Phòng, chống tham nhũng: Thực hiện còn hình thức, thiếu giám sát điều tra

(VOH) - Ngày 9/11, Quốc hội dành cả ngày làm việc tại hội trường thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề về phạm vi sửa đổi của dự án luật; phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập; việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; việc kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn, về xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng; trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm; về các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng.

Tại buổi thảo luận, đa số các ý kiến đều tán thành việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng lần này bởi tình hình tham nhũng ngày càng trở nên hết sức phức tạp, nhiều con số thống kê với việc thất thoát là quá lớn. Có đại biểu đề nghị, phải xem tội tham nhũng là tội hình sự nặng nhất, như tội phản quốc, chống lại chế độ.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu tham gia ý kiến đó là kê khai minh bạch tài sản, việc kê khai tài sản cần thực hiện ở cả hai nơi, đó là nơi thường xuyên làm việc, công tác và nơi cư trú để có sự giám sát của nhân dân. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, để tránh việc kê khai tài sản bị lợi dụng thì chỉ cần công khai ở nơi làm việc.

Thảo luận về phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập còn có ý kiến khác nhau, một số đại biểu cho rằng, cần thiết phải mở rộng đối tượng kê khai tài sản đến toàn bộ công chức, viên chức, đảng viên. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, đối tượng kê khai phải kể cả những con cái thành niên của cán bộ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu mở rộng đối tượng kê khai mà không giám sát được việc kê khai có trung thực hay không thì sẽ dẫn đến tình trạng kê khai hình thức không hiệu quả. Đại biểu Lê Thị Yến (đoàn Phú Thọ) nêu ý kiến: “Trong thời gian vừa qua, với phạm vi đối tượng như nêu trong luật hiện hành, chắc chắn trong thời gian tới cũng sẽ khó có thể kiểm soát được tài sản, thu nhập của các đối tượng này. Do vậy, nếu mở rộng nữa, càng không có hiệu quả, cái chính là phải làm sao nâng cao được hiệu quả, bổ sung các biện pháp quản lý, kiểm soát có tính khả thi, đặc biệt chú ý các chế tài xử lý vi phạm như việc không kê khai tài sản khi phát hiện thì xử lý ra sao hoặc tài sản không giải trình được nguồn gốc sẽ xử lý thế nào”.

Về việc thành lập tổ chức phòng, chống tham nhũng cũng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận, các ý kiến nhất trí cao việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng bí thư đứng đầu. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến kiến nghị Quốc hội thành lập cơ quan độc lập, chuyên trách điều tra tham nhũng. Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Mã Điền Cư, đại biểu tỉnh Quảng Ngãi nói: “Bên cạnh việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương thì Quốc hội cần thành lập Ủy ban độc lập phòng, chống tham nhũng. Ủy ban này có quyền điều tra bất cứ vấn đề gì liên quan đến tệ tham nhũng trong các cơ quan nhà nước, tiếp nhận và xem xét các kiến nghị của dân, công chức, viên chức nhà nước về tham nhũng. Ủy ban này có quyền đề nghị Viện kiểm sát nhân dân truy tố các bị can về các tội danh tham nhũng, độc lập với Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, báo cáo với Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội về các hoạt động. Người đứng đầu ủy ban do Quốc hội phê chuẩn, ngân sách hoạt động của ủy ban do Quốc hội phê duyệt”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Minh Điền/SGGP

Cùng chung quan điểm với đại biểu Mã Điền Cư, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) tán thành việc thành lập cơ quan phòng, chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội và đề xuất tên gọi là “Ủy ban quốc gia về phòng chống tham nhũng”.  Tuy nhiên, ý kiến của đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) lại cho rằng, không tán thành với việc thành lập cơ quan chống tham nhũng trực thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, bởi vì theo đại biểu này, đấu tranh chống tham nhũng trước hết là trách nhiệm của chính phủ, các cơ quan chính phủ và cả hệ thống chính trị và của cả người dân. Đại biểu Phạm Xuân Thường kiến nghị: "Để đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, nhiều quốc gia trên thế giới thành lập cơ quan điều tra tham nhũng độc lập với chính phủ do Tổng thống điều hành; cơ quan này có quyền tiến hành, phát hiện, khởi tố, điều tra ban đầu các hành vi tham nhũng và sau đó gửi cho cơ quan chuyên trách để điều tra tiếp và truy tố trước tòa án, mô hình này rất hiệu quả, hành vi tham nhũng bị phát hiện sớm được cơ quan  tiến hành điều tra độc lập và cơ quan này đồng thời cũng là cơ quan giám sát hoạt động điều tra của các cơ quan điều tra chuyên trách, đảm bảo xử lý kịp thời, không bỏ lọt tội phạm, nên chăng Việt Nam cũng áp dụng mô hình này, thành lập cơ quan điều tra chống tham nhũng trực thuộc Chủ tịch nước”.

Quy định về hành vi tham nhũng trong dự thảo được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đó, quy định về 12 hành vi như trong dự thảo là chưa đầy đủ để lọt nhiều hành vi tham nhũng khác, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm hành vi cố ý làm trái, cấu kết tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, đưa hối lộ… Nhiều ý kiến cũng đề nghị, dự án luật cần quy định cơ chế bảo vệ những người tố cáo tham nhũng hoặc báo chí phát hiện tham nhũng, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) nêu ý kiến: “Quy định rõ, cụ thể cơ chế giám sát của quần chúng, của dư luận, của báo chí ở từng công đoạn phòng, phát hiện, điều tra, xử lý hành vi tham nhũng thì sẽ vừa phát huy được vai trò của quần chúng, của báo chí, vừa tạo động lực để luật đi vào cuộc sống. Tôi đề nghị, song song với việc phát huy vai trò của quần chúng, của báo chí thì cũng rất cần thiết để có một cơ chế bảo vệ những người tham gia phòng, chống tham nhũng và cũng có những quy định khen thưởng thật cụ thể đối với người dân và phóng viên làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng”.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) thì cho rằng, chúng ta đã có một luật phòng, chống tham nhũng tương đối tốt, nhưng hầu như mọi quy định của luật đều thực hiện không nghiêm túc, thực hiện còn hình thức và thiếu giám sát điều tra, đồng thời khẳng định kết quả đấu tranh của phòng, chống tham nhũng phụ thuộc vào quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Đại biểu Nguyễn Văn Hiến nói: “Không cần sửa đổi bất cứ luật nào nếu với trách nhiệm quản lý nghiêm túc sẽ không có hàng chục con tàu cũ được mua về. Không cần sửa đổi bất cứ luật nào nếu giám sát tốt sẽ không có bê-tông cốt tre, sẽ không có những con đường, công trình vừa làm xong đã hỏng, không cần sửa đổi bất cứ luật nào, nếu người đứng đầu nghiêm túc, thì cấp dưới không dám nhũng nhiễu…”.

Cùng ngày, các đại biểu cũng tham gia thảo luận về vấn đề tham nhũng có yếu tố nước ngoài; việc công khai minh bạch trong lĩnh vực giáo dục; bên cạnh đó, vẫn còn có ý kiến chưa tán thành thông qua Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trong kỳ họp lần này, vì cho rằng đây là một đạo luật rất quan trọng nhưng phức tạp cần có thời gian nghiên cứu sâu hơn.