Phí giao thông đâu chỉ nhắm vào người giàu

(VOH) - Trong khi đề xuất "phí lưu hành phương tiện cá nhân" còn nhiều tranh cãi thì Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa kiến nghị đổi tên thành "phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân", mức thu sẽ tăng 5% sau mỗi năm. Nhìn vào các phản hồi trên các phương tiện truyền thông chính thức hay các diễn đàn trên mạng cũng đủ thấy người dân quan tâm thế nào đến những đề xuất của lãnh đạo ngành giao thông vận tải. Ngay cả giới nghệ sĩ - ca sỹ, vốn ít tham gia phản biện các vấn đề xã hội, mới đây cũng thẳng thắn góp ý về những điều bất hợp lý qua đề xuất của Bộ Trưởng Bộ giao thông vận tải Đinh La Thăng.
Đề xuất thu phí lưu hành ô tô, xe máy và thu phí vào nội đô giờ cao điểm khó khả thi.

Phí bảo trì đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/6, sẽ cùng 6 dòng phí khác - phí trước bạ, phí biển số, đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí xăng dầu và phí cho quỹ bình ổn đánh vào ôtô. Ngoài ra còn 2 loại nữa là phí lưu hành và phí vào nội đô giờ cao điểm nếu đề xuất của Bộ Giao thông vận tải được thông qua. Theo quan điểm Bộ Giao thông, việc tăng chi phí sử dụng phương tiện cá nhân sẽ hướng người dân tới việc sử dụng các loại phương tiện công cộng. Câu hỏi đặt ra là hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhưng liệu các phương tiện công cộng đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại hay chưa?

Nhìn vào thực tế hiện nay có thể nói câu trả lời, chắc chắn là chưa. Bằng chứng là tại TPHCM và Hà Nội xe công cộng đang quá tải nhưng chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu đi lại. Thậm chí nếu bây giờ có tăng thêm xe buýt thì cũng không có đường cho xe buýt chạy và cũng không có vốn đầu tư. Ông Phan Phùng Sanh, phó chủ tịch thường trực Hội khoa học kỹ thuật xây dựng TPHCM cho rằng:

 

PGS-TS Phạm Xuân Mai, ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng: với các loại phí mà nhà nước đang và sẽ áp dụng từ 1.6.2012, mỗi chủ sở hữu ô tô con phải đóng thêm khoảng 70 - 90 triệu đồng/năm, tức là khoảng 233% - 300% GDP/đầu người. Tỷ lệ này là rất lớn so với nước ngoài. Ví dụ ở Pháp, tùy theo số km lăn bánh, trung bình mỗi chủ ô tô cá nhân phải đóng phí có liên quan đến giao thông khoảng 3.000 euro/năm, chiếm khoảng 10% GDP/đầu người. Như vậy, phí giao thông ở Việt Nam cao gấp 23 đến 30 lần so với Pháp ở cùng tiêu chuẩn so sánh. Đó là chưa kể, để có được một chiếc xe chạy trên đường, người Việt Nam đang phải trả một số tiền cao hơn từ 2 đến 2,5 lần so với các nước công nghiệp, trong khi GDP đầu người lại thấp hơn 20 lần. Chính vì vậy, một số hiệp hội vận tải đã có kiến nghị Bộ giao thông vận tải lùi thời gian thực thi các loại phí này. Theo họ việc hạn chế và cấm xe máy chắc phải 5-10 năm nữa mới thực hiện được khi hạ tầng giao thông được cải thiện.

Ảnh minh họa.

Lãnh đạo công ty chuyên về vận tải cho biết, thông thường dòng đời sử dụng của một xe khách vào khoảng 10 năm. Xong 10 năm thì xe chỉ còn là mớ sắt vụn. Tức là trong 10 năm đó công ty phải làm thế nào để hoàn vốn. Hiện công ty sắp đến hạn đổi xe quá hạn sử dụng. Công ty đang có khoảng 300 đến 400 xe và phải hết sức cân nhắc việc đầu tư thêm do tiền đầu tư là quá lớn. Vị giám đốc này cho biết, chỉ tính riêng tiền lệ phí trước bạ doanh nghiệp cũng đã đau đầu. Tiền đầu tư lớn, thu vào lại nhỏ giọt, kéo dài, nay phải gánh thêm hàng loạt loại phí, trong đó bao gồm phí bảo trì đường bộ sắp có hiệu lực thi hành. Chưa kể phí hạn chế phương tiện xe cá nhân do Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải đề xuất, nếu được thông qua thì sẽ lại thêm một gánh nặng đối với doanh nghiệp. Cùng quan điểm này ông Phùng Đăng Hải, tổng giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TPHCM chia sẻ, doanh nghiệp vận tải đang đối mặt với nhiều vấn đề. Nào là phí, giá xăng dầu, trong khi việc tiếp cận vốn ngân hàng không phải là chuyện dễ dàng.

 

Theo các chủ doanh nghiệp, cước vận tải nước ngoài rẻ vì giá xe họ thấp, còn ở ta giá xe đã đắt, lại nhiều phí, thuế, nên giá cước cũng cao. Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải đang phải chịu quá nhiều mức phí khi hoạt động, như phí môi trường thu qua xăng dầu, phí cầu đường. Tới đây, có thêm phí bảo trì, phí lưu hành… các mức phí quá cao, doanh nghiệp và người dân không thể chấp nhận được. Được lập luận là "thu phí sẽ hạn chế được xe cá nhân”, qua đó giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, thêm vốn để đầu tư và các loại phí này cũng nhắm đến đối tượng là những người có tiền, tức là những người có ô tô. Thế nhưng thực tế, các loại phí này ảnh hưởng gần như tất cả mọi người có phương tiện hoặc có nhu cầu lưu thông. Đối với nhiều người, xe ô tô không phải để đi chơi và càng không phải để thể hiện đẳng cấp mà nó là phương tiện mưu sinh. Như trường hợp của anh Nguyễn Minh Tuấn. Anh Tuấn cho biết, gia đình phải rất vất vả mới mua được chiếc xe tải nhỏ. Nó là phương tiện chính để nuôi sống gia đình. Dù vậy thu nhập từ chiếc xe này không phải lúc nào cũng có. Bây giờ phải gồng gánh thêm các loại phí giao thông thì thật sự là gánh nặng. Anh Tuấn nói:

 

Ngay cả với những doanh nghiệp vận tải lớn còn cảm thấy khó khăn, huống hồ gì những hộ nghèo sở hữu xe tải mưu sinh như anh Nguyễn Minh Tuấn. Để bù lại chắc chắn các doanh nghiệp vận tải sẽ tăng giá cước, để bù vào các khoản phí cho nên đối tượng cuối cùng phải chịu gánh nặng này chính là những khách hàng, là người dân. Đó là những hệ quả có thể thấy trước, vấn đề là những người đề xuất có chịu thấy hay không mà thôi.