Quốc hội thảo luận về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

(VOH) - Các đại biểu đều thống nhất với việc ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm Luật hoá chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp.

Tiếp tục kỳ họp thứ 5, Quốc Hội khóa XIV, sáng 23/5 các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Các đại biểu đều thống nhất với việc ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm Luật hoá chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng cho việc hình thành và phát triển của 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, là: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc; là vấn đề  thực sự cần thiết, tạo động lực mới cho sự phát triển, xây dựng niềm tin và thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Sau lần trình đầu tiên tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2017, Dự thảo Luật này đến nay đã có những sửa đổi bổ sung quan trọng, để ngày càng hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, khi thảo luận về Dự luật này, các đại biểu vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về các quy định chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, nguồn nhân lực và thẩm quyền của Trưởng các Đặc khu...

kỳ họp thứ 5, Quốc Hội khóa XIV\

Toàn cảnh Phiên họp tại hội trường. 

Theo các đại biểu, đất đai là tài sản quan trọng của người dân, gắn liền với cuộc sống của người dân, việc thu hồi đất đai có sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người bị thu hồi đất. Việc giới hạn về thu hồi đất là cần thiết, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Quy định trong Luật về phạm vi thu hồi đất quá rộng, tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng trong thu hồi đất, có thể dẫn đến vì quyền lợi của nhà đầu tư mà bỏ qua quyền lợi của người bị thu hồi đất. Việc thu hút dự án đầu tư là nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của đặc khu và mục tiêu cuối cùng cũn là nâng cao đời sống của nhân dân. Chính vì vậy các đại biểu đề nghị cần đánh giá lại trường hợp thu hồi đất để phù hợp với Hiến pháp 2013.

Quan tâm đến quy định dành cho nhà đầu tư chiến lược, Đại biểu Võ Thị Như Hoa- Đoàn Đà Nẵng nói: “Tại điểm G, khoản 1 điều 30 của dự thảo quy định nhà đầu tư chiến lược có quyền được tham gia trong quá trình lập quy hoạchxây dựng chính sách áp dụng tại đặc khu. Tuy nhiên việc cho nhà đầu tư quyền này mà không có giới hạn nhất định thì có thể khiến cho NĐT chiến lược có thể chi phối chiến lược phát triển đặc khu theo hướng có lợi cho NĐT và làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các NĐT khác.”

Quan tâm đến các cơ quan tư pháp trong dự thảo luật, nhiều đại biểu nhận định: Dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng, đối với các dự án dân sự thì tăng cơ bản thẩm quyền cho toà án đặc khu. Hầu hết các vụ án thuộc thẩm quyền của toà án cấp tỉnh đều chuyển xuống cho toàn án đặc khu. Tuy nhiên, đối với các vụ án hành chính, dự thảo cơ bản không tăng thẩm quyền cho toà án đặc khu mà giữ như thẩm quyền của toà nán cấp huyện. Mọi khiếu kiện của người dân đối với các quyết định hành chính của đặc khu sẽ do toà án cấp tỉnh giải quyết, toà án đặc khu không có thẩm quyền giải quyết loại việc này. Theo các đại biểu, quy định này cần phải được xem xét trên nhiều khía cạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuý- Đoàn Bắc Cạn nêu ý kiến: “Quy định như dự thảo chưa đáp ứng yêu cầu tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian đi lại của người dân. Về điều kiện địa lý thì các đặc khu này đều các xa trung tâm tỉnh, xa nhất là Phú Quốc, cách TAND tỉnh Kiên Giang người dân và NĐT phải đi tàu vượt 120km đường biển. Và theo nguyên tắc của tố tụng nếu bản án sơ thẩm của cấp tỉnh bị kháng cáo kháng nghị thì việc xét xử phúc thẩm phải do tòa án tối cao giải quyết, trong khi đó cả nước chỉ có 3 tòa án tối cao tại HN, ĐN. TP HCM. Khi đó rất vất vả cho người dân, NĐT theo kiện để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình."

Về tổ chức chính quyền tại các đặc khu này, một số đại biểu đồng tình không tổ chức Hội đồng Nhân dân nhưng phải có tổ chức Đảng và Chính quyền. Cho rằng nên mở rộng quyền của Trưởng đặc khu hành chính - kinh tế để tạo ra cơ chế thông thoáng nhưng nhiều đại biểu đặc biệt lưu ý tới việc phải chọn cán bộ giỏi và có một cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, tránh lạm quyền. Một số đại biểu đề xuất nên để các đặc khu kinh tế này trực thuộc Trung ương để tránh nhiều tầng nấc.

Sáng nay, các đại biểu Quốc hội cũng tập trung thảo luận nhiều vấn đề xoay quanh cơ chế giám sát như thế nào để tránh lạm quyền, nhưng vẫn đảm bảo quyền tự chủ cho lãnh đạo đặc khu. Các vấn đề nóng về về ưu đãi thuế các lĩnh vực nhạy cảm như casino hay thẩm quyền giao đất đến 99 năm cũng được các đại biểu bàn thảo.

Chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch và Dự án Luật Trồng trọt.