Tăng chế tài với hành vi gian lận thuế

(VOH) - Hôm qua (12/06), Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế. Các đại biểu tập trung thảo luật nhiều vào vấn đề chuyển giá. Nạn chuyển giá hiện nay, diễn ra nhiều ở các công ty nước ngoài, tuy Chính phủ đã phát hiện nhưng vẫn chậm xử lý, dẫn đến thất thu ngân sách không nhỏ. Nhiều đại biểu lưu ý rằng, việc chuyển giá của các công ty đều có đường đi, công thức, từ công ty mẹ sang công ty con, vậy chống đoạn nào, chống như thế nào và xử lý ra sao phải thuyết minh cho rõ chứ không chung chung như dự thảo được.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn An Giang kiến nghị:

Các đại biểu cho rằng, luật chưa quy định rõ các vấn đề về thời gian, mức phạt dành cho các tổ chức cá nhân chậm nộp thuế để đạt mục tiêu tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế. Dự luật phải có các quy định tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt chú trọng hậu kiểm; có chế tài, mức xử phạt đủ mạnh nhằm hạn chế, ngăn chặn hành vi vi phạm như khai man, gian lận thuế, chuyển giá giữa các doanh nghiệp. Theo một số đại biểu, đối với đối tượng kê khai sai, trốn và gian lận thuế cần tăng xử phạt để tăng tính răn đe. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, đoàn Kiên Giang kiến nghị:

Tại điều 92 dự thảo quy định việc nộp dần tiền nợ thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế và có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Nhưng đến điều 106, lại nêu người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Mức phạt 0,07% một ngày, tức là 25% năm là quá cao. Đại biểu Đỗ Hữu Lâm, Long An nói:

Dự thảo luật quy định đối với các khoản tiền thuế, tiền phạt còn nợ không có khả năng thu hồi phát sinh trước khi Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành, Chính phủ tổ chức thực hiện kiểm tra xóa nợ. Nhiều ý kiến đề nghị luật cần quy định rõ đối tượng nào được xóa nợ. Tại sao luật lại quy định chỉ xóa nợ cho doanh nghiệp, còn các loại hình doanh nghiệp khác thì như thế nào cần quy định rõ.

Cũng trong ngày hôm qua, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân 2012. Chính phủ kiến nghị, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra nhiều đại biểu cũng kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 20%. Một số ý kiến lo ngại giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Ông Trần Du Lịch, đại biểu đoàn TPHCM khẳng định, đây không phải là vấn đề đáng lo. Ông Trần Du Lịch giải thích:

Bên cạnh đó các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng vì dù lãi suất đã giảm nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận được với nguồn vốn vay.

Từ ngày hôm nay 13/6 đến ngày 15/6, Bộ trưởng các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Công an trả lời chất vấn. Ngày 15/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề về điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2012 và trực tiếp trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Các phiên chất vấn được Truyền hình, phát thanh trực tiếp. Đài TNND TPHCM sẽ liên tục phản ánh nội dung chất vấn và trả lời chất vấn trong các chương trình Thời sự hàng ngày, mời quý vị đón theo dõi.