Phố thị bên bờ Hoàng Sa, Trường Sa

(VOH) - Đối với người dân sống dọc đôi bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nỗi ám ảnh đối với họ trong một thời gian dài chính là mùi hôi thối bốc lên từ dòng kênh đen đặc và rác thải đủ loại. Riêng với chính quyền địa phương, câu chuyện về kế sinh nhai và xóa đói giảm nghèo ở các khu dân cư này là một bài toán khó tìm ra lời giải trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, tất cả nỗi ám ảnh và lo lắng đó giờ đây thực sự đã khép lại, nhường chỗ cho một phố thị mới nhộn nhịp và khang trang đang dần hình thành. Phố thị đó hứa hẹn một sự thay đổi mạnh mẽ, đem lại nhiều cơ hội phát triển hơn cho người dân trong vùng vốn như tên gọi mà UBND TP.HCM đã ưu ái đặt cho – Phố thị bên bờ Hoàng Sa, Trường Sa.
Một đoạn đường Trường Sa lúc về đêm.

Cũng như bao hộ kinh doanh khác, bước vào dịp cuối năm, gia đình ông Trần Thanh Tuấn trên đường Trường Sa, phường 13, quận Phú Nhuận dường như tất bật hơn với nhu cầu của khách hàng. Vài ba giỏ quà, năm bảy gói bánh, mứt…cho khách hang vào dịp tết. Số lượng không phải là nhiều, song, ở tuổi gần 70 ông bà mới bắt đầu làm quen với việc mua bán, chừng đó cũng đủ làm tay chân người già trở nên lúng túng. Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết: ngay khi dự án cải tạo đường Hoàng Sa, Trường Sa được UBND thành phố thông qua, ông cũng như bao gia đình khác vui như mở cờ trong bụng. Từ một căn nhà nằm sâu vun vút trong con hẻm nhỏ bỗng trở thành nhà mặt tiền đường, ông bà đã tính đến chuyện mở một tiệm tạp hóa nhỏ để kinh doanh. Tuy nhiên, phải đợi đến hết 6/2011 vừa qua, khi dự án cải tạo đường Hoàng Sa, Trường Sa cơ bản hoàn thành, ông bà mới thực hiện được dự định của mình. Dù hơi vất vả nhưng có thêm chút thu nhập cho ông bà và cũng có công việc để đỡ buồn lúc tuổi già. Chia sẻ niềm vui của mình, ông Trần Thanh Tuấn nói:

 

Hơn 20 năm làm tổ trưởng tổ 40, khu phố 4, phường 11, quận 3, ông Trần Quang Hòa cũng không dấu nổi niềm vui khi tuyến đường này triển khai thực hiện. Ông cho biết: trước đây, khu vực này vốn là những khu nhà ổ chuột, không gian lụp xụp, tồi tàn và hết sức phức tạp, nhưng khi dự án cải tạo đường Trường Sa hoàn thành đã mang lại một sức sống mới cho khu phố. Điều đáng mừng nhất là hầu hết các hộ gia đình đều tận dụng cơ hội của mình để mua bán, kinh doanh hoặc cho thuê, mướn, kiếm thêm thu nhập. Bản thân ông cũng không ngờ, một vùng đất đai sình lầy, rác rươi ngày nào đã được cải tạo, nâng cấp thành hai tuyến đường rộng 9m với 3 làn xe. Ngay lúc phóng viên tiếp xúc cũng là lúc ông đang thong dong tản bộ dọc theo hành lang dành cho người đi bộ dọc theo đường Trường Sa. Bày tỏ suy nghĩ của mình, ông Trần Quang Hòa, tổ trưởng tổ 40, khu phố 4, phường 11, quận 3 nói:

 

Dự án cải tạo đường Hoàng Sa, Trường Sa trải dài qua địa bàn của 5 quận gồm, quần 1, 3, Phú Nhuận, Tân Bình và Bình Thạnh. Tuyến đường góp phần giải tỏa ách tắc giao thông cho các trục đường chính của thành phố như Cách mạng tháng Tám, Trần Quốc Thảo, Lê Văn Sỹ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa…Tuy nhiên, theo ông Trịnh Văn Thình, nguyên Chủ tịch UBND quận 3, người có gần 15 năm gắn bó với dự án cải tạo, nâng cấp đường Hoàng Sa, Trường Sa: ngoài ý nghĩa về giao thông, dự án này thực sự góp phần đáng kể vào việc thay đổi diện mạo của dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Chính vì vậy, UBND.TP đã chỉ đạo ráo riết các quận liên quan lập quy hoạch và phối hợp thực hiện chặt chẽ. Ông bày tỏ sự tin tưởng:

 

Dự án cải tạo đường Hoàng Sa, Trường Sa (bờ bắc và bờ nam kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè) kéo dài từ giao lộ Út Tịch – Lê Bình (quận Tân Bình) đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), với tổng chiều dài toàn tuyến gần 14km. Gian đoạn đầu, dự án đã hoàn thành tổng chiều dài gần 6km, đoạn từ Cầu Lê Văn Sỹ, quận 3, đến giao lộ Út Tịch – Lê Bình (Tân Bình). Giai đoạn 2 của dự án từ cầu Lê Văn Sỹ (quận 3) đến đường Nguyễn Hữu Cảnh đang tiếp tục triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2012 này.

Chỉ dài khoảng 14km thôi, nhưng nói như ông Trịnh Văn Thìn, nguyên Chủ tịch UBND quận 3, TP.HCM: đây sẽ là tuyến đường quan trọng, mang đến nhiều cơ hội cho bà con sống ven khu vực, đồng thời đem lại diện mạo mới cho cảnh quan và bức tranh giao thông của thành phố.