Sốt xuất huyết vào mùa

(VOH) - Các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang là tâm điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết khi diễn biến dịch khá phức tạp với xu thế đang tiếp tục bùng phát. TPHCM cũng đang trong mùa mưa nên Ngành Y tế TPHCM khuyến cáo người dân không được chủ quan với dịch bệnh.

Từ đầu năm đến cuối tháng 7/ 2016, TPHCM có hơn 9.000 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 50% so với cùng kỳ, trong đó có 2 trường hợp tử vong. 4 tuần gần đây, số ca sốt xuất huyết tuy có giảm 13 % so với cùng kỳ nhưng xu thế mùa mưa hiện nay cộng đồng vẫn không được chủ quan với dịch bệnh này vì sốt xuất huyết thường tăng lên trong mùa mưa. Vấn đề cốt lõi hiện nay nằm ở chỗ người dân vẫn chưa có thói quen diệt muỗi, diệt lăng quăng một cách triệt để.

Chớ chủ quan

Theo chân các đoàn giám sát phòng chống dịch đi thực tế tại các quận, huyện đang có số ca mắc cao, chúng tôi nhận thấy với mô hình sốt xuất huyết đô thị hiện nay, ngoài các điểm nguy cơ sốt xuất huyết thường thấy tại các công trình xây dựng bỏ hoang, bãi đất trống, khu vực nhà trọ công nhân, những nơi môi trường chưa được dọn dẹp , dòng kênh ô nhiễm… Đáng lưu ý hơn, tại hộ gia đình, dù nhiều nhà rất khang trang, sạch sẽ nhưng vẫn có người mắc bệnh.

Trong 24 quận, huyện thì huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Tân Phú  đang là điểm nóng sốt xuất huyết . Quận Bình Tân đã có hơn 1.100 ca từ đầu năm đến nay. Trung bình hằng tuần, quận này có từ 10 đến 18 ca sốt xuất huyết.

Trong khi đó, tại các bệnh viện, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn được tiếp tục được ghi nhận, trung bình mỗi tuần TP có 200 ca sốt xuất huyết nhập viện. Chị Nguyễn Lan Anh -  ngụ quận 10, có con nhập viện điều trị sốt xuất huyết cũng hết sức bất ngờ vì không tưởng con mình bệnh: 

"Cháu bị sốt cao, thử máu phát hiện sốt xuất huyết. Cháu bị sốt xuất huyết nên rất mệt, lừ đừ, sốt cao mà không hạ được", chị Anh chia sẻ.

Trẻ bị sốt xuất huyết gia tăng và đang có nguy cơ thành dịch. Ảnh minh hoạ

Cùng quan điểm này, một cán bộ công tác tại tổ dân phố cũng hết sức than thở khi người dân còn rất lơ là trong phòng chống dịch: "Người dân cũng không chú trọng vấn đề phòng tránh, có nhắc nhở rồi người dân cũng lơ đi, đến khi bệnh thì mới biết".

Nhìn từ góc độ điều trị, theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa sốt xuất huyết - Bệnh viện Nhi đồng 1 người dân vẫn còn rất chủ quan: "Sốt xuất huyết là bệnh có thể gây tử vong, xảy ra ở mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người già. Nhóm tuổi sẽ có nguy cơ biến chứng nặng là trẻ em, dễ dẫn đến suy cơ quan. Trẻ biến chứng nặng thường gặp là sốc, trụy tim mạch, xuất huyết nặng. Một trong những lý do dẫn đến trường hợp nặng là người dân còn chủ quan, lơ là trong vấn đề theo dõi, phát hiện sớm triệu chứng của bệnh".

Thường xuyên diệt lăng quăng, ổ bọ gậy

Trong vấn đề phòng chống dịch sốt xuất huyết, kiểm soát điểm nguy cơ tại 8 quận, huyện trọng điểm là vô cùng quan trọng vì hầu hết các ổ dịch đều phát sinh từ điểm nguy cơ này. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP cho biết: "Kiểm soát điểm nguy cơ thì TP sẽ ban hành quy trình, biểu mẫu để biến quy trình này thành quy trình tối ưu trong phòng chống dịch bệnh đặc biệt là sốt xuất huyết và Zika. Không chỉ triển khai trong năm 2016 mà trong những năm tiếp theo".

Sốt xuất huyết được các chuyên gia y tế dự phòng đánh giá là vấn đề dịch bệnh của thế kỷ 21 khi chưa có vắc xin phòng bệnh và vì thế vấn đề phòng bệnh cần ưu tiên hàng đầu. Nếu chỉ diệt muỗi mà không tìm ra ổ bọ gậy nguồn thì cũng không thể dập tắt tận gốc dịch sốt xuất huyết. Và rõ ràng, để làm tốt công tác phòng chống dịch nói chung cũng như sốt xuất huyết nói riêng thì rất cần sự phối hợp từ chính quyền địa phương đến ngành y tế nhưng trách nhiệm chính vẫn là về phía  hộ gia đình.

Do vậy , thực hiện khuyến cáo của ngành y tế, hàng tuần mỗi gia đình hãy dành ra 10 phút kiểm tra, loại bỏ vật dụng chứa lăng quăng, hay ổ bộ gậy, để ngăn chặn muỗi sinh sôi phát triển. Công việc này muốn đạt hiệu quả chính yếu vẫn phải do người dân thực hiện tại hộ gia đình.