Quốc hội thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách Trung ương 2018

(VOH) - Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, chiều 14/11, Dự toán phân bổ Ngân sách Trung ương 2018 đã chính thức được thông qua với 434 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 88,39%.

Dự toán phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2018 xác định: tổng số thu ngân sách trung ương là trên 753.000 tỷ đồng, Tổng số thu ngân sách địa phương là gần 566.000 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách Trung ương là trên 948.000 tỷ đồng, trong đó dự toán trên 321.000 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. 

Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 (Ảnh: chinhphu.vn)

Quốc hội cũng giao Chính phủ thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan khác ở Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định của pháp luật; khẩn trương phê duyệt các chương trình mục tiêu để phân bổ, giao vốn kịp thời cho các bộ, ngành, địa phương đúng quy định; Phân bổ vốn cho các chương trình, dự án có hiệu quả, có kế hoạch cắt giảm vốn đối với dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho dự án có khối lượng hoàn thành cao; Tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang, hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng.

Về bổ sung nguồn vốn có mục tiêu giai đoạn 2018 - 2020 đề ra trong Nghị quyết này, Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh, cho biết trong giai đoạn 2018-2020, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương, 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần ngân sách trung ương được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương năm trước liền kề năm hiện hành.

Bố trí 30% còn lại cho Bộ Công an để thực hiện chi cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các cơ quan trực thuộc, thực hiện mua sắm tập trung một số danh mục cần trang bị thống nhất, đồng thời điều tiết hỗ trợ cho công an một số địa phương có nguồn thu khó khăn để chi phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Chính phủ cũng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương để quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.

Trong phần báo cáo giải trình ý kiến của đại biểu về đề nghị bố trí vốn đầu tư cao hơn cho các tỉnh khó khăn, bị thiệt hại nặng nề về thiên tai, các tỉnh chịu tác động của biến đổi khí hậu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, cho biết phương án phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công năm 2018 đã ưu tiên bố trí vốn cho các địa phương miền núi phía Bắc, các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam bộ để xử lý những vấn đề khó khăn. Bên cạnh đó, hiện nay đang có nhiều công trình của trung ương đầu tư trên địa bàn các địa phương. Đồng thời, hàng năm, NSTƯ vẫn dành nguồn dự phòng để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh. UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như phương án đã trình và đề nghị Chính phủ chủ động sử dụng nguồn lực dự phòng, xử lý kịp thời những tình huống cấp bách phát sinh.

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị giải trình rõ hơn về khoản chi đối với Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng; tập trung nguồn vốn ưu tiên đầu tư cho giáo dục ở các vùng sâu, vùng xa và giáo viên phổ thông, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, giải trình: "Năm 2018, mức bố trí cho Đề án 911 đã dự kiến giảm mạnh so với các năm trước, nhưng vẫn phải duy trì một phần để tiếp tục đảm bảo kinh phí đào tạo các lưu học sinh đã tham gia nhập học các kỳ tuyển sinh trước đây. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các Đề án nói chung của ngành giáo dục và Đề án 911 nói riêng để đảm bảo việc sử dụng kinh phí được hiệu quả, tiết kiệm.

Về ưu tiên đầu tư cho giáo dục ở các vùng sâu, vùng xa và giáo viên phổ thông: thời gian qua, Chính phủ đã triển khai thực hiện khá toàn diện nhiệm vụ này, cụ thể như: đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc bán trú; thực hiện chính sách miễn/giảm học phí, học bổng, hỗ trợ chi phí học tập... Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ phương án phân bổ như dự thảo Nghị quyết".

Ngay sau phần khi biểu quyết thông qua phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2018, cuối buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại hội trường về Chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông 2017 - 2020. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Quốc hội nên ủng hộ chính sách phát triển, cơ chế cho TPHCM”

Trước đó vào buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Quốc phòng sửa đổi và dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách để phát triển TPHCM.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Ảnh: dantri)

Góp ý cho dự án Luật Quốc phòng sửa đổi, nhiều đại biểu cho rằng: Ngoài Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và dân quân tự vệ, các đại biểu cũng đề nghị đưa đội ngũ công an xã vào lực lượng vũ trang nhân dân, vì đây là lực lượng ngày càng có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng, đoàn Thái Bình nêu ý kiến về Luật Quốc phòng được quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 11 việc giáo dục lòng yêu nước, giáo dục lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng của dân tộc cho thế hệ trẻ là việc làm hết sức quan trọng, cần thiết. Tuy nhiên, đối tượng thì cũng cần phải nghiên cứu. Chẳng hạn, đối với tiểu học, đang học lớp 1 chẳng hạn, nếu chúng ta cho các em học khái niệm chiến tranh, quân đội, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có lẽ còn quá sớm đối với nhận thức của các cháu. Quy định như vậy có lẽ cũng chưa phù hợp.

Góp ý về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách để phát triển TPHCM, đại biểu Hoàng Quang Hàm, đoàn Phú Thọ cho rằng Nghị quyết này ra đời theo tình thần Bộ Chính trị, đảm bảo cho mục tiêu “cả nước vì Thành phố và Thành phố vì cả nước”.

"Nếu không có một cơ chế đặc biệt thì TP không phát triển nữa, đóng góp cho ngân sách TP với cả nước sẽ giảm đi, không còn giữ vai trò đầu tàu kinh tế nữa, sẽ làm ảnh hưởng đến cả nước. Với tinh thần như thế, tôi cũng thống nhất việc TPHCM cần ban hành Nghị quyết này, mặc dù mới đây, đã trình Thường vụ Quốc hội một Nghị định nhưng nó chưa đủ mạnh để tháo được điểm nghẽn. Trong dự thảo này thực chất cũng chỉ là để cho TPHCM phát triển, tăng thu ngân sách và tăng điều tiết cho Trung ương. Khi chúng ta đã chấp nhận một Nghị quyết sẽ có những điều không phù hợp với Luật hiện hành, tức là phải vượt Luật hiện hành nhưng điều căn bản là không được trái với Hiến pháp", đại biểu Quang Hàm cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Quốc hội nên ủng hộ chính sách phát triển, cơ chế cho TPHCM. Để ra được chủ trương này thì cũng đã bàn lên bàn xuống, họp tới họp lui, bàn rất kỹ, chín muồi rồi mới đưa ra Quốc hội.

Về đề nghị của Chính phủ không bổ sung từ Ngân sách Trung ương cho TP 18.800 tỷ đồng để thực hiện dự án này, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: 18.800 tỷ đã giao rồi và TPHCM không xin thêm: "Tôi nói để 18.800 tỷ này để cho TPHCM thì có khi TP tạo ra nhiều 18.800 tỷ để làm lợi cho đất nước. Nên đã gọi là động lực, đã cho vượt trội, cho thì cho thêm chứ đừng lấy bớt".

Theo Chủ tịch Quốc hội, TPHCM là TP lớn nhất nước, luôn đi đầu về quy mô kinh tế, quy mô thu ngân sách, quy mô giá trị GDP làm ra cho cả nước: "Tôi muốn nói cơ chế này chúng ta đưa ra để tạo động lực cho đầu tàu của chúng ta. Và cứ 1% tăng thu ngân sách, nếu có được cơ chế này thì nó sẽ đóng góp cho ngân sách nhiều hơn. Cứ tăng lên 1% thì 82% tỷ lệ các nguồn thu phân chia lại đưa về Trung ương. Chúng ta lấy nguồn này để trang trải các nhiệm vụ khác. Nên Quốc hội phải cần nhận thức được việc này là không phải cho TPHCM mà việc này chính là động lực cho cả nước.

Phỏng vấn ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về cơ chế cho TPHCM

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

(VOH) -  Sáng 14/11, Quốc hội tập trung thảo luận ở tổ dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TPHCM. Bên lề hành lang Quốc hội, VOH phỏng vấn nhanh ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về nội dung này:


Minh Phước