Sao không chống ngập từ những giải pháp đơn giản?

​(VOH) – “Triều cường, mưa lớn là ngập, thấy xấu hổ với người nhà ở quê lên chơi. Ở quê bây giờ làm nông thôn mới hết rồi, đường lớn, có bao giờ thấy cảnh cứ mưa là ngập, triều cường là ngập như ở đây đâu” – một cư dân phường Hiệp Bình Phước – Thủ Đức than thở.

Quen với ngập rồi! 

Là vùng trũng của thành phố, nhiều khu vực quận Thủ Đức thường xuyên ngập khi triều cường. Sau trận mưa chiều 15/9, tình trạng ngập nước trở nên nghiêm trọng hơn, có nơi nước cao ngang bụng và như bất cứ những lần ngập trước đây, người dân lại phải "chạy". 

Chị Hiền ngụ tại số nhà 140, đường 11 (P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức) cho biết: “Từ khi đường 11 được trải đá sạch sẽ, nước không ngập nhiều như trước nhưng do đường cao hơn nền nhà nên nhiều hộ dân chưa kịp nâng nền như nhà tôi vẫn bị ngập khi mưa lớn hoặc triều quá cao”.

Người dân đã quen với cảnh ngập nước

Chị Hiền kể, do mưa lớn bất thường, nước lên cao sát mép giường, cả nhà sốt vó cõng bà cụ 85 tuổi “chạy” nước ngập. Nệm được kê lên hàng loạt ghế nhựa để không bị ướt và cả gia đình nằm trên đó. Khổ nhất là nhà nuôi chó, nước ngập là phải đưa chúng lên bàn, ghế ngồi.

Cô Mạc Thị Lý – nhà trên cùng tuyến đường này cám cảnh: “Mưa ngập, 2 vợ chồng dọn đồ đạc lên cao mệt phờ, tính nghỉ bán bún bò một bữa nhưng xương lỡ hầm rồi nên sáng ra vẫn phải bán. Bàn ghế phải kê nhờ bên khu đất cao đối diện để cho khách ngồi”.

Ngập nước không mới mẻ với người dân thành phố. Có lẽ vì vậy mà nhiều gia đình dù mệt mỏi vì gặp cảnh “ngôi nhà trên biển nước” thì dần dà cũng quen và chấp nhận. Thấy dự báo triều cường, mưa ngập là phản ứng "chuyên nghiệp", chuẩn bị bao cát chắn cửa, dọn đồ đạc lên cao, phân công người tát nước và quen với "thú" ngồi trên giường câu cá…

Những người làm công sở cũng quen với cảm giác thấp thỏm vì mưa, triều khi “không biết nhà mình ngập đến mức nào”, “thế nào cũng ngập nước tới bụng” hay “chiều nay lại kẹt xe rồi bà con ơi"...

Giải pháp đơn giản

Nhiều con đường được làm mới, tôn cao sạch sẽ hơn nhưng như vậy nhiều nhà dân lại rơi vào tình trạng nền nhà thấp hơn nền đường; cống thoát nước lại thiết kế nhỏ và ít lỗ thoát khiến nước thoát rất chậm.

Chẳng hạn ở khu vực Xa Lộ Hà Nội – phía chân cầu Rạch Chiếc, nơi thường xuyên ngập nước khiến xe máy phải chạy tràn qua làn đường xe ô tô. Khu vực này cứ vài chục mét có một nắp cống nhưng mỗi nắp cống chỉ có một lỗ thoát nước nhỏ, đường kính chưa đầy 10cm. Trong khi tiết diện mặt đường lớn, cầu lại có độ dốc, cứ mưa lớn là nước từ trên cầu tràn xuống, nước từ khu vực giữa đường dồn lại, không thể nào thoát kịp.

Vài chục mét có 1 nắp cống như vậy thì dù cống có to nước mưa cũng khó thoát nhanh

Nói đến nắp cống, cũng phải nhắc đến chuyện thiếu ý thức, đổ rác ngay nắp cống, hay nhiều nhà xây bít phân nửa lỗ cống trước nhà để bớt mùi hôi. Đến khi mưa lớn, triều lên, rác theo nước dồn về không còn đường để chảy.

Với nhan nhản miệng cống bị "bít bùng" thì nước biết thoát đi đâu?

Chống ngập cần nhiều thời gian và kinh phí nhưng trước khi chờ những "cứu cánh" vĩ mô thì giải pháp đơn giản như thay nắp cống phù hợp và hạn chế đổ rác ra cống là chuyện "trong tầm tay" người dân và cơ quan chức năng.