Thêm những chứng cứ lịch sử minh chứng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

(VOH) - Bộ phim tài liệu Biển đảo Việt Nam - nguồn cội tự bao đời (5 tập) đã được phát sóng trên kênh HTV9 Đài Truyền hình TPHCM vào lúc 21 giờ các ngày từ 20 đến 23/6/2015. Qua bộ phim này, người xem lại có thêm những chứng cứ xác thực để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (bìa phải) trong bộ phim Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời (Ảnh: Phạm Xuân Nghị)


Sau khi phát sóng trên kênh HTV9, bộ phim được tiếp tục phát sóng trên nhiều kênh truyền hình trong cả nước và mở rộng đến với các trường học. Ngoài ra, HTV cũng đã thực hiện xong phụ đề tiếng Anh và đang thực hiện một số phụ đề tiếng nước ngoài để trình chiếu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Phim sẽ đến với bà con kiều bào và người nước ngoài thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau.

Phóng viên Đài TNND TPHCM đã phỏng vấn về bộ phim tài liệu này với NSUT – Biên kịch – Đạo diễn Lâm Thành Quí.

* Thưa ông, vấn đề biển đảo hiện nay là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam. Đây có phải là một lý do để Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) bỏ ra nhiều tâm huyết, thời gian làm bộ phim tư liệu “Biển đảo Việt Nam, nguồn cội từ bao đời” ?

Nhà Biên kịch, đạo diễn Lâm Thành Quý: Thật ra, Đài Truyền hình TP.HCM đã có chủ trương thực hiện bộ phim trong nhiều năm nay rồi vì nhận thấy tình hình biển đảo không đơn thuần yên tĩnh đâu, chắc chắn tình hình sẽ khác. Do đó, điều này không xuất phát từ tình hình mới hiện nay, mà HTV đã có cái nhìn sâu và xa hơn một chút. Bộ phim đã bắt đầu làm từ ba năm trước, còn bây giờ tình hình diễn biến ngày càng phức tạp hơn do phía Trung Quốc cố tình gây hấn. Lúc này là lúc chúng ta nên có một bộ phim để có thể giúp cho người dân hiểu được Nhà nước Việt Nam đang đấu tranh như thế nào. Qua chứng cứ mà bộ phim tìm được và đưa ra một cách khách quan, ngay cả dư luận trong và ngoài nước cũng đều ủng hộ Việt Nam.

Bộ phim này hoàn toàn không nhằm mục đích chống đối bất cứ điều gì mà chỉ đưa ra những chứng cứ, hình ảnh trong, ngoài nước, những lời lẽ của các nhà nghiên cứu quốc tế và Việt Nam nói về Hoàng Sa, Trường Sa. Qua đó, cả người Việt chúng ta, phía Trung Quốc và cả thế giới đều nhìn ra được ai là chủ của Hoàng Sa, Trường Sa.

* Trong chuyến đi tìm các cứ liệu, chứng cứ về Hoàng Sa, Trường Sa, đoàn làm phim của chúng ta cũng đã đến 9 quốc gia để thu thập và chắt lọc được các nguồn tư liệu quý giá, trước mắt đã cho ra đời 5 tập phim. Ông giới thiệu đôi nét về 5 tập phim này ?

Nhà Biên kịch, đạo diễn Lâm Thanh Quí: Tập thứ nhất cho thấy sự hình thành chủ quyền biển đảo trong các thời Đinh-Lê-Lý-Trần-Nguyễn. Các cha ông chúng ta thời phong kiến đã có ý thức hướng ra biển. Biển là không gian sống, là một điều gì đó thiết thân gắn bó với người Việt. Vì vậy tập 1 khái quát chính là chủ quyền Việt Nam, qua các tư liệu, bản đồ, châu bản, các triều đại phong kiến Việt Nam cũng như sau này.

Tập 2 cho thấy người Việt vươn ra biển, từ đó hình thành sự giao thương đường biển giữa Việt Nam và các nước khác, hình thành nền văn hóa biển, thương mại biển. Từ đó, người Việt chiếm lĩnh các hòn đảo vô chủ.

Tập 3 cho thấy chứng cứ, không phải của Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt là các quốc gia ngày xưa trong thế kỷ 15, 16 đến Việt Nam giao thương như: Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp, Ý và một số nước phương Tây. Họ qua Việt Nam và trở thành con đường tơ lụa trên biển Đông, nghĩa là khi đi qua Việt Nam thì họ đến vùng đảo này mà nơi đây do các triều đình phong kiến Việt Nam quản lý, do đó họ phải xin phép. Như vậy, những điều này là chứng cứ vô cùng khách quan. Tập 3 cũng hé lộ nhiều chi tiết ở Châu Âu về bản đồ và các thư tịch cổ ở nhiều nước như: Ý, Vatican, Mỹ, Nhật, Bồ Đào Nha… đó là những chứng cứ tiếp tục làm đầy thêm những chứng cứ về chủ quyền biển đảo.

Tập thứ 4 đề cập đến giai đoạn này là của các nhà nước thế tục, đó là khoảng thời gian sau khi các triều đại phong kiến Việt Nam chấm dứt, đến thời kỳ Pháp, Bảo Đại rồi Việt Nam Cộng hòa… cho thấy, vai trò chủ đạo và người chủ của Hoàng Sa, Trường Sa từ đó đến giờ là của Việt Nam Cộng hòa. Do Hiệp định Paris nên mình có thêm những chứng cứ từ trong kho tư liệu của Việt Nam Cộng hòa và chứng cứ quốc tế… Tập này cung cấp toàn bộ các chứng cứ thời điểm đó.

Tập 5 là tập “dư luận” và cũng khẳng định vai trò làm chủ biển đảo của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ sau giải phóng đến giờ.

*Xuyên suốt 5 tập phim về biển đảo đều đan xen nhiều tư liệu quý, trong đó có nhiều ý kiến thuyết phục của những nhà nghiên cứu lịch sử, nhà nghiên cứu về Luật quốc tế và nhà nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam và thế giới minh chứng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Ông chia sẻ một chút về quá trình thu thập và tiếp cận với những con người ở các vùng đất khác nhau trên thế giới, cũng như tìm kiếm tư liệu như thế nào ?

Nhà Biên kịch, đạo diễn Lâm Thanh Quí: Khi bắt đầu làm phim từ năm 2012, chúng tôi không được công bố đi làm phim. Chúng tôi muốn giữ im lặng vì phía Trung Quốc cũng đang tìm chứng cứ, nếu để người ta biết trước, họ có thể tìm đến những chứng cứ đó thì không có lợi. Do đó chúng tôi đi trong điều kiện là không một ai biết cả. Khó khăn nhất là tìm được nguồn tư liệu, mà muốn tìm, thì phải tìm được những mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ với các nước trên thế giới. May mắn là chúng tôi có những bạn bè là các nhà nghiên cứu trên thế giới, các nhà nghiên cứu Việt Nam rồi kiều bào. Nhờ đó, chúng tôi tiếp cận được những nơi có nhiều tư liệu lớn như: Quốc hội Mỹ, Tòa thánh Vatican, các văn khố ở các quốc gia Châu Âu, đi đến đâu chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ tận tình.

Đoàn làm phim ghi hình cuộn tranh về châu ấn thuyền dài 11m đề cập quá trình giao thương của Việt Nam và Nhật Bản - Ảnh: Phạm Xuân Nghị.

Còn nhớ đoàn phim đến Vatican đúng dịp Giáo hoàng Francis đệ nhất tiếp kiến giáo dân của mình trên quảng trường Saint Peter nên chúng tôi không tiếp cận được kho tư liệu của thư viện ở Vatican. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của những người bạn Ý, chúng tôi cũng đã có được những tư liệu quan trọng do người phương Tây xuất bản trong các thế kỷ 16 - 19 lưu giữ nơi đây. Những thư tịch cổ đã thể hiện khách quan và khoa học về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và nhiều vùng biển đảo khác trong Biển Đông.

Đáng nhớ là trong lúc trao đổi tìm tư liệu, chúng tôi có một thông tin quý đó là tu viện nhỏ Santa Maria al Monte ở thành phố Torino đang lưu giữ cuốn sách Compendio di geografia universal (Tóm lược địa lý thế giới) của nhà địa lý học nổi tiếng người Ý Andriano Balbi. Cuốn sách được viết bằng tiếng Ý, xuất bản lần đầu năm 1824 và được tái bản nhiều lần bằng tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức... Đây là những tư liệu rất quý, lần đầu công bố.

* Mong muốn của Đài qua bộ phim này ?

Nhà Biên kịch, đạo diễn Lâm Thanh Quí: Mong muốn lớn nhất của HTV là làm sao mọi người dân Việt Nam hiểu được cha ông mình đã đấu tranh, tìm kiếm, xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình, và cho thấy Hoàng Sa, Trường Sa đã là của người Việt từ các thời kỳ phong kiến của Việt Nam. Đó cũng là chứng cứ cho thấy Việt Nam hoàn toàn chính đáng trong đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái của Trung Quốc khi chiếm Hoàng Sa, gây khó khăn, tìm mọi cách phá hoại sự yên bình trên biển Đông.

Cảm ơn ông.