PCCC: Tốt nhất là ý thức mọi người

(VOH) - Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Pháp lệnh quy định việc quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và ngày 4/10/2001, Luật PCCC chính thức có hiệu lực. Kể từ đó, ngày 4/10 được chọn là “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy” của Việt Nam.

Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TPHCM trả lời phỏng vấn VOH (Ảnh: L.Loan)

Phóng viên Đài TNND TPHCM phỏng vấn Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TPHCM về công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn thành phố.

* VOH : Đại tá đánh giá tình hình cháy nổ, nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ tại TP.HCM và công tác phòng cháy chữa cháy thời gian qua ?

Đại Tá Lê Tấn Bửu: Nguy cơ tiềm ẩn hiện nay nổi lên, trước hết là tình hình cháy trong khu dân cư hay dẫn đến chết người. Thứ hai, là hiện nay, nhiều doanh nghiệp, đơn vị có nguy cơ cháy nổ cao còn xen cài trong khu dân cư. Trong 9 tháng năm 2015, TP.HCM xảy ra 1.355 các tai nạn sự cố có liên quan đến cháy, nổ, cứu nạn cứu hộ.

Chúng tôi phải tính toán, tham mưu, đề xuất với UBND TP có lộ trình thích hợp di chuyển doanh nghiệp có nguy cơ về phòng cháy chữa cháy (PCCC) ra khỏi khu dân cư. Ví dụ như các kho hàng chứa hóa chất có nguy cơ tiềm ẩn cao nằm xen cài trong khu dân cư. Nếu xảy ra cháy nổ, rõ ràng mức độ ô nhiễm của các vụ cháy này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. 

Khi chúng tôi kiểm tra một số doanh nghiệp, kho hàng xen cài trong khu dân cư, thì phát hiện một số nơi mất an toàn về cháy nổ. Làm thế nào tác động đến ý thức của các ngành, các cấp, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị là điều mà chúng tôi đang hướng đến.

* VOH : Theo Đại tá, khó khăn hiện nay trong phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại TP.HCM là gì ? Với lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy - cứu hộ cứu nạn TP.HCM, đại tá đề xuất gì để công tác này đạt hiệu quả như mong đợi ?

Đại Tá Lê Tấn Bửu: Đối với TP.HCM, nếu theo các quy chuẩn hiện hành của Nhà nước, có nhiều công trình hiện hữu đã tồn tại từ rất lâu. Có những công trình tồn tại trước năm 1975, có những công trình tồn tại hiện hữu trước khi Luật PCCC năm 2001 được ban hành.  Những công trình này, trong thời điểm đó, người ta không vi phạm quy định về PCCC nhưng theo các tiêu chuẩn mới bây giờ, các công trình này không đảm bảo an toàn về khoảng cách giữa công trình này với trục đường giao thông, trục đường giao nhau, hoặc các công trình gần với bệnh viện, trường học, các cửa hàng xăng dầu… Những dạng đó giải quyết rất khó khăn. Trong khi đó, nếu cấp phép đảm bảo an toàn PCCC thì chúng tôi vi phạm. Nhưng nếu không cấp thì người dân, doanh nghiệp bị thiệt.

Đối với những khó khăn vừa nêu, chúng tôi đều có giải pháp tương ứng để làm thế nào vừa giúp bà con, doanh nghiệp ổn định nhưng phải đảm bảo tối thiểu an toàn về PCCC. Hiện nay, điều 63A của Luật PCCC bổ sung (2013), giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có giải pháp, nghị quyết đảm bảo an toàn đối với các dạng công trình này.

Đối với lực lượng PCCC, chúng tôi hướng tới việc đào tạo nhân lực trong và ngoài nước, đào tạo theo cấp chuyên gia để có đủ nguồn lực từ điều hành chỉ huy đến xử lý các tình huống cụ thể. Để làm tốt PCCC, cần đầu tư, trang bị phương tiện ứng với từng loại hình tai nạn, trên bờ, trong khu dân cư, dưới nước trang bị các tàu thuyền, máy bơm… Đây là những vấn đề lớn trong công tác phòng và chữa cháy.

* VOH : Đối với người dân, Đại tá lưu ý gì ?

Đại Tá Lê Tấn Bửu: Phải nâng cao ý thức, cảnh giác với giặc lửa, phải nắm được kiến thức cơ bản về nguy cơ dẫn đến cháy, tự trang bị cho mình, xử lý các tình huống khi có hỏa hoạn xảy ra. Khuyến cáo tất cả bà con, doanh nghiệp, các sự cố của TP.HCM hiện đều thông tin về một "đầu mối" - đầu số 114. Tất cả tai nạn sự cố gì khi tiếp nhận về cháy nổ, chúng tôi xử lý ngay. Nếu trường hợp tai nạn sự cố đó không phải là cháy nổ, chúng tôi sẽ chuyển tiếp khẩn cấp đến các đơn vị liên quan để hỗ trợ bà con. 

* VOH : Cảm ơn Đại tá Lê Tấn Bửu.