Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

(VOH) - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa 14, sáng 28/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).

Cũng trong sáng 28/10, các đại biểu nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019.

Đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng ngày 28/10. 

Đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng ngày 28/10. Ảnh: Quốc hội. 

Đa số đại biểu tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dân quân tự vệ, tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị rà soát lại kỹ một số nội dung để hoàn thiện dự thảo Luật, đồng thời đóng góp ý kiến về các nội dung liên quan đến tên gọi, phạm vi điều chỉnh của luật; chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ.

Góp ý về điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, một số đại biểu cho rằng, đối với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn khó khăn, vướng mắc, nhất là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng.

Theo đại biểu Cần Thị Mẫn, đoàn Thanh Hóa, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa với sự đa dạng các loại hình doanh nghiệp thì việc tổ chức dân quân tự vệ trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên việc tổ chức lực lượng này là cần thiết, nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân và xây dựng khu vực phòng thủ ở các địa phương.

Quan tâm đến nội dung độ tuổi tham gia lực lượng dân quân tự vệ trong thời bình, đại biểu Lý Tiết Hạnh, đoàn Bình Định thống nhất quy định chung về độ tuổi là công dân nam từ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ là 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ. Tuy nhiên, đối với nội dung tình nguyện tham gia dân quân tự vệ, có thể kéo dài đến 50 tuổi đối với nam và 45 tuổi đối với nữ, đại biểu cho rằng đối với nội dung này không nên quy định tùy nghi, dễ dẫn đến phức tạp. Cần quy định rõ độ tuổi tham gia dân quân tự vệ đối với lực lượng tự vệ của các cơ quan đơn vị có tính ổn định về nhân sự theo quy định của Bộ luật lao động. Bởi, đa số lực lượng tự vệ cơ quan tổ chức thì số lượng công chức viên chức người lao động được tuyển dụng hàng năm không biến động, nếu quy định độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự như trong dự thảo thì sẽ khó khăn trong việc tổ chức biên chế lực lượng tự vệ trong cơ quan đơn vị và không tận dụng phát huy được hết khả năng của lực lượng này.

“Việc chúng ta có một lực lượng tham gia DQTV gắn với quá trình đào tạo bồi dưỡng, nếu không sử dụng phát huy hết độ tuổi khả năng của họ sẽ rất lãng phí….Đề nghị ban soạn thảo luật sẽ đánh giá tác động toàn diện, đối chiếu với bộ luật lao động đang được sửa đổi, nhằm tận dụng được trình độ chuyên môn kỹ thuật cao…”, đại biểu Lý Tiết Hạnh nói.

Cơ bản nhất trí với quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Dân quân tự vệ, tuy nhiên đại biểu Lưu Đức Long, đoàn Vĩnh Phúc cho rằng dự thảo mới quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân nhưng chưa quy định trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp đối với lực lượng dân quân tự vệ. Theo đại biểu Đức Long điều là chưa phù hợp với Hiến pháp và luật tổ chức chính quyền địa phương.

Đại biểu Lưu Đức Long nêu ý kiến: “Đối với trách nhiệm của UBND các cấp đề nghị bổ sung nội dung thực hiện kiểm tra thanh tra sơ kết tổng kết công tác thi đua khen thưởng của lực lượng dân quân tự vệ. Thứ 2 đề nghị bổ sung trách nhiệm của HĐND các cấp… quy định nhiệm vụ.”

Chiều 28/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Xe ô tô sẽ phải dán thẻ đầu cuối và thanh toán điện tử khi qua các trạm ETC - UBND TP vừa kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định bắt buộc các phương tiện xe ô tô tham gia giao thông phải thực hiện dán thẻ đầu cuối.
TPHCM: Xây dựng các hình thức chế tài xử lý vi phạm trật tự xây dựng - UBND TPHCM vừa yêu cầu Sở xây dựng lập danh mục các hình thức chế tài xử lý, trong đó hệ thống theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm và tính nghiêm khắc của chế tài.