Thành phố Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh tốc độ xóa nghèo

(VOH) - Được khởi xướng và thực hiện từ năm 1992, đến nay trải qua 23 năm, chương trình Xóa đói, giảm nghèo của TPHCM (nay là chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá) đã trở thành chủ trương đúng đắn của thành phố. Trong mỗi giai đoạn thực hiện, TP đều hoàn thành mục tiêu giảm nghèo sớm từ 1 đến 2 năm so với kế hoạch và là địa phương đi đầu cả nước trong xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Nghe bài viết:

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải (bìa trái) chúc mừng các tập thể, cá nhân vượt nghèo tiêu biểu của TP (Ảnh: saigondautu)

Tính đến tháng 6 năm 2015, thành phố Hồ Chí Minh kết thúc chương trình Xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 2014-2015, toàn thành phố chỉ còn 1,03% hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập bình quân từ dưới 16 triệu đồng/người/năm và 2,64% hộ cận nghèo theo tiêu chí thu nhập bình quân từ 16 triệu đến 21 triệu đồng/người/năm. Đến nay đã có 8/24 quận huyện không còn hộ nghèo giai đoạn 2014-2015.

Đạt được kết quả như trên là do thành phố đã tập trung và kiên trì thực hiện. 23 năm - từ năm 1992 đến nay, chương trình Xóa đói, giảm nghèo đã trải qua 4 giai đoạn với 8 lần điều chỉnh nâng mức chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo. Mức thu nhập bình quân đầu người được nâng dần từ 2,5 triệu đồng/người/năm ở vùng ven và ngoại thành, 3 triệu đồng/người/năm ở nội thành lên đến 16 triệu đồng/người/năm trong giai đoạn hiện nay. Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành địa phương có tốc độ xóa đói giảm nghèo cao nhất nước và mức chuẩn nghèo cao gấp 3 lần bình quân cả nước.

Đây là kết quả phấn đấu bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị thành phố; sự quyết liệt và tận tâm với những giải pháp cụ thể, khả thi của đội ngũ và các cơ quan chuyên trách xóa đói, giảm nghèo. Và nhất là sự tham gia, ý thức vượt nghèo của những cá nhân và gia đình nghèo của thành phố, đúng bản chất của thành phố Hồ Chí Minh - thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Chưa hài lòng với những kết quả đạt được, thành phố đang nỗ lực thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu “Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản như: giáo dục, y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội, nhà ở, thông tin liên lạc… nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố, bảo đảm giảm nghèo bền vững”. Theo đó chuẩn nghèo của thành phố sẽ nâng lên mức bình quân 21 triệu đồng/người/năm và mỗi năm sẽ giảm bình quân 1% hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Để chuyển sang giai đoạn mới giảm nghèo bền vững, thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra một số nhiệm vụ, chủ yếu là tập trung phát triển kinh tế đi đôi với giảm nghèo bền vững và căn cơ, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận được nguồn vốn sản xuất và dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng thời, huy động, bố trí nguồn lực tập trung đầu tư cho các địa bàn trọng điểm, nâng cao năng lực giảm nghèo.

Theo đánh giá của Thành ủy, thành công của chương trình chính là việc lo cho dân "cần câu" chứ không lo "con cá". Thành phố không chỉ lo hỗ trợ vốn, mà tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm và chữa bệnh cho người nghèo, để giúp người dân thoát nghèo bền vững. Đó chính là bài học kinh nghiệm quý báu để trong giai đoạn mới, thành phố tiếp tục có những bước đi vững chắc hơn trong thực hiện chương trình “Giảm nghèo bền vững". Ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Chương trình này không chỉ là trách nhiệm, mà nhân ái, nghĩa tình, mọi người trong xã hội không ít thì nhiều đóng góp vô chương trình, tự hào, trách nhiệm, chăm lo. Vừa qua, các đồng chí lãnh đạo rất hạnh phúc vì dân đóng góp, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, thì tôi nghĩ để chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm lấy sức dân lo cho dân. Xung quanh việc chống tái nghèo, tổ chức chỉ đạo thế nào sâu sát, kịp thời để đi vào thực chất".

Để thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình “Giảm nghèo bền vững” trong giai đoạn mới, theo ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố thì trong nhiều năm qua, thành phố đã làm tốt, đi đầu cả nước về công tác xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên để đảm bảo xóa nghèo bền vững, thì cả xã hội và toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc, trong đó vai trò của cộng đồng doanh nghiệp là rất lớn. Nếu như chúng ta động viên và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển thì sẽ giải quyết rất lớn nguồn lao động. Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có trên dưới 250.000 doanh nghiệp, nếu bố trí việc làm được cho vài trăm ngàn lao động thì sẽ giải quyết được phần lớn nguồn lao động, góp phần nâng cao đời sống người dân. Do vậy, trong thời gian tới, thành phố cần tiếp tục có sự hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển, từ đó góp phần thiết thực cho xã hội, tham gia chương trình hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững: “Đối tượng chúng tôi thấy cần tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp, giống như chúng ta đã hỗ trợ trong thời gian qua, phát động doanh nghiệp đỡ đầu các gia đình chính sách, giúp Mẹ Việt Nam anh hùng hoặc đối tượng con nhà nghèo học giỏi, đào tạo nguồn nhân lực, thì sẽ cho cần câu bền vững hơn là cho con cá”. Ông Minh nói.

Thành phố luôn xem việc chăm lo lợi ích cho người dân, ra sức xây dựng cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc cho mọi người là mục tiêu hàng đầu và xuyên suốt. Điều này khẳng định đây là trách nhiệm và là mệnh lệnh trái tim của Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị, phải chăm lo cho nhân dân nói chung và hộ nghèo nói riêng, sau 40 năm xây dựng và phát triển, góp phần xây dựng thành phố Hồ Chí Minh xứng danh là thành phố năng động, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.