“Quản lý thức ăn đường phố khó, nhưng không thể không làm”

(VOH) - Từ ngày 15/4 đến 15/5, đồng loạt trên cả nước diễn ra tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Với chủ đề được chọn trong năm nay là “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố”, cho thấy những rủi ro, những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng từ loại hình kinh doanh này là khá lớn. Từ lâu nay, thức ăn đường phố có nhiều ưu điểm như tiện lợi, rẻ tiền và còn là một nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền, vậy nhưng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều điều đáng bàn. Xung quanh kế hoạch triển khai cho tháng hành động này, phóng viên Đài TNND TPHCM đã phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Phong - Cục phó Cục an toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế.

Thức ăn đường phố có rất nhiều lợi ích như tiện lợi, rẻ tiền và là văn hóa ẩm thực của từng vùng miền, từng quốc gia. (ảnh: DoanhnhanSG)

* Thưa ông, vì sao năm nay chúng ta chọn chủ đề của Tháng hành động này là “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố”?

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục phó Cục an toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế (ảnh: Dantri)

Ông Nguyễn Thanh Phong: Như chúng ta biết thức ăn đường phố là loại hình kinh doanh rất phổ biến không những ở Việt Nam mà ngay các nước trên thế giới. Thức ăn đường phố có rất nhiều lợi ích nó tiện lợi, rẻ tiền và là văn hóa ẩm thực của từng vùng miền, từng quốc gia. Nó tạo công ăn việc làm và cung cấp lượng thực phẩm rất phong phú cho xã hội. Thế nhưng bên cạnh đó nếu không quản lý tốt thì thức ăn đường phố nó cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ không đảm bảo VSATTP như địa điểm, hệ thống cung cấp nước sạch, vệ sinh cá nhân người bán hàng, các trang thiết bị dụng cụ phục vụ kinh doanh, thậm chí vì kinh doanh trên đường phố nên môi trường không đảm bảo cũng sẽ ảnh hưởng, người kinh doanh mua nguyên liệu không đảm bảo nên chúng ta tập trung chọn chủ đề này.



* Diễn ra suốt trong 1 tháng từ ngày 15/4 đến 15/5, như vậy các tỉnh, thành sẽ tập trung vào những hoạt động chính yếu gì nhân tháng hành động này thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Thứ nhất là hoạt động tuyên truyền giáo dục, tuyên truyền để người kinh doanh thức ăn đường phố hiểu các quy định của pháp luật, hiểu các quy định về điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất , bao bì rồi vệ sinh cá nhân người chế biến thực phẩm, rồi các quy định của pháp luật , quy định cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố phải thực hiện là những cái gì…Thứ hai là tuyên truyền kiến thức khoa học như lựa chọn, bảo quản, chế biến thức ăn đường phố an toàn để cơ sở kinh doanh biết mà thực hiện. Tuyên truyền để người tiêu dùng biết trách nhiệm và quyền lợi của mình là như thế nào khi sử dụng thực phẩm nói chung và thức ăn đường phố nói riêng. Hoạt động thứ hai là thanh kiểm tra. Ban chỉ đạo liên ngành trung ương đã chỉ đạo thành lập 8 đoàn liên ngành trung ương xuống các tỉnh để thanh kiểm tra nhân tháng an toàn VSTP, trên cơ sở đó có thể đến các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn. Cấp tỉnh thì kiểm tra cấp huyện, cấp huyện kiểm tra cấp xã phường . Thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố để đánh giá tình hình quản lý


* Kể từ khi Thông tư 30 của Bộ Y tế ban hành năm 2012 nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát tình trạng kinh doanh thức ăn đường phố với các quy định áp dụng , trong đó có cả xử phạt những hành vi vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố thì tình hình này cũng đã có cải thiện dần… Thế nhưng chúng ta không thể quản lý xuể nhất là tại các TP lớn vì lượng người buôn bán ngày càng nhiều, trong đó nhất hàng rong. Như vậy với loại hình buôn bán này, việc quản lý kiểm soát trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Phong:
Nhiều người đặt ra vấn đề là rất khó quản lý chứ không dễ dàng nhưng tôi nghĩ nếu khó mà không xuất phát thì khó đến được điểm đến. Trước đây không có quy định thì việc kinh doanh hết sức tự do, mà các điều kiện quy định tối thiểu về vệ sinh cũng rất khó giám sát vì không có quy định pháp luật. Rõ ràng sau thời gian triển khai chúng ta đã bắt đầu thấy rằng tuy không phải là tất cả nhưng cũng đã xuất hiện người bán hàng đeo tạp dề , đeo găng tay, lấy thức ăn bằng kẹp gấp, có bàn cao…một số khu vực như Đà Nẵng, TPHCM, Hà Nội, Quảng Ninh …chúng ta làm tương đối tốt. Tuy nhiên để đảm bảo được toàn bộ thì cần có thời gian, vừa vận động tuyên truyền cho người tiêu dùng kiên quyết tẩy chai, rồi trách nhiệm của địa phương nữa. Chúng ta phải cộng đồng cả 3 nhà cơ quan quản lý, các cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng cộng tác với nhau làm sao đảm bảo được, phát huy tốt hơn cái ưu điểm của thức ăn đường phố và đồng thời hạn chế nguy cơ để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.


*Xin cám ơn ông