Thăm di tích trong ngày tết độc lập

VOH) - Hôm nay là ngày cuối cùng của dịp nghỉ lễ 2/9 kéo dài đến 4 ngày, cũng là đợt nghỉ cuối cùng kết thúc mùa cao điểm du lịch 2014. Bên cạnh dòng người đi về các tỉnh để vui chơi, thư giãn, TPHCM trong những ngày qua cũng đón tiếp một lượng lớn du khách từ các nơi đổ về. Những khu vui chơi giải trí như Công viên Văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch Suối Tiên, Thảo Cầm Viên đều đông nghẹt du khách. Tuy nhiên, bên cạnh nhưng địa điểm vui chơi giải trí phức hợp ấy, những địa danh văn hóa lịch sử nổi tiếng như Bảo tàng Hồ Chí Minh – Bến Nhà Rồng, Dinh Độc Lập cũng trở thành điểm đến thu hút khá đông du khách gần xa đến thăm trong ngày tết độc lập của dân tộc.
Toàn văn bản chụp Di chúc gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được triển lãm tại bảo tàng Hồ Chí Minh (ảnh: Dantri)

Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TPHCM (hay còn gọi là Bến Nhà Rồng), ngay từ sáng sớm nay, trong dòng người đến viếng, bên cạnh đoàn cán bộ của các sở ngành, quận huyện đến dâng hương, dâng hoa có khá nhiều bạn trẻ đến với di tích lịch sử nổi tiếng này. Chính nơi đây, vào ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam. Từ đó, Bến Nhà Rồng mang trong mình một giá trị tinh thần thiêng liêng và cao quý mà dân tộc ta mãi mãi trân trọng và gìn giữ. Với những hình ảnh, tư liệu, hiện vật vô cùng quý giá, khi đến với di tích này, tất cả mọi người đều bồi hồi nhớ lại một thời khắc lịch sử trọng đại, có tính quyết định đến vận mệnh, đến số phận, đến lịch sử của dân tộc VN. Bạn Nguyễn Thanh Vy, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết, đến với Bảo tàng Hồ Chí Minh trong dịp này là chọn lựa đầy ý nghĩa, giúp bạn tìm hiểu một cách đầy đủ nhất về Bác, cũng để chuẩn bị cho bài luận về Đường lối cách mạng của Đảng sắp tới: “Tất cả di tích lịch sử về Bác như bản đồ về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác, những nơi mà Bác từng tới, từng sống đều được dựng lại thành mô hình để chúng em có thể thấy được hoàn cảnh sống và làm việc của Bác. Em thấy Bến Nhà Rồng là một trong những bảo tàng nói về Bác cụ thể, rõ ràng và đầy đủ nhất, cũng có nhiều hình ảnh giúp em hiểu hơn về lịch sử, về cuộc đời của Bác trong hành trình tìm đường cứu nước“.

Có mặt ở Bến Nhà Rồng dịp này, bạn Hồ Vĩnh Cường, sinh viên Trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn xúc động: “Hôm nay tới đây, chúng em là thế hệ sau, nhờ có di tích này mà em biết được nhiều hơn cuộc đời và những cống hiến cũng như quá trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác. Đến với Bến Nhà Rồng, em cũng biết nhiều hơn về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã đọc Bản tuyên ngôn độc lập vào 2/9 để khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa“.


Đã từng nghe rất nhiều bài hát, từng đọc rất nhiều vần thơ nhắc đến Bảo tàng Hồ Chí Minh - Bến Nhà Rồng nhưng dịp 2/9 năm nay là lần đầu tiên ông Nguyễn Văn Lan, một du khách ở Phú Thọ mới được đặt chân đến. Cảm giác vinh dự xen lẫn niềm vui khôn tả đã khiến ông dừng lại rất lâu trước mỗi kỷ vật đơn sơ, giản dị được trưng bày trang trọng trong không gian của bảo tàng. Bởi đơn giản, mỗi hiện vật nơi đây đều lưu lại một số phận lịch sử gắn liền với cuộc đời hoạt động của Bác. “Lần đầu tiên tôi vào đây, nhìn thấy cảng Nhà Rồng tôi rất phấn khởi và biết được Bác đã ra đi từ địa danh này nên tôi thấy rất quý mến. Tôi đã 55 tuổi, đây là lần đầu tiên tôi đặt chân vào TPHCM. Ao ước mãi mới được đặt chân đến để tận mắt xem thực tế bến Nhà Rồng. Tôi cảm thấy rất là vinh dự“ .


Để giúp công chúng và du khách hiểu rõ hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, dịp này, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh TPHCM đã khai mạc triển lãm ảnh với chủ đề "45 năm Di chúc Hồ Chí Minh, Ánh sáng của trí tuệ và niềm tin". Với 150 tư liệu, hình ảnh, câu trích có giá trị sẽ giúp công chúng nghiên cứu, tìm hiểu về toàn văn bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như một số vấn đề có liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Người. Ông Lê Văn Cộng, Phó GĐ Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh TPHCM khẳng định: “Công chúng đến đây không chỉ để tham quan bình thường mà họ đến đây để tham quan kết hợp tìm hiểu, học tập về tấm gương của Bác cũng như tìm hiểu sâu hơn về tiểu sử và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người“.


Đối với dân tộc Việt Nam, ngày quốc khánh 2/9 cũng được xem như là tết độc lập của dân tộc. Ngày mà mọi người hân hoan nhớ lại thời khắc lịch sử của 69 năm về trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ở TPHCM, thăm lại Bến Nhà Rồng vào dịp 2/9 cũng là cách mà du khách và người dân thành phố ôn lại lịch sử, để nhớ về Người, để nhớ về địa danh đã bắt đầu hành trình bôn ba tìm đường cứu nước của Người để có được ngày mùng 2/9 lịch sử của dân tộc.