Sẽ có thông tư quản lý hoạt động du lịch mạo hiểm

(VOH) - Sau sự cố đáng tiếc xảy ra với du khách Ba Lan và một hướng dẫn viên Việt Nam tại thác Hang Cọp, Đà Lạt, Tổng cục Du lịch đang xây dựng Dự thảo Thông tư về quản lý du lịch mạo hiểm, sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch xem xét để ban hành trong quý II năm 2017.

Phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch.

Trải nghiệm chơi Zipline (Đu dây tử thần) - một trò chơi mạo hiểm, người chơi sẽ băng qua các ngọn cây và sông hồ trong một quãng đường dài. Ảnh: mytour

*VOH: Thưa ông, sau vụ tai nạn ở thác Hang Cọp, Đà Lạt, Tổng cục Du lịch đang dự thảo về một thông tư quản lý loại hình du lịch mạo hiểm để ban hành trong quý 2. Tôi nhớ rằng trước đó, Bộ cũng từng có văn bản tương tự như thế. Cụ thể như thế nào?

- Ông Nguyễn Quý Phương: Trước những tai nạn nghiêm trọng xảy ra trong năm 2016, Bộ VHTTDL không chỉ ra văn bản chỉ đạo các địa phương để siết chặt công tác quản lý điểm đến, nhất là đối với loại hình du lịch mào hiểm mà chúng tôi còn phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng, tổ chức một hội nghị tại đây cùng với sự tham gia của các địa phương có tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm.

Sau hội nghị đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành một văn bản quy chế tạm thời để quản lý du lịch mạo hiểm trên địa bàn tỉnh này.

*VOH: Bộ VHTTDL cũng như Tổng cục Du lịch theo dõi thì thấy việc quản lý hoạt động du lịch mạo hiểm ở Lâm Đồng nói riêng cũng như cả nước nói chung có gì thay đổi không sau sự cố này?

- Ông Nguyễn Quý Phương: Tôi được biết, Sở VHTTDL cũng đã thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, họp và làm việc với các doanh nghiệp lữ hành. Đặc biệt, trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, trước và sau Tết, Sở VHTTDL Lâm Đồng đều có các cuộc hội nghị quán triệt sâu sắc các nghị định này.

Rất đáng tiếc là vừa rồi lại xảy ra một tai nạn rất nghiêm trọng như vậy. Ngay lập tức, Bộ VHTTDL cũng đã có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh và Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng phải nghiêm túc xử lý. Nếu cần có thể đưa ra truy tố trước pháp luật với những hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng, có tính chất làm gương và răn đe để làm sao doanh nghiệp thấy được trách nhiệm của mình trong quản lý hoạt động lữ hành cũng như là tuân thủ các quy định pháp luật.

*VOH: Bên cạnh ý thức của du khách lẫn công ty tổ chức, cũng phải nói đến vai trò của cơ quản lý. Ở đây, ông thấy Lâm Đồng có làm tốt vai trò quản lý không?

- Ông Nguyễn Quý Phương: Đối với Lâm Đồng, có thể nói, mới đây Sở VHTTDL địa phương đã triệu tập tất cả doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn để quán triệt lại một lần nữa và tổ chức cam kết những nội dung liên quan. Như báo chí đã đưa tin, đa số doanh nghiệp có mặt đều cam kết và tới đây, 100% doanh nghiệp kinh doanh lữ hành ở Lâm Đồng đều có cam kết tuân thủ trước hết là với quy chế tạm thời của UBND tỉnh đối với loại hình du lịch mạo hiểm, cũng như các hoạt động lữ hành trên địa bàn.

Các đơn vị cũng cam kết tuân thủ pháp luật và đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách khi tham gia các hoạt động du lịch loại này.

*VOH: Từ địa phương điển hình như Lâm Đồng, tới đây, việc quản lý loại hình du lịch mạo hiểm trên cả nước sẽ như thế nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Quý Phương: Về tổng thể cả nước chúng tôi cũng đã khuyến cáo và làm việc với các địa phương, để làm sao những địa phương này rà soát lại toàn bộ địa bàn hoạt động du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch liên quan, ảnh hướng đến tính mạng của du khách, các tour du lịch mạo hiểm.

Trong số đó, rất nhiều địa phương có nhiều sản phẩm du lịch mạo hiểm như lên rừng, xuống biển, vượt thác, trèo núi… Các địa phương hiện nay đang rà soát.

Tới đây, Bộ VHTTDL cũng sẽ chủ trì để xây dựng một thông tư về quản lý các hoạt động du lịch mạo hiểm trên cơ sở các hoạt động thực tiễn mà các địa phương đã triển khai và quản lý.

*VOH: Cảm ơn ông!