch thì xây nhà chế biến phân lọai rau hoặc sắm thêm phương tiện vân chuyển. Các mô hình trồng cây kiểng, cây phong lan ngày càng tỏ ra thích hợp với nông nghiệp đô thị, cho thu nhập mỗi hộ hàng năm hàng trăm triệu đồng. Hiện diện tích cây kiểng, cây phong lan vẫn có chiều hướng phát triển ở một số địa phương như Hóc Môn; Củ Chi; Bình Chánh; Gò Vấp. Thậm chí ngay ở Nhà Bè, dù nguồn nước và thổ nhưỡng không thích hợp, trước đây không ai nghĩ đến chuyện trồng phong lan. Nhưng đến nay, nhiều hộ đã trồng và làm giầu nhờ lọai cây “qúy tộc” này. Như hộ anh Hùynh Hùng ở Nhơn Đức Nhà Bè, chuyển 5000 m

2 đất trước đây chỉ trồng lúa thu nhập thấp sang trồng phong lan thu nhập hàng năm hơn trăm triệu đồng…

Cùng với cây hoa kiểng, phong trào nuôi cá cảnh cũng ngày càng “chuyên nghiệp”. Ở Nhà Bè, quận 12, nhiều hộ chuyên nuôi cá dĩa để xuất khẩu. Ở quận 9, Bình Thạnh, bà con phát triển mạnh các lọai cá cảnh phục vụ thị trường nội địa. Một số hộ tích cực sưu tầm nhiều lọai cá quý hiếm để nhân nuôi, đa dạng thị trường xuất khẩu. Như hộ Tống Hữu Châu ở quận 12 hiện đang có gần 50 lọai cá cảnh và có 20 hộ nông dân làm “vệ tinh” cung cấp lượng hàng ổn định cho mình. Được biết đến nay, cả TP đã có hơn 500 hộ nuôi cá cảnh các lọai với gần 600 địa chỉ kinh doanh cá cảnh nằm rải rác ở các địa bàn quận huyện, tạo thành một lực lượng sản xuất đáng kể.

Bên cạnh đó, TP còn xuất hiện thêm nhiều mô hình nuôi trồng cây con đặc sản khá đa dạng. Như nuôi cá chình ở Hóc Môn, nuôi kỳ nhông, kỳ đà ở quận 9, nuôi tắc kè ở quận 2.… Một số mô hình nuôi dế, nhím, ba ba, heo rừng, trồng rau mầm… trước đây còn thưa thớt nay được nhân rộng ở nhiều địa phương. Bà con cho rằng: các mô hình này rất phù hợp với điều kiện đô thị, không cần đất nhiều, mang lại hiệu qủa cao, lại chủ động đối phó được với những biến đổi của thời tiết, khí hậu.

Có thể nói chính việc phát triển mạnh các lọai cây con có giá trị cao đã góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân. Theo các tính tóan gần đây, thì giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp TP hiện đạt khỏang 120 triệu đồng, tăng gần 4 lần so với đầu những năm 2000. Điều này càng khẳng định việc chuyển đổi sang nông nghiệp đô thị với các mô hình mang lại hiệu qủa cao là rất đúng hướng, được bà con nông dân ủng hộ.

Tuy vậy, vẫn cần có thêm những chính sách khuyến khích về vốn, giống, đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp với nông nghiệp đô thị. Đồng thời, giúp bà con yên tâm tư tưởng bằng việc tăng cường tiếp thị, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, kiên quyết khắc phục tình trạng quy họach tràn lan và nạn ô nhiễm môi trường. Trong năm 2009, chính do việc quy họach chưa tốt và do ô nhiễm chất thải công nghiệp nên dù diện tích lúa giảm nhiều nhưng diện tích được chuyển đổi có hiệu qủa lại rất thấp. Nghĩa là vẫn đang xuất hiện thêm nhiều cánh đồng hoang, nhiều vùng đất “chết”, nhiều ao đầm bị ô nhiễm...Qủa là điều tất đáng lo ngại. Có lẽ cũng vì thế mà việc nuôi trồng thủy sản trong năm 2009 đã giảm gần 1 phần tư sản lượng so với mức thực hiện của năm 2008.

Dù sao, những cố gắng trong sản xuất nông nghiệp của TP vẫn gieo những “hạt mầm” tốt để chúng ta hy vọng vào những mùa gặt hái sẽ đến..

Xuân Thìn