Tai nạn giao thông: 90% là do ý thức của người tham gia giao thông

(VOH) - Nguyên nhân gây tai nạn giao thông - 90% là ý thức của người tham gia giao thông, 10% là do phương tiện không đảm bảo kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông còn bất cập…

Thông tin được nêu trong Chương trình “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” do HĐND TPHCM phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) tổ chức sáng nay 30/9 với chủ đề: “Xây dựng văn hóa giao thông”.

Theo thống kê, 9 tháng năm nay, tình hình giao thông tại TPHCM khá ổn định. Tuy vậy, cũng đã xảy ra hơn 3.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 500 người, bị thương gần 2.500 người, giảm cả ba mặt so với cùng kỳ năm ngoái cả số vụ, số người chết, số người bị thương. Đặc biệt, số người chết giảm trên 75 người, tỉ lệ trên 12%.

Ông Nguyễn Ngọc Tường – Phó Trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM nhìn nhận: “Nguyên nhân gây tai nạn đó là ý thức chấp hành Luật giao thông, ý thức khi tham gia giao thông chưa cao như đi không đúng phần đường, không chú ý quan sát, tự gây tai nạn, sử dụng rượu bia, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, đường ngược chiều…”

Đường không ùn tắc chỉ ùn ứ

Dù không có vụ ùn tắc nào nghiêm trọng nhưng tình hình ùn ứ giao thông vẫn phức tạp, thường xuyên vào giờ cao điểm trên một số tuyến đường, chủ yếu là các tuyến đường cửa ngõ, xuyên tâm, đường ra vào cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất. Trong 37 điểm nóng, đã có 24 điểm chuyển biến tốt…

TPHCM ùn ứ giao thông voh.com.vn

Nhiều tuyến đường thành phố thường xuyên ùn ứ giờ cao điểm (Hình: LH)

Hiện trên địa bàn TP, số lượng xe đăng ký mới tiếp tục gia tăng. Bình quân một tháng có 30.000 phương tiện đăng ký mới. Trong đó, lượng xe ô tô chiếm khoảng 15%, tăng đột biến. Ngoài ra, do quy định khung giờ hạn chế xe tải vào thành phố, sau khung giờ này, sẽ đổ dồn về các tuyến đường.

Thêm vào đó, lượng xe ô tô con hoạt động Grab và Uber khá nhiều gây ra tình trạng ùn tắc ở một số tuyến đường.

Thượng tá Nguyễn Hoàng Diệp, Phó Trưởng Phòng CSGT đường bộ-đường sắt (PC67), Công an TPHCM đánh giá: “Người dân khi tham gia giao thông, chưa biết chọn hướng đi phù hợp, vẫn đi theo thói quen, nhiều người dân có biểu hiện thiếu văn hóa giao thông khi không nhường đường, vi phạm về đèn tín hiệu, tình trạng dừng đậu lung tung của các phương tiện….

Quận 2 là một trong những địa bàn có tình hình giao thông phức tạp do tập trung các phương tiện và là đầu mối giao thông quan trọng của thành phố.

Các tuyến cao tốc Long Thành – Dầu Giây, Xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Vành đai 2 của thành phố, đặc biệt có cảng Cát Lái – một trong 25 cảng container lớn nhất thế giới, chiếm 50% container của cả nước và 85% của khu vực và TPHCM.

Trong 9 tháng qua, riêng quận 2 đã xảy ra hơn 240 vụ tai nạn giao thông, làm chết 28 người, bị thương 129 người, gây hư hỏng 451 phương tiện các loại.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND Quận 2 cho biết: Quận 2 tập trung chỉ đạo các lực lượng, từ công an, bố trí cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, 11 phường, phối hợp với các đội Cảnh sát giao thông Cát Lái (PC 67) nắm bắt tình hình, tham gia tích cực, kịp thời giải quyết thường xuyên các điểm có khả năng xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, bố trí các lực lượng kịp thời điều hòa, phân luồng, giải tỏa nhanh các lực lượng gây cản trở”.

Quận cũng đã tập trung xử lý các bãi dồn hàng, sang tải xung quanh cảng Cát Lái, đặt dải phân cách bằng bê tông để ngăn chặn xe ra vào các bãi, bố trí lực lượng cảnh sát giao thông để xử lý liên tục các trường hợp cố tình vi phạm.

Hiện các bãi trước cảng thì đã xử lý dứt điểm. Còn lại các bãi trên các tuyến đường, từ đây đến cuối năm sẽ chấn chỉnh luôn. Ngoài ra, quận cũng phân luồng, phân tuyến, điều chỉnh, lắp đặt thêm biển báo, hướng dẫn ở khu vực trọng điểm, đặc biệt là khu vực cầu Phú Mỹ và các nút giao, phối hợp với Tân Cảng Sài Gòn hướng dẫn, kiểm tra sức khỏe của lái xe container để đảm bảo an toàn giao thông.

Cơ sở hạ tầng chỉ mới đáp ứng 30%

Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hệ thống giao thông TP trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhưng hiện nay mới đáp ứng 30% so với quy hoạch, chưa có loại hình vận tải lớn như Metro, xe chủ yếu lưu thông trên đường bộ.

TPHCM có hơn 4.000 km chiều dài tuyến đường, trong đó, khoảng 40% tuyến đường có bề rộng trên 7m. Bên cạnh đó, trên 50% các tuyến đường không có vỉa hè, nhiều vị trí giao cắt đồng mức cũng ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông.

đậu xe gây ùn tắc giao thông voh.com.vn

Kiểu dừng đỗ xe "vô tư" của nhiều tài xế cũng tạo nên áp lực giao thông cho người đi đường (Ảnh: LH)

Tốc độ phát triển các phương tiện dẫn đến nhiều tuyến đường hiện nay đã quá tải. Năm nay, nhiều công trình trọng điểm của thành phố cũng đang triển khai, xây dựng.

Các công trình giao thông theo quy hoạch đã ảnh hưởng ít nhiều đến tình hình đi lại của người dân như: ngã sáu Gò Vấp, vòng xoay Nguyễn Thái Sơn, nút giao Mỹ Thủy, nút An Sương.

Tuy nhiên đến cuối năm, TP sẽ hoàn thành cầu Nhị Thiên Đường, nút giao ngã sáu Gò Vấp, vòng xoay Nguyễn Thái Sơn – Phạm Văn Đồng và một phần nút giao Mỹ Thủy và hầm chui An Sương để “gỡ rối” phần nào cho tình hình đi lại của người dân.