Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2017

(VOH) – Từ 1/1/2017, Nghị định số 153 năm 2016 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động sẽ có hiệu lực thi hành.

Nghe bài viết

Theo quy định mới của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng lên từ 2,58 triệu đồng đến 3,75 triệu đồng/tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Cụ thể , mức lương tối thiểu vùng áp dụng như sau: Vùng I: 3.750.000 đồng/tháng; vùng II: 3.320.000 đồng/tháng; vùng III: 2.900.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.580.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay từ 180.000-250.000 đồng/tháng.

Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất. Ảnh: TTO

Mức lương tối thiểu vùng quy định nêu trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm: không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.

Nghị định nêu rõ, đối tượng áp dụng gồm: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động; doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

Tại TPHCM, ngoại trừ huyện Cần Giờ sẽ được điều chỉnh tăng lương tối thiểu theo vùng 2, tất cả các quận, huyện khác đều áp dụng theo mức lương tối thiểu vùng 1. Thời điểm này, theo đánh giá của ngành chức năng, hầu hết các doanh nghiệp đều chủ động phương án điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng gắn với việc công bố mức lương, thưởng tết nguyên đán cho người lao động. Một số doanh nghiệp trong KCX-KCN, nơi sử dụng số lượng lao động gần 300.000 người lao động, cho biết họ chủ động tăng lương, đảm bảo bằng hoặc hơn so với mức quy định.

Việc nhiều doanh nghiệp hiện đã trả lương tối thiểu cho người lao động cao hơn so với mức Chính phủ quy định, phù hợp tinh thần nội dung trong nghị định: khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nhằm nâng cao mức sống của người lao động.