Thủ đô – ngày giải phóng

(VOH) - Với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Pháp buộc phải ký Hiệp định Geneve, đồng thời rút hết quân về nước.

Đúng 8g ngày 10/10/1954, các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào từ 5 cửa ô, tiếp quản Thủ đô sau 9 năm bị tạm chiếm. Hà Nội từ đây sạch bóng quân thù, cờ hoa hân hoan đón mừng những người con chiến thắng trở về trong ngày lịch sử.

Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa cực kỳ to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến. Kể từ đây, Thủ đô đất nước ta thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân, nhân dân lao động thoát khỏi chế độ áp bức, bóc lột. Người dân được đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, xây dựng xã hội mới, mở đầu sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước.

Bộ đội ta tiến về tiếp quản thủ đô - Nguồn: Husta.org

Sáng 10/10/1954, Hà Nội bừng tỉnh sau những đêm dài gian khổ chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Nhà nào cũng dậy sớm hơn để tận hưởng niềm vui của ngày hòa bình. Và có lẽ những người dân, người chiến sĩ được sống trong giờ phút thiêng liêng ấy đều có riêng cho mình những cảm xúc, những kỷ niệm mãi mãi không bao giờ phai nhạt.

Cầm trên tay bức ảnh cưới được chụp vào tháng 12/1954, nghĩa là sau ngày Thủ đô được giải phóng 2 tháng, bao cảm xúc chợt ùa về với ông Phạm Gia Đốc. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc kỷ niệm ngày cưới của ông Phạm Gia Đốc và bà Nhâm Thị Nhã sau 5 năm xa cách.

Tham gia các hoạt động bí mật của Việt Minh như nuôi giấu cán bộ, liên lạc trong nội thành Hà Nội từ năm 1949, việc giấu thân phận và không liên lạc với gia đình là điều bắt buộc nhằm đảm bảo bí mật và an toàn. Đó cũng là lý do mà mãi 2 tháng sau khi Thủ đô hoàn toàn giải phóng, vợ chồng ông Đốc – bà Nhã mới được gặp nhau.

Nguyên là đội trưởng Công an đầu tiên của Hà Nội thuộc Sở Công an Bắc Bộ từ 1945, ông Đốc được giao phụ trách nhiệm vụ nội tuyến, lãnh đạo anh em các nhà máy mít tinh, giành chính quyền ở các cơ quan đầu não của địch. Càng đến ngày trọng đại, nhiệm vụ của ông Đốc càng trở nên nặng nề và khó khăn do địch ban hành thiết quân luật ở khắp thành phố, và cử người theo dõi sát sao nhằm thủ tiêu các cán bộ của Việt Minh.

Ông Đốc kể, trước ngày 10/10/1954 các đội trật tự đã vào Hà Nội trước để bảo vệ an ninh của Thủ đô. Đội trinh sát của ông cũng vào trước mùng 10, nhiệm vụ chủ yếu là giữ được ổn định tính mạng, vật chất của nhân dân, cùng với các đoàn thể vận động bà con Hà Nội chuẩn bị cho ngày giải phóng Thủ đô. Tuy đều là những thông tin mật nhưng hầu hết toàn dân Hà Nội đều rất hân hoan để chờ ngày giải phóng Thủ đô. Còn trong thành phố, lúc ấy quân Pháp vẫn đi tuần tra, thiết quân luật với nhân dân nhưng không khí đã rất “nóng”.

Bề ngoài, nhân dân vẫn sản xuất lao động bình thường nhưng bên trong mỗi ngôi nhà không khí sục sôi, các chiến sĩ công an cũng rất vui mừng, cảm nhận ngày chiến thắng đến rất gần nhưng vẫn “nén” trong lòng để bảo đảm an toàn cho nhân dân Hà Nội... “Chúng tôi có 2 nhiệm vụ chính, một là bảo vệ ở khu căn cứ, hai là tung người vào hoạt động trong lòng địch để vận động nhân dân đấu tranh với địch và tiếp đón bộ đội khi vào giải phóng Thủ đô. Nhiệm vụ của chúng tôi rất nặng nề vào lúc đó. Vui mà không được vui, mừng mà không được thổ lộ, nhớ gia đình mà cũng đành chôn ở trong lòng”, ông Phạm Gia Đốc nhớ lại.

Trong ký ức của ông Phạm Gia Đốc, những ngày thu năm 1954 ấy thật đặc biệt. Từ ngày 20/7/1954 sau khi hiệp định Geneve được chính thức ký kết, thì khi quân ta vào tiếp quản Thủ đô, bộ đội vào đến đâu quân Pháp trao trả lại toàn bộ nhà máy, công sở, chính quyền trong êm đẹp. Tuy nhiên, lực lượng công an vẫn phải cảnh giác với những đối tượng manh động vào thời khắc lịch sử ấy.

Ngày 8/10/1954, nhiều tiểu đoàn bộ đội hành quân tới Cầu Đuống vào 8g sáng. Đến trưa 8/10, ở tất cả các vị trí quan trọng của Hà Nội đã có quân ta án ngữ. Đối với người chiến sĩ công an Phạm Gia Đốc, thời điểm tiếp quản thủ đô là thời điểm mà niềm vui xen lẫn với sự hồi hộp và lo lắng. Cùng các đồng chí, đồng đội, ông vẫn âm thầm thực hiện nhiệm vụ của mình – những nhiệm vụ bắt buộc phải bí mật tiến hành ngay cả trong thời khắc vui sướng nhất.

Còn vợ ông – bà Nhâm Thị Nhã – lúc đó thuộc đội cảm tử của Thủ đô, được giao nhiệm vụ ẩn trong lòng địch để kết nối, bảo vệ và che giấu cán bộ của ta. Khi được biết về thời điểm bộ đội trở về tiếp quản thủ đô, bà cùng nhiều chị em khác vui mừng đến mức không thể nào ngủ được. Suốt mấy ngày liền, bà cùng các chị em tập trung nhau để khâu hàng chục lá cờ mừng chiến thắng.

Bà Nhâm Thị Nhã, xúc động hồi tưởng: “Cảm xúc dâng trào không cách gì diễn tả được, vui sướng, bồn chồn, thích lắm! Chúng tôi chỉ chờ đến ngày được ra cầm cờ vẫy chào bộ đội. Hôm 10/10 bộ đội tiến qua 5 cửa ô, thế là tôi đứng ở Lương Văn Can để hoan hô bộ đội mình về!”.

16 giờ ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên. Sáng 10/10, Hà Nội như vỡ òa. 20 vạn nhân dân Thủ đô háo hức chào mừng đoàn quân tiến về trong tiếng hò reo và rừng cờ đỏ tung bay. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ - khi ấy đang là thanh niên kháng chiến nội thành Hà Nội, vẫn còn nhớ như in không khí rộn ràng đó.

“Hôm đó chúng tôi sung sướng lắm, ôm nhau khóc, ôm nhau hò hát suốt cả đêm. Hai bên đường thì cờ hoa rợp trời, tiếng hoan hô, hò reo của quân chúng đón đoàn quân trở về. Lúc đó sung sướng không gì tả được!”, ông Quỳ kể.

Ngày về chiến thắng - Ảnh: VNE.

Sự khát khao chờ đợi về một ngày nở hoa chiến thắng sau bao năm khói lửa của hàng triệu con tim nay đã trở thành sự thật. Cả Hà Nội rạo rực và nghẹn ngào trong niềm vui chiến thắng. Bài hát “Tiến về Hà Nội” vang lên ở khắp các phố phường. Những dự cảm và hình ảnh lịch sử trong ca khúc ấy đã được cố nhạc sĩ Văn Cao sáng tác trước đó nhiều năm, giờ trở thành hiện thực một cách sống động.

Thấm thoát đã 61 năm kể từ ngày giải phóng Thủ đô. Những phố phường, chiến địa khốc liệt năm xưa, giờ đã đổi thay quá nhiều. Từ một thành phố bị chiến tranh tàn phá, hàng thập niên quyện mùi thuốc súng, đất trời rung chuyển trong tiếng đạn bom, Hà Nội nay là trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục... có vị trí quan trọng trong cả nước và khu vực, được bạn bè quốc tế vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình”.

“Hiện nay Hà Nội đã có những văn bản mang tính định chế, rất thuận lợi cho định hướng phát triển tới đây. Từ các văn bản có tính pháp luật cao như vậy thì có thể nhận thấy hướng phát triển của Thủ đô trong những năm tới, đó là theo các tiêu chí: xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại. Và nếu theo đúng tinh thần này, chúng ta sẽ xây dựng được một Thủ đô phát triển ngày càng hiện đại, ngày càng văn minh nhưng vẫn giữ gìn được các hệ thống giá trị quý báu mà cha ông ta đã dày công xây đắp và truyền lại cho chúng ta: Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng!”, ông Hồ Quang Lợi - Trưởng Ban Tuyên giáo thành phố Hà Nội phấn khởi cho biết.

“Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về…”, hơn 60 năm đã trôi qua, nhưng không khí xúc động ngày ấy vẫn vẹn nguyên trong lòng những người con Hà Nội khi nhớ về thời khắc thủ đô hoàn toàn giải phóng. Giờ đây người còn, người mất, để lại bao kỷ niệm của tuổi xanh đầy nhiệt huyết, của những con người lịch sử, để lại bài học quý giá về sức mạnh của nhân dân và tinh thần bất khuất của dân tộc. Đây chính là niềm tự hào, niềm tin yêu của cả nước dành cho Hà Nội-trái tim thân yêu của mỗi người con Việt Nam.