Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đặc xá và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật

(VOH) - Chiều 11/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Các đại biểu tập trung góp ý về các nội dung quy định của dự án luật như chính sách học phí, lĩnh vực giáo dục mầm non, về giáo dục thực nghiệm…. nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Các đại biểu nhất trí cần thiết sửa đổi Luật giáo dục hiện hành vì sau hơn 10 năm thực thi đã bộc lộ nhiều bất cập. Nội dung được nhiều đại biểu góp ý về chính sách học phí.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục

Một phiên họp của Quốc hội. (Ảnh: Quỳnh Hoa/TTXVN)

Đại biểu Nguyễn Hồng Hải, đoàn Bình Thuận nhất trí chi phí giáo dục phải được tính đúng tính đủ làm căn cứ để xác định cơ chế thu, nguồn thu, đầu tư đảm bảo chất lượng. Đặc biệt đối với cơ sở giáo dục công lập cần phải được xem xét thấu đáo.

“Đây là nội dung tác động lớn đến xã hội, liên quan trực tiếp đến khả năng đóng góp của nhân dân. Tôi kiến nghị cơ quan soạn thảo cần quy định ngay trong luật trách nhiệm về tài chính của nhà nước hỗ trợ học phí cho từng cấp học. Quy định lộ trình miễn học phí cho học sinh cơ sở. Quy định về trách nhiệm tài chính của học sinh, gia đình. Chính sách hỗ trợ tài chính của nhà nước cho học sinh nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hải đảo”, đại biểu Hải đóng góp.  

Đề cập một số vấn đề tồn tại của ngành giáo dục thời gian qua như bệnh thành tích, tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, dạy thêm học thêm tràn lan, 1 số ý kiến cho rằng nguyên nhân là do các nhà giáo thiếu quyền tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Đại biểu Đặng Xuân Phương, đoàn Đắk Lắk đề nghị trong dự án luật nên có quy định trao quyền cho nhà giáo được đánh giá đúng thực chất, năng lực học sinh. Mặt khác cũng cần có quy định để kiểm soát việc lạm quyền của giáo viên bằng các điều kiện bảo đảm tính công bằng trong việc đánh giá, xếp loại học sinh. Để tránh tính trạng thiếu khách quan, trù dập học sinh….

Trước đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn với nhiều quy định về điều kiện, thời điểm thực hiện đặc xá không có nhiều không biệt so với các chế định về tha tù trước thời hạn được quy định trong Bộ Luật hình sự. Điều này làm mất đi ý nghĩa đặc ân đặc biệt của chính sách đặc xá cũng như dẫn tới việc hiểu Chủ tịch nước phải làm thay trách nhiệm của cơ quan tư pháp.