Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Xoá bỏ tâm lý ỷ lại ngân sách
Theo Phó Thủ tướng, Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) sẽ được trình Hội nghị Trung ương sắp tới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TCNN)
Quá trình xây dựng Đề án sẽ là cơ hội để Nhà nước nhìn nhận thực trạng về số lượng đơn vị, người lao động, phương thức tổ chức, hiệu quả hoạt động của hệ thống các đơn vị công lập cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Từ đó, xác định các chủ trương, định hướng mới về tổ chức lại hệ thống, đổi mới căn bản các cơ chế hoạt động, quản lý các ĐVSNCL nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công, phù hợp với khả năng chi trả của xã hội và nhu cầu tiếp cận dịch vụ của người dân, cơ cấu lại và giảm gánh nặng chi ngân sách như hiện nay.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ và các Bộ, ban, ngành cần cập nhật, hệ thống hóa các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về đổi mới ĐVSNCL, các Luật Công chức, viên chức, Luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Đất đai, Luật Giá, phí và lệ phí, Pháp lệnh Người có công, các Nghị định của Chính phủ về ĐVSNCL vào trong Đề án này. Trong đó tập trung vào các văn bản đổi mới hoạt động của các ĐVSNCL trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề - lĩnh vực chiếm số lượng lớn đơn vị và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống nhân dân.
Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước nhấn mạnh, quan điểm trong đổi mới hoạt động của ĐVSNCL phải theo nguyên tắc thị trường, có vai trò dẫn dắt của Nhà nước nhưng Nhà nước không bao cấp xin-cho, xóa bỏ tâm lý ỷ lại vào ngân sách nhà nước, phân định rõ “công”-“tư”, không để “công”-“tư” lẫn lộn; tăng cường phân công, phân cấp quyền hạn, lợi ích giữa các cấp để bảo đảm tính tự chủ, năng động, sáng tạo của ĐVSNCL, tăng cường khả năng giám sát, tự giám sát, kiểm soát hoạt động của ĐVSNCL.
Việc thực hiện đổi mới cơ chế tài chính của ĐVSNCL theo lộ trình phù hợp gắn với cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước, tạo nguồn cho thực hiện cải cách tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ, viên chức, người lao động. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý xác định rõ các dịch vụ công cơ bản thì Nhà nước phải bảo đảm cho xã hội như y tế, giáo dục ở vùng khó khăn hay lĩnh vực khoa học cơ bản.
Về đổi mới cơ chế quản lý, Phó Thủ tướng đề nghị làm rõ bất cập hiện tại để có hướng đổi mới, nâng cao năng lực quản trị nội bộ, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm gắn với kiểm soát và giám sát của xã hội, không tập trung quyền hạn vào người đứng đầu đơn vị cung cấp dịch vụ công.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp hệ thống ĐVSNCL phải trên cơ sở quy hoạch mạng lưới ĐVSNCL, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn ĐVSNCL để rà soát, sắp xếp lại theo hướng tránh phân tán, dàn trải, chồng chéo nhằm giảm mạnh đầu mối ĐVSNCL kéo theo giảm được biên chế lao động trong đơn vị; gắn quyền được tuyển dụng với sử dụng lao động của ĐVSNCL.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đã được khảo sát trước đó nhanh chóng hoàn thiện báo cáo việc thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và sắp xếp lại hệ thống ĐVSNCL trong thời gian qua để sớm trình Ban Chỉ đạo tổng hợp, xây dựng dự thảo Đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, báo cáo của 28 Bộ, ngành và 57 địa phương (không bao gồm Bộ Công an và Quốc phòng, chưa có báo cáo của Hải Phòng, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Bình Phước, Đồng Nai, Phú Yên) cho thấy, năm 2011 cả nước có 54.448 ĐVSNCL, đến năm 2016 giảm 534 đơn vị, còn 53.914 đơn vị. Tuy nhiên, trong khi số lượng ĐVSNCL của các địa phương giảm (635 đơn vị) thì ở khối Bộ, ngành lại tăng lên 101 đơn vị.
Số lượng người làm việc trong các ĐVSNCL năm 2011 là 1.812.259 người, năm 2016 là 1.978.086 người, tăng 165.827 người. Trong số này, khối Bộ, ngành tăng 9.035 người, địa phương tăng 156.792 người.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự phát động cuộc thi viết về xây dựng nông thôn mới
Chiều 22/6, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ phát động cuộc thi báo chí viết về xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia tới dự.
Phát biểu tại lễ phát động cuộc thi, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các cơ quan báo chí, những người làm báo trên cả nước nhân dịp 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, lễ phát động này diễn ra trong bối cảnh hết sức có ý nghĩa khi Quốc hội vừa hoàn thành Kỳ họp thứ 3. Hiếm có một kỳ nào Quốc hội dành sự quan tâm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn như kỳ này, khi Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua 3 dự án luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, các thành viên Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, nông thôn Việt Nam luôn là nguồn cung cấp nhân lực, vật lực, tài lực và trí lực cho đất nước, là nơi lưu giữ hồn cốt, bản sắc văn hóa dân tộc và là nơi trở về cội nguồn của mỗi người dân.
Xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp là chủ trương, chính sách lớn, lâu dài của Đảng và Nhà nước. Hiếm có chủ trương, chính sách nào dành được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là bà con nông dân hồ hởi đón nhận như Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Phó Thủ tướng nhìn nhận, xây dựng NTM phải gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mà tái cơ cấu ngành nông nghiệp gồm hai thành tố cốt lõi là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và phát triển lực lượng sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Trong tổ chức sản xuất phải gắn với phát triển kinh tế tập thể, phấn đấu ít nhất một xã hoàn thành NTM phải có ít nhất một HTX kiểu mới. Xây dựng NTM cũng phải gắn với chương trình giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề cho nông dân.
Hiện nay, chương trình xây dựng NTM đã đi được chặng đường hơn 5 năm và đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, trước mắt, ngành nông nghiệp còn nhiệm vụ hết sức nặng nề, đó là phấn đấu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 50% xã đạt chuẩn NTM và không xã nào có dưới 5 tiêu chí. Phấn đấu mỗi tỉnh tối thiểu có một huyện NTM và hướng tới xây dựng NTM kiểu mới.
Nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của Cuộc thi viết về NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng, bất cứ phong trào nào cũng đòi hỏi sự vào cuộc cả hệ thống chính trị cũng như vai trò của truyền thông báo chí. Báo chí là kênh thông tin quan trọng để tăng cường đối thoại giữa chính quyền với người dân nông thôn - chủ thể của xây dựng NTM. Việc đối thoại thẳng thắn, công khai, trách nhiệm sẽ phát huy hiệu quả Chương trình xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về nhiều cách làm hay, mô hình tốt trong xây dựng NTM. Các cơ quan báo chí, nhà báo dành trách nhiệm, tâm huyết hơn nữa tới nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đi sâu, đi sát tìm hiểu đời sống người dân để nắm bắt những đòi hỏi nóng bỏng của nông nghiệp, nông thôn. Từ đó sáng tạo ra các tác phẩm báo chí có chất lượng, mang đậm hơi thở cuộc sống, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong xây dựng NTM.