Quy định rõ trách nhiệm người tham gia cơ cấu lại Tổ chức tín dụng đặc biệt

(VOH) - Sáng 26/10, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung có ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, các đại biểu cho rằng, Luật được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý cụ thể, xử lý căn bản và triệt để vấn đề nợ xấu của các tổ chức yếu kém bằng hình thức phù hợp với cơ chế thị trường, trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định an toàn của hệ thống; xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo trong hoạt động tổ chức tín dụng.

Đại biểu cũng cho rằng cần đặt chế độ kiểm soát đặc biệt khi ngân hàng gặp khó khăn, kèm theo đó là hình thức cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng phục hồi và chuyển giao, chống phá sản.

Ông Vũ Hồng Thanh - Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Ảnh: TM&MT

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, đoàn Hà Tĩnh góp ý: "Việc phá sản Ngân hàng thương mại sẽ gây tiềm ẩn các nguy cơ. Trước tiên, người gửi tiền cá nhân sẽ rút ồ ạt tại các tổ chức tín dụng. Điều này có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền của toàn hệ thống.

Thêm nữa, người gửi tiền có thể tụ tập đông người, gây mất trật tự an toàn xã hội hoặc các hệ lụy khác. Hoặc nếu phá sản các tổ chức tín dụng là bắt buộc phải thực hiện, thì dự thảo Luật cũng nên có các quy định cụ thể hơn về các phương án phá sản tại các tổ chức tín dụng ngoài các quy định tại mục 1 Điểm E, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền và an toàn của các hệ thống".

Liên quan đến quy định về trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, các đại biểu nhận định việc phân công người đảm nhận nhiệm vụ này phải có cơ chế đặc biệt, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng, quyết liệt, vững chí, vững tâm, tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém.

Đại biểu Đinh Duy Vượt, đoàn tỉnh Gia Lai đề xuất: "Cán bộ đang ăn nên làm ra, thuận buồm xuôi gió, ăn ngon ngủ yên như thế thì không ai dám dũng cảm, xung phong nhảy vào để giải cứu các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt, tức là khó khăn đặc biệt, cũng là rủi ro đặc biệt, lo lắng đặc biệt cho bản thân và gia đình. Chính vì vậy, theo tôi, vẫn rất cần có quy định cụ thể và trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém ngay tại dự thảo luật nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng, quyết liệt, vững chí, vững tâm.

Tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, nhân tố con người quản lý vẫn là yếu tố quyết định để tái cơ cấu các tổ chức tín dụng hiệu quả".

Để các tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, an toàn, các đại biểu cũng đề nghị cần cụ thể hóa các nguyên tắc đặt Tổ chức tín dụng vào dạng kiểm soát đặc biệt như nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường; nguyên tắc công khai, minh bạch; nguyên tắc đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền; nguyên tắc về quy trình hoạt động giám sát, thanh tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; nguyên tắc về kiểm toán, các nguyên tắc về văn bản của các cơ quan hoặc cơ quan giám sát trong thực hiện giám sát các Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng, đoàn Hải Phòng nêu quan điểm: "Dự thảo luật có quy định rất cụ thể về biện pháp hỗ trợ chi trả tiền gửi vượt hạn mức cho người gửi tiền khi thực hiện phá sản tổ chức tín dụng yếu kém, nhưng đến dự thảo luật tại kỳ họp lần này lại không có quy định này nữa. Vậy thì quyền lợi của người gửi tiền sẽ xử lý như thế nào khi phá sản tổ chức tín dụng; nên có quy định về trách nhiệm của người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và phải được quy định ngay tại luật này như thông lệ quốc tế".

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội lại cho rằng, trong cơ cấu lại, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém cần thực hiện trên nguyên tắc không sử dụng ngân sách Nhà nước, tránh nhập nhèm khái niệm trong văn bản luật: "Một trong những nguyên tắc xuyên suốt đó là chúng ta không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Tuy nhiên, khi đối chiếu quy định của dự thảo luật, tôi cảm nhận được rằng nguyên tắc này cũng chưa được quán triệt một cách triệt để. Cụ thể là điều đó được thể hiện ở một số khía cạnh như là được vay các khoản vay đặc biệt; miễn các nghĩa vụ tài chính; không phải thiết lập dự phòng rủi ro; không phải thực hiện dự trữ bắt buộc… Tôi nghĩ rằng, không nên sử dụng khái niệm trực tiếp hay gián tiếp ở đây, bởi vì đã không sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ thì dù là gián tiếp thì cũng không nên".

Như vậy, sau kỳ họp thứ 3 diễn ra hồi tháng 5 và tháng 6 vừa rồi, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng một lần nữa lại được đem ra thảo luận ở nghị trường. Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung lần này sẽ nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý các Tổ chức tín dụng yếu kém và hạn chế, ngăn ngừa các tổ chức tín dụng yếu kém mới phát sinh, xử lý các vướng mắc, bất cập liên quan trọng quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.