Phát huy vai trò người cao tuổi - Trách nhiệm của xã hội

(VOH) - Theo quyết định của Đại hội đồng Liên hiệp quốc (kể từ 1991), ngày 1 tháng 10 hàng năm được gọi là Ngày quốc tế người có tuổi. Để động viên sự đóng góp của người cao tuổi vào công cuộc phát triển đất nước, hàng năm Nhà nước ta lấy ngày 1/10 là ngày của Người cao tuổi để các cấp chính quyền, các đoàn thể xã hội và người thân trong gia đình có thời gian quan tâm chăm sóc người cao tuổi.

Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kính trọng người già. Người xem những vị thượng thọ “là của quý giá của dân tộc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương “vận động tất cả lực lượng không để sót một người dân nào góp thành lực lượng toàn dân”, trong đó, giới phụ lão có vai trò đặc biệt quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về “tuổi cao, chí càng cao”. Cả cuộc đời Bác luôn chiến đấu hy sinh không mệt mỏi vì dân, vì nước quên cả tuổi già, quên cả bản thân.

Kỷ niệm 22 năm ngày Quốc tế người cao tuổi Việt Nam. Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có gần 500.000 người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, trong đó hơn 264.000 người cao tuổi là nữ. Gần 400.000 người cao tuổi gia nhập Hội, chiếm tỷ lệ hơn 84% trên tổng số người cao tuổi. “Phát huy vai trò Hội Người cao tuổi Việt Nam”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX cũng đã đề ra nhiệm vụ “Chăm sóc người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc; phát huy vai trò của người cao tuổi trong giáo dục con cháu”.


Hội diễn dưỡng sinh của người cao tuổi TPHCM - Ảnh: dantri.

Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố, quận, huyện và Hội người cao tuổi phường, xã đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình, tổ chức được nhiều phong trào, hoạt động đạt hiệu quả thiết thực được xã hội đánh giá cao, như: Phong trào “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”; phong trào thi đua "Tuổi cao - Gương sáng" lôi cuốn đông đảo người cao tuổi thành phố tham gia trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ông Võ Hoàng Thu - Phó ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Bình Chánh, cho biết: "Với tinh thần thi đua tuổi cao nêu gương sáng, người cao tuổi huyện Bình Chánh phấn đấu thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, tích cực đi đầu phong trào xây dựng nông thôn mới, hiến đất làm đường, xây cầu bê tông, nhựa hóa đường, khơi thông cống rãnh, quỹ tương trợ, trợ táng bảo thọ hơn 2,2 tỷ đồng giúp hội viên".

Hội Người cao tuổi thành phố đang triển khai tập huấn thực hiện Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi giai đoạn 2012 - 2020, thực hiện tốt và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Luật Người cao tuổi; thực hiện đề án Xây dựng tổ chức Hội cơ sở vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của chi hội, tổ hội làm nòng cốt trong phong trào "Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò Người cao tuổi". Quan tâm đến công tác phát triển hoạt động Hội, Linh mục Đỗ Quang Chí - Chánh xứ Giáo xứ Mai Khôi, giáo hạt Sài Gòn - Chợ Quán phường 1 - quận 5, đề nghị: "

Các cấp Hội phát triển đồng bộ, mỗi hội viên hội người cao tuổi có vị trí hữu ích xứng tầm trong xã hội, quan tâm đến việc tương trợ lẫn nhau giúp nhau vui với tuổi già, tuổi càng cao chí càng cao".

Nhiệm vụ chăm sóc người cao tuổi thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, cuộc sống người cao tuổi ngày càng được cải thiện, kéo dài tuổi thọ. Hiện toàn thành phố có hơn nửa triệu người cao tuổi, trong đó có hơn 300 cụ thọ từ 100 tuổi trở lên. Các cụ có cuộc sống yên vui trong gia đình “tam, tứ đại đồng đường”, có điều kiện tham các hoạt động xã hội cũng như thụ hưởng các hoạt động nhằm nâng cao đời sống tinh thần. Trước những hoạt động hết sức cần thiết đối với người cao tuổi, việc xây dựng quỹ Hội trở nên ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, đâu phải cơ sở Hội nào cũng thuận lợi trong việc thành lập quỹ. Ông Nguyễn Thái Học - Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi huyện Cần Giờ, bộc bạch: "Do cơ chế, ngay thành phố cũng chưa công nhận Hội đặc thù, mỗi nơi mỗi khác. Ví dụ các quận có nguồn thu ngoài ngân sách nhưng các quận khác thì không, huyện chúng tôi là huyn nông thôn có kiến nghị nhưng rất khó vì không nằm trong danh mục được hỗ trợ, Thủ tướng Chính phủ đã ký về xây dựng Quỹ, nhưng thực sự Sở Nội vụ và Tài chính không ra hướng dẫn thực hiện, nên chúng tôi không thành lập được".

Thành viên Ban đại diện Hội Người cao tuổi địa phương, đa phần là cán bộ về hưu được giao nhiệm vụ hay đang đương nhiệm được phân công kêm nhiệm chức trưởng hay phó Ban đại diện Hội Người cao tuổi. Dù xác định là chấp hành phân công của Đảng, nhưng chí ít các cô, chú cũng cần phải có phụ cấp tương xứng với công việc. Nhiều cô, chú tâm sự “nếu có phụ cấp thì cũng chỉ là động viên tinh thần làm việc của Người cao tuổi, chứ chẳng đáng bao nhiêu”. Đề cập đến vấn đề này, ông Đặng Văn Nghê - Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi quận Tân Bình, nêu ý kiến: "Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chăm lo Hội đặc thù, nhưng về mặt quy định của Nhà nước thì Thủ tướng đã ký rồi mà thành phố không thực hiện, đó là điều không bình thường. Đã hai năm vẫn chưa sửa được nên gây khó cho hoạt động Hội".

Ưu điểm của người cao tuổi là “Giàu kinh nghiệm và tâm huyết…”, “Tuổi già nhưng trí không già”, “Tâm hồn luôn luôn trẻ”. Các cụ tuy tuổi cao, sức yếu nhưng là kho tư liệu quý về cuộc sống và những kinh nghiệm tích lũy, răn dạy con cháu trưởng thành. Ban đại diện Hội Người cao tuổi Thành phố, quận, huyện và Hội người cao tuổi phường, xã là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của lớp người cao tuổi, là chỗ dựa tin cậy cho lớp con cháu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.