Quốc hội thông qua 5 dự luật quan trọng

(VOH) - Chiều nay 19/11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội thông qua Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Dự thảo Luật Đặc xá sửa đổi có nhiều điểm đáng chú ý, đặc biệt là quy định về điều kiện và đối tượng được đề nghị đặc xá, trong đó có đặc xá đối với phạm nhân là người nước ngoài. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ quy định về thời điểm đặc xá như dự thảo luật là Ngày Quốc khánh 2/9, ngày tết Nguyên đán hoặc ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4. Quy định về thời điểm đặc xá như dự thảo Luật là kế thừa Luật hiện hành, thể hiện tính nhân đạo trong chính sách pháp luật Việt Nam và thực tiễn thực hiện không phát sinh vướng mắc.

Tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, chưa có nước nào quy định cụ thể trong Luật về tần suất thực hiện đặc xá mà giao cho Người đứng đầu Nhà nước quyết định căn cứ vào điều kiện cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn. UBTVQH đề nghị cho giữ quy định về thời điểm đặc xá như dự thảo Luật vàgiao cho Chủ tịch nước căn cứ các quy định của Luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam

Luật Cảnh sát biển Việt Nam gồm 8 chương, 42 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam… Luật nêu rõ: Cảnh sát biển Việt Nam tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; kết hợp nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, quản lý an ninh, trật tự, an toàn trên biển với phát triển kinh tế biển. 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết: Quy định về vị trí, chức năng của Cánh sát biển Việt Nam trong dự thảo Luật đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam có liên quan tới Cảnh sát biển Việt Nam, trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hiện hành và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, Hải quân là nòng cốt; trong bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, Bộ đội Biên phòng là nòng cốt; trong thực thi pháp luật trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam là nòng cốt; mỗi lực lượng đều được pháp luật quy định nhiệm vụ, chức năng cụ thể phù hợp với vị trí, vai trò của mình. Đồng thời có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và quy định về việc phối hợp hoạt động, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Cũng trong chiều nay, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội thông qua Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.