Tẩy chay thực phẩm bẩn, nhà sản xuất hết đường làm ăn

(VOH)- Mới đây, lãnh đạo TPHCM cùng các Bộ, ngành và doanh nghiệp thực phẩm sạch đã ký cam kết “Nói không với thực phẩm bẩn”. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với người dân TPHCM khi mối lo thường trực mỗi ngày dần dần được tháo bỏ. Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) phỏng vấn ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVS TP.HCM về vấn đề này.

 

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVS TPHCM (ảnh: Lệ Loan)

VOH: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM có cách nào để chặn thực phẩm bẩn vào thị trường TPHCM? 

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa: Thực phẩm bẩn từ nhập khẩu, qua biên giới, thậm chí từ các tỉnh vẫn đổ vào thành phố. Thực phẩm bẩn gồm loại có hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí từ thịt thối, ngâm vào hóa chất thành thịt tươi. 

Chúng tôi “canh cửa” những cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn để cải thiện điều kiện sản xuất cũng như sử dụng hóa chất phụ gia. Các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát rất chặt các nguồn thực phẩm bẩn bên ngoài vào các chợ, thậm chí thông qua các cửa ngõ thành phố. 

VOH: Đa số người dân không thể biết được đâu là thực phẩm thực sự an toàn nhất là rau, củ, quả, thịt, cá… Ông tư vấn người tiêu dùng cách chọn thực phẩm an toàn?

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa: Ở đây, chúng ta cần sự hợp tác giữa các nhà sản xuất tại TPHCM, tức là không nhận nguyên liệu bẩn để chế biến thực phẩm. Thứ hai, người tiêu dùng cố gắng vận dụng kiến thức thông qua cảm quan để chọn nông sản, thực phẩm gọi là tươi và an toàn. Nên chọn sản phẩm có nhãn mác bao bì đầy đủ và xem hạn sử dụng, thậm chí xem thành phần cơ bản để biết giá trị sản phẩm tương xứng với đồng tiền bỏ ra không.

Hành vi chọn thực phẩm an toàn của người tiêu dùng cũng giúp cho cơ quan Nhà nước quản lý tốt hơn, loại bỏ những anh làm ăn "lôm côm". Nếu người tiêu dùng tẩy chay thì “ông kia” không thể tiếp tục sản xuất. 

VOH: Đối với cơ sở sản xuất tại TPHCM, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm TP sẽ kiểm tra, kiểm soát nguồn hàng và thực phẩm như thế nào?

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa: Nguồn thực phẩm sản xuất tại TPHCM, chúng tôi quyết liệt có hệ thống ở ba cấp TP, quận huyện, phường xã.

Vấn đề ở đây là thực phẩm nhập theo chính ngạch, nhập khẩu thông qua các đường biên giới và nguồn thực phẩm bẩn ở các nơi khác đưa vào thành phố. Ví dụ, nguồn thịt từ miền Bắc chạy “long nhong” vô TPHCM bị bắt, thì giải pháp của cơ quan Nhà nước, bao giờ cũng “truyền thông”, thanh tra, xử lý nghiêm để tạo tính răn đe và công khai thông tin những cơ sở này để người ta biết tẩy chay. 

VOH: Có ý kiến cho rằng, thực phẩm ở các chợ truyền thống, nhỏ lẻ tràn lan trong khi lực lượng chúng ta quá mỏng. Ông nói rõ về quy trình kiểm soát thực phẩm để người dân yên tâm?

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa: Những sản phẩm mang tính thời sự, thông thường là điều kiện sản xuất không đảm bảo. Ví dụ, một cơ sở sản xuất mặt hàng A, đến ngay đợt cao điểm mà tăng vọt sản lượng thì đương nhiên có bê bối trong sản xuất.

Qua thanh kiểm tra sản xuất, chúng ta sẽ chấn chỉnh và thông qua giám sát lấy mẫu trên thị trường để xác định nhóm nào nguy cơ cao.

Ví dụ, một nhóm sản phẩm nào đó mà lấy mẫu mà tỷ lệ không đạt 30-40% thì tôi biết nhóm này nguy cơ cao. Vì vậy, sẽ tập trung thanh kiểm tra nhóm đó.

Ở đây tôi lưu ý là hệ thống thanh kiểm tra ở ba cấp hoạt động quanh năm. Nhưng có những đợt cao điểm như tết nguyên đán, tết Trung thu… đối với mặt hàng phục vụ cao điểm thì chúng tôi tăng cường, hoặc tháng cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi thanh tra mạnh, thường xuyên để tạo sức răn đe. 

VOH: Cảm ơn ông!