Tái định cư cho người dân còn nhiều bất cập

(VOH) - Xây nhà tái định cư cho người dân thuộc diện bị đền bù giải tỏa khi thực hiện dự án công là một chính sách an sinh cần thiết và nhân văn trước nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thế nhưng, hiện nay tại TPHCM có không ít những căn hộ tái định cư vẫn còn bỏ trống. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa cũng như bất cập trong quản lý khiến người dân chưa thể an cư.

Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM (Ảnh: dothi)

Mất nghề vì… tái định cư

Với 500 nền đất và gần 2.000 căn hộ, khu tái định cư Vĩnh Lộc B – huyện Bình Chánh là một trong những khu tái định cư quy mô nhất của thành phố. Thế nhưng nơi đây cũng không tránh khỏi cảnh đìu hiu, vắng vẻ.

Bà Trần Thị Thu – một cư dân từng sống tại quận 8, bị giải tỏa và đã chuyển về đây sống 3 năm cho biết, nhiều người dân về đây chẳng biết sinh sống bằng nghề gì nên cuộc sống rất bấp bênh.

“Ngày xưa khi còn ở nhà cũ thì một mình tôi buôn bán cũng có thể nuôi được cả gia đình, nhưng bây giờ về đây sinh sống, buôn bán cũng không đủ để nuôi mình tôi. Ở đây không có người, buồn lắm!”, bà Thu chia sẻ.

Còn anh Vũ Hồng Quang vốn có nghề truyền thống là làm đồ đồng, nhưng từ khi giao đất nơi ở cũ chuyển về sống tại đây, gia đình anh đã không thể tiếp tục làm nghề gia truyền.

Quy định của Ban quản lý khu tái định cư không cho phép kinh doanh hay hoạt động gì gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến xung quanh, thế nên nghề làm đồ đồng của anh cũng không được phép.

Vợ chồng anh Quang trong khi chưa tìm được việc mới thì chỉ biết ở nhà thay nhau trông con. Anh Quang than thở: “Làm sao để dân về có điều kiện kinh doanh, buôn bán. Ở tầng trệt thì phải vậy chứ bây giờ cứ về ở không”.

Ông Phan Phước Trung đến khu tái định cư Vĩnh Lộc B từ năm 2011. Ông mua lại một căn hộ ở lô C4 từ một trường hợp được bố trí tái định cư bán lại. Ngày trước gia đình ông sống tại khu vực chợ Thảo Điền thuộc phường Thảo Điền, quận 2.

Sau khi nơi này được giải tỏa để thực hiện dự án tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên, do không đủ điều kiện tái định cư tại địa phương nên ông quyết định xuống đây sinh sống. Tuy vậy các con của ông vẫn tiếp tục ở lại nơi cũ thuê trọ để đi làm vì khu tái định cư quá xa.

Ông cho biết: “Ở đây cũng khó khăn thật, xa quá nên cũng có làm ăn gì được đâu. Dân sống ở đây chỉ ở vậy thôi chứ còn làm gì thì họ vào thành phố”.

Ngao ngán vì… nợ

Khác với gia đình ông Trung, từ khi chuyển đến nơi ở mới, số tiền chi trả cho việc xây nhà, trả góp mua nhà, trả lãi ngân hàng... của gia đình bà Nguyễn Thị Nhàn cứ chồng chất lên nhau.

Gia đình bà cũng như nhiều hộ dân ở đây không thể tiếp cận các khoản vay trợ cấp dù họ thừa chuẩn nghèo. Bởi để đến được khoản vay trợ cấp, họ phải có trong tay quyền sử dụng đất, nhưng đang thiếu nợ thì không thể có quyền sử dụng đất.

“Về đây ở thoải mái, chúng tôi thấy đạt yêu cầu, nhưng giờ chúng tôi nghèo quá thì làm sao đủ tiền góp trả nợ cho nhà nước!”, bà Nhàn kể.

Khó khăn về kinh tế, việc làm, về các khoản vay nợ chưa hết, người dân khu tái định cư Vĩnh Lộc B còn ngao ngán về điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống chiếu sáng, cấp nước, hệ thống giao thông của khu vực này.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm – một hộ dân sinh sống tại đây cho hay: “Đoạn đường từ tỉnh lộ 10 vào khu dân cư đã nhiều năm rồi chưa được làm và đèn đường cũng không có. Đoạn đường đó tôi nghĩ cần khắc phục lại vì nó cũng khá nguy hiểm”.

Những gì đang diễn ra tại đây cũng là thực trạng tại nhiều khu tái định cư trên địa bàn TPHCM khi chưa thu hút người dân thuộc diện tái định cư đến sinh sống.

Phải giúp người dân có cuộc sống tốt hơn

Hiện thành phố đang rà soát, kiểm tra và tìm hướng xử lý để các khu tái định cư phát huy hiệu quả công năng hoạt động. Mới đây, trong chuyến đi thực địa kiểm tra dự án tái định cư khu dân cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Ban quản lý tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống tốt hơn, có việc làm để ổn định cuộc sống. 

Theo ông Phong việc bố trí người dân thuộc diện di dời giải tỏa vào nơi ở mới phải giúp cho người dân có cuộc sống tốt hơn. Không chỉ với riêng khu tái định cư này mà còn ở tất cả những khu tái định cư khác. Phải chú ý đến chất lượng và thường xuyên kiểm tra để bảo đảm chất lượng các căn hộ, chứ đừng để xây dựng một thời gian rồi xuống cấp. Từ vấn đề công ăn việc làm và những vấn đề khác của người dân, nếu chúng ta giúp được cho dân thì chúng ta cố gắng hỗ trợ.

Về vấn đề an cư cho người dân ở khu tái định cư, ông Huỳnh Công Hùng – Thường trực HĐND TP cũng cho rằng: “Trước khi triển khai quyết định thu hồi đất của một dự án bất kỳ thì chúng ta cũng phải có dự án để xem xét phục hồi đời sống người dân sau tái định cư. Đi liền với việc điều tra khảo sát về nhà cửa, về thu nhập và các điều kiện sống của họ, chúng ta cũng phải tính toán rằng, nếu đi vào một nơi khác thì cuộc sống của họ như thế nào. Qua đó chúng ta mới nhanh chóng ổn định trong thời gian ngắn, phục hồi cuộc sống của họ tương ứng với nghề nghiệp, học hành, đi lại và sinh hoạt. Và như vậy thì mới đúng với tinh thần nghị quyết của Thành ủy mà lâu nay người dân hay nghe, đó là khi chuyển đến nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Tái định cư là việc làm cần thiết để ổn định cuộc sống của người dân sau di dời, giải tỏa, thu hồi đất. Nhưng tái định cư phải đảm bảo ổn định và nâng cao chất lượng sống của người dân hoặc ít nhất cũng bằng với nơi ở cũ.

Để đạt được điều này, trong công tác quy hoạch xây dựng các khu tái định cư, rất cần các cơ quan chức năng có sự đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ về cơ sở vật chất, bố trí phù hợp về nhà ở, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, đi lại và điều kiện sống cho người dân trong khu tái định cư, đồng thời có chính sách hỗ trợ để tháo gỡ những khó khăn cho người dân về nguồn vốn vay cho nhu cầu nhà ở chính đáng của mình.