Quốc hội thảo luận Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

(VOH) - Cũng trong chiều 25/10, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước gồm 5 chương 34 điều quy định về bí mật Nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thảo luận tại hội trường, các đại biểu thống nhất cao cần thiết phải sớm ban hành văn bản luật này, nhất là trong điều kiện nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Các đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, sử dụng, tiếp cận bí mật nhà nước để quản lý chặt chẽ; hạn chế việc bị lộ, bị mất bí mật nhà nước trong quá trình quản lý, sử dụng bí mật nhà nước; quy định về tiêu chuẩn đối với người làm công tác liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước. Dự luật quy định 15 lĩnh vực thuộc phạm vi bí mật Nhà nước,  tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng phạm vi còn quá rộng và có những điểm chưa thật sự phù hợp trên thực tế.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng hiện chúng ta hướng tới xã hội công nghệ 4.0, thông tin phải phổ biến thật nhanh, rộng và tiện lợi, rẻ và miễn phí. Với nhận thức đó vậy thì trong những thông tin đó thì thông tin nào là bí mật nhà nước, nếu làm không khéo, mở quá rộng thì không ai dám làm. Đại biểu nêu dẫn chứng thân dẫn chứng, thông tin về thân thế, sự nghiệp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiện cũng thuộc danh mục mật, dễ bị xuyên tạc, hiểu lầm…

“Có những chủ trương đối ngoại thì phải tuyên truyền cho nhanh cho rộng, thân thế sự nghiệp lãnh đạo phải tuyên truyền cho người ta học tập. Vấn đề tư pháp phải công khai tranh luận các cáo trạng mình phải tống đạt tới người này người kia.  Về kinh tế thì lĩnh vực tài chính ngân hàng nhiều lúc phải phổ biến nhanh và phổ biến rộng...” - Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Đồng quan điểm này, đại biểu Rơ Chăm Long, đoàn Kon Tum cho rằng nếu phạm vi quá rộng như vậy thì rất dễ dẫn đến việc lạm dụng luật này. Đại biểu đề nghị đưa giai đoạn thi hành án ra khỏi phạm vi bí mật nhà nước. Đại biểu Rơ Chăm Long cho biết: “Ở giai đoạn khởi tố điều truy tố có một số vụ án cần giữ bí mật nhà nước chứ không phải tất cả vụ án đều thuộc bí mật nhà nước. Như thế là chưa đảm bảo quyền tiếp cận thông tincủa  Nhà nước...”

Các đại biểu quốc hội cho rằng, một trong những hình thức chủ yếu để lộ bí mật nhà nước là việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước chưa được quy định chặt chẽ, chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc tổ chức, tham gia hội nghị, hội thảo, cuộc họp, dễ bị lợi dụng khai thác khi tiếp cận thông tin có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Do đó, đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với các hoạt động này.

Về vấn đề này,Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương, đoàn Gia Lai nêu ý kiến: “Để bảo vệ bí mật nhà nước không phải đối tượng nào cũng có thể được phép tổ chức cuộc họp hội thảo có nội dung bí mật nhà nước. Nhưng lại chưa có quy định đối tượng chủ thể được tổ chức cuộc họp hội thảo có nội dung bí mật nhà nước; do đó tôi đề nghị bổ sung nội dung này...”

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, một trong những hình thức chủ yếu để lộ bí mật nhà nước là việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc họp có bí mật nhà nước chưa chặt chẽ, chưa xác định trách nhiệm của các chủ thể trong việc tổ chức, tham gia hội nghị, hội thảo, cuộc họp, dễ bị lợi dụng để khai thác, tiếp cận thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Do đó, đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với hoạt động này. Các đại biểu cũng đề nghị rà soát, quy định đầy đủ các chủ thể lập danh mục bí mật nhà nước, thẩm quyền lập danh mục bí mật nhà nước, phạm vi ban hành danh mục bí mật nhà nước; đối với danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh đề nghị giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an lập và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm - Chiều ngày 25/10/2018, Quốc hội tiến hành công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Quốc hội thảo luận về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) - Trong sáng 25/10, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).