Sức sống bền vững của chủ nghĩa xã hội hiện thực

Nếu năm 1848, chủ nghĩa xã hội chỉ tồn tại trên lý luận với bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do Mác và Ănghen soạn thảo để đập lại câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản, thì sau cuộc Cách mạng Tháng 10 Nga năm 1917, chủ nghĩa xã hội đã trở thành hiện thực.
Kỷ niệm 91 năm Cách mạng Tháng 10 Nga (7-11-1917 – 7-11-2008)
Sức sống bền vững của chủ nghĩa xã hội hiện thực

Nếu năm 1848, chủ nghĩa xã hội chỉ tồn tại trên lý luận với bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do Mác và Ănghen soạn thảo để đập lại câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản, thì sau cuộc Cách mạng Tháng 10 Nga năm 1917, chủ nghĩa xã hội đã trở thành hiện thực.


V.I. Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva trước các đơn vị của khóa huấn luyện quân sự toàn dân, ngày 25 tháng 5 năm 1919.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng 10 Nga, với sự lãnh đạo của Đảng Mácxít đứng đầu là Lênin, đã lật đổ nhà nước của giai cấp tư sản, thành lập nhà nước cách mạng, thực hiện quyền làm chủ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động các dân tộc trong cả nước. Từ 1918 đến 1922, trải qua 4 năm nội chiến, các lực lượng phản cách mạng nổi dậy khắp nơi được 14 nước tư bản từ bên ngoài xông vào tiếp sức đã bị đánh bại. Đến cuối năm 1922, nước Nga với một số nước sáp nhập thêm, hình thành Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết, gọi tắt là Liên Xô, chiếm diện tích 1/6 quả địa cầu với số dân trên 210 triệu người (năm 1951).

Từ tháng 6-1941 đến tháng 8-1945, quân dân Liên Xô đã đóng vai trò chủ yếu trong cuộc đập tan lực lượng xâm lược rất hùng hậu và vô cùng tàn bạo của Đức và Nhật, được trang bị vũ khí và phương tiện kỹ thuật hiện đại, cứu loài người khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít.

Về xây dựng đất nước trong hòa bình, chỉ với 34 năm (từ 1922 - 1940 và từ 1945 - 1960), nhân dân Liên Xô đã đạt được những thành tựu rất to lớn. Đó là đã xóa bỏ tận gốc ách bóc lột người lao động; thực hiện được quyền bình đẳng nam nữ; xây dựng được ý thức về giữ gìn nhân cách, về tình người trong đời sống xã hội; trình độ dân trí được nâng cao, nhiều nhân tài được đào tạo; đã có nhiều phát minh sáng tạo lớn trong khoa học công nghệ, trong văn học nghệ thuật; đã xây dựng lực lượng quốc phòng hùng mạnh; đã dẫn đầu trong cuộc chinh phục vũ trụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn đó, trong quá trình lãnh đạo, Đảng Cộng sản Liên Xô đã phạm một số sai lầm không nhỏ, nổi lên là: Trong lãnh đạo kinh tế đã kéo dài cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung đến mức trở thành kiểu quản lý quan liêu bao cấp, cả bao cấp quốc tế trong việc giúp đỡ các nước anh em.

Về đời sống tinh thần trong xã hội đã không thực hiện tốt quyền công dân theo quy định của luật pháp, không đáp ứng được khát vọng về quyền tự do cá nhân chính đáng, không nắm vững mục đích của chủ nghĩa xã hội là “thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, xuất hiện một liên hợp trong đó sự phát triển tự do của mọi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”, không thực hiện đúng theo tư tưởng của Lênin về “dân chủ gấp triệu lần” so với xã hội tư bản.

Về xây dựng Đảng đã không thực hiện được quyền làm chủ trong Đảng của đảng viên, chi bộ Đảng không giám sát được đảng viên là cán bộ cao cấp, để cho tệ sùng bái cá nhân lãnh tụ phát triển. Thiếu sự đấu tranh quyết liệt, thẳng thắn trong nội bộ để giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, lãnh đạo tập thể, thực hiện tự phê bình và phê bình.

Những sai lầm cơ bản đó đã làm cho Đảng bị suy yếu dần, dân giảm sút niềm tin vào Đảng và làm cho Liên Xô lâm vào cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng về mọi mặt, bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ 20 và chấm dứt vào ngày 21-12-1991, sau 74 năm tồn tại (1917 - 1991).

Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và một số nước sụp đổ do nguyên nhân từ những sai lầm chủ quan có thể hiểu được. Đó là sự sụp đổ không mang tính tất yếu. Nhưng đó là một sự tổn thất vô cùng lớn cho chủ nghĩa xã hội thế giới.

Tuy nhiên, diễn biến tình hình thế giới sau sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và một số nước, cho thấy rằng xu thế xã hội chủ nghĩa trên thế giới vẫn phát triển. Nhân dân lao động ở các nước đã để mất chủ nghĩa xã hội dần dần tỉnh ngộ. Một số nước ở châu Mỹ Latinh đang hướng theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Trong các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, nước nào có Đảng Cộng sản được xây dựng chặt chẽ, kiên định lập trường xã hội chủ nghĩa, nắm vững và vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, biết kịp thời nhìn nhận đúng những đặc điểm của thế giới mới, rút được kinh nghiệm về xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa hơn 1/2 thế kỷ qua, để đổi mới, cải cách, thì chế độ mới theo con đường xã hội chủ nghĩa vẫn được tăng cường, vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, vẫn đảm bảo cho đời sống về vật chất văn hóa của nhân dân lao động không ngừng được cải thiện, ví như ở Trung Quốc và ở Việt Nam ta.

Chẳng những thế, không ít nhà chiến lược tư sản đang đau đầu khi tính đến những nhân tố mới, tiền đề của chủ nghĩa xã hội đang phát triển trong lòng chế độ xã hội tư bản do sự thúc đẩy của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ đang diễn ra cùng với những mâu thuẫn đối kháng trong chế độ tư bản chủ nghĩa không cách gì khắc phục được.

Họ cũng đang rất lo, khi đi sâu vào thế kỷ 21, phải đương đầu với lực lượng trong các nước xã hội chủ nghĩa bao gồm gần 1,5 tỷ người, khi các nước đó rút được kinh nghiệm, biết vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học của Mác Ănghen Lênin trong bối cảnh quốc tế mới. Gần đây ở một số nước tư bản, có nhiều người đã tìm đọc bộ sách “Tư bản”. Đó là bộ sách lớn trình bày lý luận về kinh tế chính trị học của Mác, nhằm xây dựng cơ sở lý luận cho chủ nghĩa cộng sản. Sách đã không in kịp để bán.

Sự kiện này có thể có quan hệ đến thực trạng rối ren, bế tắc trong phát triển của xã hội tư bản, khiến người ta phải đi tìm lối ra, khi họ cảm nhận được sức sống bền vững của chủ nghĩa xã hội hiện thực. Sự kiện mới này rất đáng được suy nghĩ phân tích. 

Trần Trọng Tân