Thông tư 31 của Bộ GTVT áp dụng từ 15/10: Quy định tốc độ và khoảng cách các phương tiện ra sao?

(VOH) - Bộ GTVT vừa ban hành quy định mới về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ, có hiệu lực thi hành từ 15/10/2019.

Thông tư 31/2019/TT-BGTVT thay thế Thông tư 91/2015/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.

Đối với quy định tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới, tại Thông tư 31/2019/TT-BGTVT vẫn giống như quy định hiện hành, nhưng quy định cụ thể hơn khoảng cách an toàn giữa hai xe tham gia giao thông và trách nhiệm của cơ quan quản lý đặt biển báo tốc độ ở từng loại đường.

Thông tư này được áp dụng đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng, tổ chức, cá nhân quản lý và thực hiện các quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông, trừ xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

Thông tư 31, tốc độ, khoảng cách xe cơ giới

Hình minh họa: PN

Về khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường, khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn trị số ghi trên biển báo.

Khoảng cách an toàn giữa hai xe khi tham gia giao thông trên đường trong điều kiện mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định trong Thông tư 31/2019/TT-BGTVT như sau:

Tốc độ lưu hành (km/h)

Khoảng cách an toàn tối thiểu (m)

V= 60

35

60 < V ≤ 80

55

80 < V ≤100

70

100 < V ≤120

100

Việc đặt biển báo hạn chế tốc độ thực hiện theo quy định của pháp luật về báo hiệu đường bộ và phải căn cứ vào điều kiện thực tế của đoạn tuyến, tuyến đường về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, về lưu lượng, chủng loại phương tiện và về thời gian trong ngày.

Đối với dự án đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo công trình đường bộ, lắp đặt đầy đủ biển báo hạn chế tốc độ trước khi đưa công trình vào sử dụng. Đối với đoạn tuyến, tuyến đường bộ đang khai thác thuộc phạm vi quản lý, cơ quan quản lý đường bộ phải chủ động, kịp thời lắp đặt biển báo hiệu đường bộ theo quy định.

Trên các đường nhánh ra, vào đường cao tốc, khi đặt biển báo hạn chế tốc độ, trị số tốc độ ghi trên biển không được dưới 50 km/h.

Trong đó, cơ quan có thẩm quyền quyết định đặt biển báo hiệu các trường hợp dưới đây: Đối với đường đôi, đặt biển báo hạn chế tốc độ riêng cho từng chiều đường; đặt biển báo hạn chế tốc độ cho một khoảng thời gian trong ngày (biển phụ, biển điện tử); đặt biển báo hạn chế tốc độ riêng đối với các loại phương tiện có nguy cơ mất an toàn giao thông cao; đặt biển báo hạn chế tốc độ có trị số lớn hơn 60 km/h (đối với đoạn đường trong khu vực đông dân cư), lớn hơn 90 km/h (đối với đoạn đường ngoài khu vực đông dân cư) cho các tuyến đường có vận tốc thiết kế lớn hơn vận tốc tối đa quy định tại Điều 6, Điều 7 thông tư này, nhưng phải đảm bảo khai thác an toàn giao thông.

Đồng thời, thông tư cũng quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền quyết định đặt biển báo đối với các trường hợp: Bộ Giao thông vận tải đối với đường bộ cao tốc; Tổng cục Đường bộ Việt Nam đối với hệ thống quốc lộ và đường khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải (trừ đường bộ cao tốc); UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý.

* Theo Thông tư 31/2019/TT-BGTVT, tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới (trừ loại xe quy định tại Điều 8) tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc) như sau: Với đường đôi, đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên tốc độ tối đa là 60 km/h; Đường hai chiều, đường một chiều có một làn xe cơ giới tốc độ tối đa là 50 km/h.

Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông ngoài khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc) là:  Xe ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 tấn chạy trong đường đôi, đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên tốc độ tối đa là 90km/h; chạy trong đường hai chiều, đường một chiều có một làn xe cơ giới tốc độ tối đa là 80 km/h.

Còn với xe ô tô chở người trên 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải trên 3,5 tấn (trừ ô tô xi téc) chạy trong đường đôi, đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên tốc độ tối đa là 80 km/h; chạy trong đường hai chiều hoặc đường một chiều có một làn xe cơ giới tốc đột ối đa là 70 km/h…

Tốc độ tối đa cho phép đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự trên đường bộ (trừ đường cao tốc) là không quá 40 km/h. Tốc độ của các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc không vượt quá 120 km/h.

Mua vé tàu trước bao nhiêu ngày thì được giảm giá? Từ nay đến 31/12/2019, hành khách mua vé trước ngày đi tàu từ hơn 10 ngày trở lên sẽ được giảm giá tùy mác tàu và thời gian mua sớm.

 Đi tắm hồ, ba nam sinh đuối nước thương tâm Vụ tai nạn xảy ra khi các em học sinh lấy xuồng chèo ra lòng hồ thủy điện Thác Mơ để tắm, khi vừa chèo ra được hơn 10m thì xuồng bị nước tràn vào rồi lật úp khiến cả 6 em rơi xuống lòng hồ.