Quản lý y tế đâu là hướng đi bền vững: Nhìn lại đấu thầu tập trung – khi năng lực cung ứng có hạn

(VOH) - Làm sao để thuốc chất lượng tốt đến với người bệnh là câu chuyện luôn là sự trăn trở trong bài toán quản lý.

Bên cạnh việc chẩn bệnh chính xác phụ thuộc vào tay nghề, năng lực chuyên môn bác sĩ thì thuốc sẽ quyết định hiệu quả điều trị. Thời gian qua, khi sự việc của công ty VN Pharma bị phanh phui, giật mình nhìn lại về đấu thầu tập trung dù chỉ thực hiện trong giai đoạn ngắn rõ ràng cách này không phải ưu việt nhất. Vì sao thuốc kém chất lượng vẫn “lọt lưới, vẫn trúng thầu?

Từng được mệnh danh là “vua đấu thầu”, dù “sinh sau đẻ muộn”, mới thành lập năm 2011, nhưng ngay thời điểm Sở Y tế TP thí điểm đấu thầu tập trung vào đầu năm 2014 thì công ty VN Pharma đã trúng ngay gói thầu trên 480 tỷ đồng với hơn 60 mặt hàng thuốc. Một trong số trúng thầu đó có thuốc H – Capita 500 mg có hồ sơ giả mạo nên các cơ quan chức năng đã kiểm kho, niêm phong toàn bộ số thuốc này, không để vào bất kỳ bệnh viện nào. Tương tự, 7 loại thuốc kháng sinh kém chất lượng khác của VN Pharma cũng bị ngăn chặn không đến tay người bệnh. Tuy nhiên, nếu sự việc này không đưa ra ánh sáng thì ai bị ảnh hưởng?

Câu trả lời chắc chắn sẽ là bệnh nhân. Điều đáng lo ngại nhất với những thuốc biệt dược, thuốc đặc trị, khi không quan tâm chất lượng, cứ chào giá, hạ giá như vậy thì hiệu quả điều trị sẽ ra sao?. Khi phân tích về đấu thầu tập trung, theo các chuyên gia y tế, hình thức này cũng mang nhiều lợi điểm như tập trung một mối, tiết kiệm, thanh toán bảo hiểm y tế thuận lợi tuy nhiên thực tế, trong giai đoạn 2014 – 2015 khi Sở Y tế TP chọn cách này, giao quyền đấu thầu cho “Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công ngành y tế” tiến hành đấu thầu thì sau đó, khi chờ đơn vị trúng thầu cung ứng thuốc, nhiều giám đốc Bệnh viện như “ngồi trên đống lửa” khi năng lực cung ứng của các doanh nghiệp trúng thầu có hạn. Có những lúc cao điểm, một số bệnh viện phải đi mượn thuốc, hay ứng thuốc về dùng cho bệnh nhân của mình. TPHCM là trung tâm sản xuất, phân phối thuốc của cả nước chiếm thị phần rất lớn nên nguy cơ doanh nghiệp trúng thầu không đủ năng lực cung ứng là rất lớn.

Quản lý Y tế đâu là hướng đi bền vững: Nhìn lại đấu thầu tập trung – khi năng lực cung ứng có hạn

Các bị cáo trong vụ VN Pharma tại phiên phúc thẩm. Ảnh: Tùng Tin.

Vấn đề này cũng được một chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực y tế băn khoăn vì khi gói thầu quá lớn, không đảm bảo cung ứng thì sẽ dẫn đến thiếu thuốc: "Chuyện đấu thầu tập trung bài toán đặt ra ở đây khi gói thầu quá cao quá lớn, thì năng lực cung ứng của các doanh nghiệp dược trong nước hiện nay chưa đảm bảo dễ dẫn đến thiếu thuốc. Thứ hai đấu thầu tập trung đánh đồng hết các mô hình bệnh tật vì từng khu vực, từng bệnh viện có đặc thù mô hình bệnh tật khác nhau".

Nhìn lại thời gian qua khi chọn mua tập trung, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cũng băn khoăn: "Mua tập trung thì giá có thể thấp hơn, chế độ hậu mãi cũng có thể tốt hơn nhưng với điều kiện có khả năng còn chúng ta trong thời gian qua chưa đủ lực làm một lúc vừa thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao".

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Dược học TP phân tích, cho đến hiện nay thì  đấu thầu không phải là hình thức duy nhất mà điều quan tâm nhất là làm sao các mặt hàng thuốc đều phải đảm bảo chất lượng. Phải xây chất lượng thuốc từ gốc: "Khi thuốc đến các bệnh viện có hai con đường, một là đấu thầu cho bệnh nhân bảo hiểm y tế hai là dựa vào hệ thống phân phối thuốc như từ trước đến giờ, bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân tự mua. Ở đây với đấu thầu tôi thấy không phải là con đường duy nhất, vì đấu thầu có những kỹ thuật trong đấu thầu nên đôi khi vô tình hay cố ý loại thầu những đơn vị xứng đáng. Nếu như thang điểm kỹ thuật chúng ta xây chưa phù hợp thì cuối cùng đấu thầu thành đấu giá. Cuối cùng tạo con đường cho thuốc thật rẻ vào bệnh viện và thuốc rẻ thì nguy cơ kém chất lượng là rất lớn".

Hiện TPHCM có khoảng gần 1.200  công ty sản xuất kinh doanh thuốc, 6.500 nhà thuốc cùng nhiều nhà phân phối bán buôn, bán lẻ khá nhiều. Thách thức lớn nhất là thuốc giả ngày càng tinh vi. Ở mảng ngoại trú, làm sao để người dân tiếp cận được thuốc đảm bảo chất lượng cũng là vấn đề đáng luận bàn khi vẫn còn tồn tại tình trạng mua bán thuốc lòng vòng, không hóa đơn chứng từ. Dược sĩ Đỗ Văn Dũng – Trưởng Phòng Nghiệp vụ Dược – Sở Y tế TP nói: "Thách thức lớn nhất là thuốc giả ngày càng tinh vi với những mẫu mã bao bì đẹp cảm quan rất khó phát hiện. Các mẫu thuốc giả phát hiện được chủ yếu nhờ vào các công ty sản xuất  thuốc này họ phát hiện thuốc của mình bị làm giả họ phản ánh với cơ quan chức năng. Ngoài ra, bác sĩ, người tiêu dùng các nhà phân phối khác khi họ phát hiện cũng báo. Sau khi nghe phản ánh, chúng tôi tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm thì lúc đó mới kết luận thuốc giả hay thuốc kém chất lượng. Do thuốc đó rất phức tạp đòi hỏi công việc này phải kết hợp liên ngành và thứ hai phối hợp liên ngành cần phối hợp tốt".

Ông Nguyễn Duy Thuận – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế y tế và quản trị bệnh viện TPHCM, chỉ ra trong đấu thầu tập trung, đúng nhất là chỉ nên đưa ra khung giá chung cho bệnh viện: "Đấu thầu tập trung nên dừng lại ở chỗ định ra các khung giá để hạn chế không bị lạm dụng. Đấu thầu để tránh lạm dụng chứ không có nghĩa tôi là người mua và áp về cho bệnh viện dùng. Trung tâm đảm nhận đấu thầu đó nên thuộc ngành y tế không nên thuộc Sở Y tế hoặc thuộc một liên ngành chịu trách nhiệm chuyên môn và tài chính".

Bắt đầu từ năm 2016 đến nay, ngành y tế vừa thực hiện đấu thầu tập trung ở nhóm mặt hàng Bộ Y tế giao, số còn lại bệnh viện tự quyết định. Tuy nhiên, trở lại câu chuyện này, dù tập trung hay riêng lẻ thì điều bệnh nhân quan tâm nhất vẫn là chất lượng thuốc. Thuốc là mặt hàng đặc biệt chữa bệnh cứu người nên nếu không chú tâm đến chất lượng, thiêng về đấu giá thì e rằng hậu quả bệnh nhân gánh chịu là rất lớn. Như vậy, chấn chỉnh từ gốc bằng cách nào? Sẽ có rất nhiều hiến kế được đưa ra nhưng trong thị trường còn lắm “hỗn loạn” như hiện nay, thì ưu tiên vẫn là quản lý lại việc cấp số đăng ký phải xây dựng hàng trào kỹ thuật khắt khe để chặn từ “ngõ”, khống chế số đăng ký quá nhiều như hiện nay.

Bên cạnh đó, phải tận gốc lành mạnh hóa thị trường, hạn chế nhập khẩu thuốc trong nước đã sản xuất được. Với doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, nên có chính sách khuyến khích công tác nghiên cứu phát triển cho những dạng bào chế mới, và phải thay đổi một “định kiến”, thói quen của người tiêu dùng khi nhìn về thuốc nội. Khi giải quyết phần gốc, nâng chất lượng trên phạm vi toàn cục thì mới tránh được chuyện thuốc kém chất lượng phá giá trúng thầu của VN Pharma vừa qua.

Kỳ 2: Khi bác sĩ làm quản lý