Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công

(VOH) - Chiều 16/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Các đại biểu cho rằng luật đầu tư công mới có hiệu lực được 3 năm, nhưng đã đặt ra vấn đề phải sửa đổi. Luật sửa đổi lần này cần đảm bảo tính lâu bền, ổn và khả thi của từng quy định để tránh việc vừa ban hành đã phải sửa đổi.

Luật sửa đổi lần này cần quy định, phân loại rõ các nguồn vốn đầu tư công và quy trình, thủ tục phù hợp với từng loại nguồn vốn; bổ sung phân loại dự án đầu tư công; điều chỉnh tiêu chí dự án nhóm A đối với dự án thuộc địa bàn di tích quốc gia đặc biệt, dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh. Cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp trong thẩm định nguồn vốn, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án.

Đại biểu Vũ Lưu Mai, đoàn Hà Nội, đề nghị cần hoàn thiện thể chế đầu tư công, bảo đảm hiệu quả phù hợp thông lệ quốc tế, công khai minh bạch thông tin, tăng cường giám sát, đặc biệt là xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức đối với hiệu quả đầu tư.

"Trong lần sửa đổi này cần bổ sung các tiêu chí đánh giá dự án gắn với hiệu quả đầu ra. Cương quyết không dưa vào dự thảo luật những dự án chưa đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, không phân bổ cho các dự án ở giai đoạn sau nếu không làm rõ hiệu quả ở giai đoạn trước, bổ sung trách nhiệm của đơn vị cá nhân đối với hiệu quả đầu tư", Đại biểu Vũ Lưu có ý kiến.

Các đại biểu đánh giá dự thảo có mục tiêu phân cấp mạnh hơn, nhất là về thẩm định và cân đối nguồn vốn. Tuy nhiên, còn một số điều khoản, chi tiết đưa vào khiến thủ tục thêm phức tạp.

Đại biểu Bùi Văn Phương, đoàn Ninh Bình đề nghị: "Chúng ta phân cấp cho chính quyền địa phương thì phải đi kèm với phân quyền. Bây giờ tổng mức vốn ngân sách nhà nước do Chính phủ giao, giao tổng mức về cho địa phương kèm theo đó các mục tiêu tiêu chí điều kiện đầu tư công. Còn thẩm quyền đó do chính quyền địa phương thảo luận chọn vào dự án theo đúng tiêu chí  nào mà trung ương  phân bổ, như vậy thì phù hợp".

Đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc góp ý vào nội dung thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư công sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn ngân sách trung ương nên quy định theo tỷ lệ vốn ngân sách trung ương tham gia trên tổng mức đầu tư là bao nhiêu phần trăm...

Về đối tượng đầu tư công, các đại biểu đề nghị quy định rõ điều kiện cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý, vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ và hỗ trợ đối tượng chính sách. Việc quy định về dự án đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư công là chưa phù hợp với quy định của Luật Xây dựng; đề nghị không quy định thành đối tượng riêng. 

Đại biểu Nguyễn Hồng Hải đoàn Bình Thuận đề nghị Ban soạn thảo bổ sung công việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa đặc biệt  với các công trình giao thông vào đối tượng đầu tư công: "Vì hệ thống công trình giao thông được đầu tư nhiều từ nguồn ngân sách nhà nước từ trung ương đến địa phương, là động lực phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên khối lượng công trình giao thông xuống cấp hư hỏng lớn, nhất là tại các địa phương. Hơn nữa với tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng nhiều đến các công trình giao thông, nhưng không được sửa chữa kịp thời. Do đó tôi kiến nghị ban soạn thảo kiến nghị bổ sung đối tượng trên vào đối tượng đầu tư công".