Quốc hội thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

(VOH) - Sáng 10/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo các đại biểu việc xây dựng dự án Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Quốc hội thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Đoàn ĐBQH TPHCM thảo luận tại Tổ, ngày 10/6/2020. Ảnh: SGGP

Một trong những vấn đề hiện còn nhiều ý kiến khác nhau và cần cân nhắc thận trọng khi xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính là “Việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy”.

Theo các đại biểu cần cân nhắc thận trọng việc bổ sung quy định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy, vì chưa phù hợp với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đại biểu Dương Ngọc Hải cho rằng mục đích áp dụng chế tài đối với người chưa thành niên là nhằm giáo dục, phòng ngừa chứ không phải là trừng phạt. Đối tượng từ 12-18 tuổi là trẻ em, mà theo luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em thì đối tượng này cần phải được chăm sóc giáo dục, năng lực hành vi dân sự còn chưa có nên việc xử lý vi phạm hành chính là không hợp lý: "Hành xử với những đối tượng này khi nghiện thì phải giáo dục tại gia đình, tại cộng đồng chứ không phải đi vào xử lý hành chính. Vì xử lý hành chính thì sẽ bị ghi vào lý lịch khi xin việc làm về sau rất khó", theo đại biểu Ngọc Hải.

Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy tán thành việc tiếp tục quy định biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên trong Luật xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên đại biểu kiến nghị không nên coi đó là một hành vi tiền sự: "Chúng ta xác định những người nghiện là người bệnh đưa đi để chữa bệnh, nhưng chúng ta lại coi đó là  tiền sự như những hành vi vi phạm khác, khiến họ mặc cảm. Nếu họ có nghiện nữa thì tăng mức thời gian đưa đi cai nghiện...".

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, xử phạt vi phạm hành chính phải là để tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, mà là điều chỉnh hành vi, cần hướng tới tinh thần thượng tôn pháp luật. Việc tăng mức phạt là rất cần thiết, nhưng tăng như thế nào cho hợp lý. Mức phạt cao chót vót sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, sẽ có nguy cơ các đối tượng cố tình vi phạm nhiều lần để bù vào tiền phạt và có thể có sự bắt tay giữa người đi xử phạt với người vi phạm. Luật nên quy định rõ ràng, tránh tình trạng mỗi nơi một cách. Đôi khi xử phạt bằng tiền không có tính răn đe, phải xử phạt làm sao để người khác nhìn vào không dám làm. Đại biểu Phong Lan nêu: "Phải đánh vào cái gì người ta sợ cho nên phải có thêm các hình thức xử lý khác chứ không chỉ phạt tiền. Sau cùng trên thực tế, những trường hợp vi phạm mà không giấy tờ, không phép thì hình thức xử lý như thế nào?".

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng, đặt ra các hình thức xử phạt nhưng nhiều đơn vị vẫn coi việc xử phạt như trò đùa dẫn đến hiệu lực pháp luật bị triệt tiêu. Cho nên cần coi việc “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ" là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc bổ sung thêm biện pháp này sẽ góp phần tăng thêm công cụ mang tính mệnh lệnh, phục tùng thể hiện quyền lực Nhà nước, có hiệu quả cao trong xử lý vi phạm.

"Có những doanh nghiệp biên bản xử lý vi phạm hành chính dày như tập vở học sinh, nhưng không thực hiện, nhưng cũng không thể cưỡng chế nổi. Do Bộ Công Thương đặt ra quy định không cúp điện cúp nước, thậm chí có trường hợp xử lý vi phạm nhiều thì chuyển nhượng doanh nghiệp cho người khác", đại biểu Như Khuê.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo các đại biểu quy định về chính sách của Nhà nước đã được sửa đổi theo hướng bổ sung và cụ thể hóa các chính sách để khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành. Tuy nhiên, chính sách “Bảo đảm bình đẳng giới trong hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; có các biện pháp hỗ trợ bảo vệ người lao động nữ làm việc ở nước ngoài trong những công việc và nơi làm việc nhạy cảm về giới” đã được bổ sung tại khoản 5, nhưng chưa được cụ thể hóa trong dự thảo Luật.  Do đó, đề nghị Chính phủ, Ban Soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định phù hợp để bảo đảm bình đẳng giới thực chất về quyền, lợi ích của lao động về tiếp cận thông tin; các quyền liên quan đến việc làm; quyền được tôn trọng, không bị xâm phạm thân thể, nhân phẩm; những vấn đề tài chính như các khoản phí và việc chuyển tiền lương về nước; quyền tiếp cận và thụ hưởng chính sách sau khi hết hạn hợp đồng trở về; cụ thể hóa các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ lao động nữ.

Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp để khuyến khích đầu tư - Theo chương trình làm việc của Quốc hội, hôm nay (10/6), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025.
Lý do không đồng tình đề xuất nghỉ 5 ngày dịp Quốc khánh 2/9 - Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung nêu nhiều lý do không đồng tình với đề xuất tăng thêm ngày nghỉ dịp 2/9 năm nay.