Quỹ phát triển du lịch: đừng tạo "gánh nặng" cho doanh nghiệp lữ hành

(VOH) - Trong buổi làm việc chiều 29/5, Quốc hội tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Du lịch sửa đổi.

Với 9 chương, 82 điều, Luật này quy định về khách du lịch; tài nguyên du lịch; quy hoạch phát triển du lịch; đô thị du lịch; hoạt động kinh doanh du lịch; xúc tiến du lịch; hợp tác và hội nhập quốc tế về du lịch và quản lý nhà nước về du lịch.

Các đại biểu tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề gồm nguyên tắc phát triển du lịch, đô thị du lịch, xếp hạng cơ sở lưu trú và thành lập quỹ phát triển du lịch. Hầu hết đều thống nhất về nguyên tắc phát triển du lịch nhưng đối với chủ trương xây dựng đô thị du lịch thì các đại biểu phần lớn đều không đồng tình đưa vào dự thảo luật này. Riêng đối với việc xếp hạng cơ sở trú, các ý kiến đều nhất trí các cơ sở phải đăng ký xếp hạng sao do cơ quan nhà nước chuyên trách ở địa phương xem xét, cấp giấy chứng nhận đối với khách sạn từ 1- 3 sao.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện giải trình thêm một số ý kiến đóng góp. Hình: toquoc.vn

Tổng cục Du lịch sẽ phụ trách phần việc này đối với khách sạn ở hạng mục từ 4-5. Đây vừa là cách phân cấp quản lý, vừa bảo vệ quyền lợi của du khách, tránh tình trạng các cơ sở tự “phân sao”, làm giá với du khách.

Đối với hoạt động du lịch, các đại biểu đề nghị kiểm soát nghiêm thực trạng hướng dẫn viên du lịch ở các điểm đến, đảm bảo nội dung tuyên truyền văn hóa lịch sử trong nước, tránh bị xuyên tạc, bịa đặt làm sai lệch, méo mó lịch sử của đất nước.

Về nguồn quỹ phát triển du lịch, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, trên nguyên tắc, xây dựng Quỹ là cần thiết nhưng phải cân nhắc kỹ nên lấy từ đâu. Nếu thu từ doanh nghiệp (DN) qua tiền bán vé cho du khách thì vô tình sẽ làm đội giá tour, khiến cho sức cạnh tranh của điểm đến Việt Nam càng trở nên khó khăn so với các nước trong khu vực.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết lý giải: Nếu thu thêm của Doanh nghiệp một khoản cho quỹ thì khoản thu này cuối cùng cũng sẽ được chuyển cho khách du lịch. Tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu về nguồn thu, đừng tạo thêm gánh nặng cho DN cũng như khách du lịch hiện nay. Tôi cũng đề nghị cần nghiên cứu cách thức, quản lý điều hành và hoạt động của quỹ, không để tình trạng một quy định nhưng không triển khai được như trong thời gian qua, và không để cho quỹ chỉ có danh nghĩa mà hoạt động không hiệu quả như một số quỹ khác đã thành lập trước nay.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, đoàn Ninh Thuận cũng cho rằng, việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sẽ tạo điều kiện thuận lợi và góp phần hỗ trợ đắc lực vào các kế hoạch phát triển du lịch của nước ta mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, tại khoản 3, Điều 71, quy định về các nguồn hình thành quỹ, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cho biết Luật du lịch hiện hành cũng đã có quy định về Quỹ phát triển du lịch nhưng thời gian qua quỹ này chưa hoạt động được, bởi các nguồn thu được quy định trong thực tiễn của Luật hiện hành không huy động được. Tôi e rằng, quỹ này cũng sẽ không được khả thi. Theo tôi, nếu muốn có được quỹ để hoạt động phát triển du lịch thì ngoài những nguồn hình thành quỹ được quy định ở khoản 3, điều 71, thì cần bổ sung thêm nguồn huy động nữa từ tiền trích tham quan du lịch, phí thị thực nhập cảnh.

Cũng đồng tình với sự ra đời của Quỹ này nhưng xét ở góc độ cơ chế pháp lý, Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phạm Trí Thức lại đặt nghi vấn về hình thức thành lập Quỹ. Theo phân tích của ông, thì đây là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhưng tại điểm a, của Khoản 3, có ghi rõ: vốn điều lệ sẽ do ngân sách nhà nước cấp. Thêm vào đó, ở khoản 6 cũng quy định, để đảm bảo nguồn lực tài chính, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ VHTT&DL bảo đảm nguồn lực tài chính cho các hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Đại biểu Phạm Tri Thức cũng đề nghị: ở đây, nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến du lịch từ các nguồn khác hay từ ngân sách thì Luật cần phải phân địch rạch ròi, tránh tình trạng ghi vào Luật một cách chung chung rồi ngân sách phải “ôm” lấy hết, như thế sẽ trở thành một câu chuyện hài.

Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết sẽ ghi nhận các ý kiến của tất cả các đại biểu trong phiên làm việc hôm nay để chỉnh sửa, tiếp thu. Đặc biệt, với hoạt động xúc tiến du lịch, Bộ trưởng cho biết, mỗi năm nước ta mới chỉ chi 2,5 triệu USD để làm công tác xúc tiến du lịch, trong khi các nước trong khu vực Đông Nam Á, từ 80 - 100 triệu USD. Kinh phí ít nên hoạt động xúc tiến du lịch của Việt Nam chưa tạo được hiệu ứng mạnh với du khách quốc tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, 10 năm qua Luật đã quy định thành lập quỹ xúc tiến nhưng không thực hiện được. Lí do, nguồn của quỹ ở trong các quy định của Luật 2005 không còn phù hợp, không khả thi. Cho nên, trong quá trình soạn sửa đổi lần này, chúng tôi đưa ra nhiều phương án, nhưng nhận thấy tất cả đều vướng các luật khác như Phí và Lệ phí, Luật ngân sách… cuối cùng phải chọn phương án như Luật cũ: ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ, Thủ tướng có cam kết cho 300 tỷ/năm, còn lại là đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp; còn lại là các nguồn thu hợp pháp khác.

Hôm nay 30/5, các đại biểu sẽ nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đường sắt (sửa đổi); sau đó, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội làm việc ở tổ về Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).