Tạo hành lang pháp lý "xã hội hóa" hoạt động khí tượng thủy văn

(VOH) - Với 10 chương, 57 điều, Luật khí tượng thủy văn được Quốc hội biểu quyết thông qua vào chiều nay 23/11 có nhiều quy định cụ thể về quan trắc khí tượng thủy văn; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu,...

Kết quả biểu quyết thông qua Luật khí tượng thủy văn.

Luật cũng đưa ra hành lang pháp lý thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động khí tượng thủy văn, thu lại một phần chi phí cho hoạt động khí tượng thủy văn của Nhà nước để tái đầu tư, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, đồng thời khuyến khích tổ chức, cá nhân tạo ra giá trị gia tăng, mang lại lợi ích kinh tế ngày càng cao từ nguồn thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.

Đặc biệt, Luật quy định việc Nhà nước thống nhất quản lý các hoạt động khí tượng thủy văn, quy định hành lang pháp lý, chính sách phát triển hạ tầng khí tượng thủy văn, đào tạo phát triển nguồn nhân lực khí tượng thủy văn, trao đổi thông tin, dữ liệu quốc tế; Các hoạt động khí tượng thủy văn mang tính chất phục vụ lợi ích chung, phòng, chống thiên tai, quốc phòng, an ninh quốc gia, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân và toàn xã hội. Nhà nước có vai trò chủ chốt trong thiết lập hệ thống quan trắc, thu thập số liệu và cung cấp các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Các sản phẩm của hoạt động khí tượng thủy văn được phân thành 2 loại: loại phục vụ công cộng, lợi ích quốc gia được cung cấp miễn phí, phổ biến rộng rãi; loại phục vụ chuyên dùng được coi như một loại hàng hoá và đối tượng sử dụng phải thực hiện nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí phù hợp,…

Luật khí tượng thủy văn sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.