Phòng cháy chữa cháy ở khu dân cư - cần sự tham gia tích cực của người dân

(VOH) - Theo thống kê của Sở Cảnh sát PCCC thành phố, trong 3 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố Tp.HCM xảy ra 45 vụ cháy, tăng 19 vụ so với cùng kỳ, trong số đó có trên 50% số vụ xảy ra ở địa bàn dân cư, hộ gia đình. Nguyên nhân gây cháy ở các khu dân cư phổ biến là chạm, chập điện hoặc do người dân bất cẩn trong đun nấu, thờ cúng. Đặc biệt nguy cơ về cháy nổ càng dễ xảy ra ở những khu dân cư ở sâu trong hẻm nhỏ, nhà dân chen chúc làm bằng những vật liệu dễ cháy, nguồn nước chữa cháy lại không đảm bảo, khi một sự cố nhỏ xảy ra cũng có thể cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.

Trong những năm qua thành phố đã chuyển hóa được hàng chục khu dân cư có nguy cơ cháy cao, nhưng hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn 13 khu dân cư nguy hiểm về cháy nổ. Điển hình như quận Bình Thạnh những năm trước đây được xem là địa bàn phức tạp về an toàn PCCC với 69 điểm có nguy cơ cháy cao. Trong những năm qua quận đã nỗ lực chuyển hóa các điểm này, hiện nay quận vẫn còn một điểm nóng về an toàn cháy nổ là hẻm số 60 phường 17. Khu này mất an toàn PCCC đã nhiều năm nhưng vẫn chưa giải quyết được do người dân không chịu di dời. Đến nơi đây, chúng tôi không khỏi rùng mình khi vào con hẻm sâu hun hút quanh co với hàng chục hộ dân, mỗi nhà chỉ rộng khoảng vài mét vuông.. Chị Rolly - dân tộc Chăm- người dân sống ở hẻm 60 phường 17, quận Bình Thạnh bình thản cho biết:

Quận 6 cũng là một địa phương còn khá phức tạp về an toàn Phòng cháy chữa cháy khi trên địa bàn quận còn tồn tại 7 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao. Theo Phòng Cảnh sát PCCC quận 6 thì đa số các khu dân cư này chưa chuyển hóa được là do vướng mắc về đền bù giải tỏa, đời sống người dân lại khó khăn, nhà ở tạm bợ làm bằng những vật liệu dễ cháy, nhiều hộ dân buôn bán lấn chiếm lối đi, cản trở lối chữa cháy trong khi nguồn nước chữa cháy lại không đảm bảo. Điểm nóng là khu dân cư ở Khu phố 4, phường 7 nằm trong dự án quy hoạch xây dựng bờ kè kênh Lò Gốm với 80 căn nhà liền kề nhau. Trước những tiềm ẩn về cháy có thể xảy ra, Quận 6 đã đề ra kế hoạch quyết tâm chuyển hóa địa bàn trong năm 2012, biện pháp chính là vận động mạnh thường quân để hỗ trợ sửa chữa, thay thế những vật liệu dễ cháy bằng những vật liệu khó cháy. Thượng tá Nguyễn Thành Danh - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC quận 6 cho biết: quận cũng đang tập trung tuyên truyền đến các hộ dân về ý thức PCCC, vận động trang bị ít nhất là 2 nhà có 1 bình chữa cháy để khi có sự cố xảy ra thì ứng phó kịp thời.

Một địa phương khác có tình hình cháy nổ phức tạp là quận Bình Tân. Toàn quận hơn 600 cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, nên công tác Phòng cháy chữa cháy ở khu dân cư được quận xem là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân thì giải pháp trước mắt mà quận đã và đang thực hiện là vận động các hộ dân trang bị bình chữa cháy, đầu tư thêm trang thiết bị cho lực lượng pccc tại chỗ. Ở những khu dân nghèo thì quận vận động những hộ gia đình khá giả và các doanh nghiệp mua bình chữa cháy hỗ trợ cho các hộ dân. Đến nay hơn 19 ngàn hộ dân đã được trang bị bình chữa cháy.. Tuy vậy, số hộ dân có trang bị bình chữa cháy chỉ mới chiếm 22%. Nói về những tồn tại cần khắc phục trong công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn quận, ông Cao Văn Phần, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bình Tân cho biết:

Theo Đại tá Lê Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Tp.HCM thì trong thời gian tới Sở sẽ tập trung vào đối tượng là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ xen cài trong khu dân cư, vì đây là đối tượng có nguy cơ gây cháy cao ở các khu dân cư. Nói về những hạn chế trong công tác phòng cháy chữa cháy hiện nay, Đại tá Lê Tấn Bửu cho biết:

Trong đợt cao điểm tăng cường kiểm tra về PCCC vừa qua, Sở Cảnh sát PCCC Tp đã kiểm tra hơn 6.400 lượt cơ sở, phát hiện 640 trường hợp vi phạm. Con số đó cho thấy những vi phạm về an toàn PCCC vẫn rất phổ biến trên địa bàn thành phố. Cháy nổ ở các khu dân cư chỉ có thể được đẩy lùi nếu mỗi người dân ý thức được rằng: ngăn ngừa cháy nổ xảy ra chính là bảo vệ chính tính mạng và tài sản của bản thân và gia đình mình, đồng thời góp phần bảo vệ cho những người xung quanh và tạo ra môi trường sống an toàn, lành mạnh hơn.