Sẽ có nghị quyết riêng đối với 3 đặc khu kinh tế được chọn

(VOH) - Đây là một đạo luật rất quan trọng và có những nội dung phức tạp nên giành được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội.

Chiều qua,22/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về dự thảo Luật Các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Gần 70 ý kiến của các đại biểu đăng ký thảo luận nhưng chỉ có khoảng 40% trong số đó có đủ thời gian phát biểu tại hội trường, số còn lại góp ý bằng văn bản đến Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu và chỉnh lý.

Phú Quốc. Ảnh minh họa

Đây là một đạo luật rất quan trọng và có những nội dung phức tạp nên giành được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội. Ý kiến của đa số đại biểu đều nhất trí cao về chủ trương tán thành sự cần thiết của việc ban hành Luật này.

Sự ra đời của Luật này nhằm tạo ra những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, có sức cạnh tranh, tạo ra cơ sở pháp lý và một động lực mới cho phát triển kinh tế, không chỉ ở riêng 3 đặc khu này mà còn là của cả nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn TPHCM cảm nhận rằng việc thí điểm không tổ chức HĐND, UBND ở các đơn vị hành chính đặc biệt này là phù hợp với xu thế mới, mà thực tiễn TPHCM trong quá trình triển khai thí điểm bỏ HĐND ở các xã phường là một thí dụ. Theo Bà Tâm, quá trình thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở tất cả các quận, huyện, phường của TPHCM gần 10 năm qua có rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn thành công để tổ chức ở các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt này.

Từ thực tiễn đó cho phép có thể lựa chọn phương án 1. “Tôi mong muốn phương án này sẽ vượt trội hơn nữa, nhưng tất nhiên phải có sự ràng buộc chặt chẽ, thận trọng, không để lỗ hổng trong quy định của pháp luật có thể bị lợi dụng” bà Tâm phát biểu.

Trước ý kiến của đại biểu đề nghị đưa 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc ra khỏi dự Luật này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc phát triển 3 đơn vị này để phù hợp theo quy định của Hiến pháp, tinh thần của Nghị quyết 11 của Trung ương và kết luận 21 của Bộ Chính Trị. Luật này sẽ cụ thể và luật hóa về các chủ trương đó, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư đối với việc thành lập 3 đơn vị hành chính đặc biệt này. “Chúng ta sẽ có 3 Nghị quyết riêng để thành lập khi mà chúng ta ban hành Luật này.” Bộ trưởng Dũng nói.

Trước ý kiến đề nghị xem xét lại thời hạn cho thuê đất 99 năm đối với nhà đầu tư nước ngoài chiến lược có số vốn trên 44.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, hình thức này chỉ cho phép áp dụng đối với một số dự án thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển trong các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, và phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Phát biểu kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, với tính chất quan trọng của dự Luật nên vấn đề này cần phải được xem xét, lấy ý kiến rộng rãi hơn trước khi trình Quốc hội thông qua. Phó chủ tịch Uông Chu Lưu  cho biết Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo để các cơ quan phối hợp, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng của dự án luật này trình Quốc hội.

Ông Lưu lưu ý cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phải phối hợp với nhau để tiếp tục tổ chức những hội nghị, hội thảo, đánh giá sâu sắc, toàn diện hơn sự tác động của một số cơ chế, chính sách trong Luật này để báo cáo với Quốc hội. “Tới đây, tôi nghĩ rằng, cần phải có một hội nghị Đại biểu quốc hội chuyên trách để thảo luận kỹ về dự án Luật này trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5” Phó chủ tịch Uông Chu Lưu nói.