Thừa phát lại - không chỉ lập vi bằng

(VOH) - Ngày nay, nói đến cụm từ Thừa phát lại, có lẽ nhiều người cảm thấy khá xa lạ. Nhưng thực ra Thừa phát lại đã xuất hiện và hoạt động ở nước ta từ trước năm 1975.

Về chủ trương thực hiện thí điểm các văn phòng Thừa phát lại, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, những công việc của Thừa phát lại đã từng rất quen thuộc với nhân dân miền Nam, nhưng lần này, sự hình thành những văn phòng Thừa phát lại là “bình cũ, rượu mới”, vì chức năng nhiệm vụ của Thừa phát lại có nhiều điểm mới so với trước đây.

Nhân viên Văn phòng thừa phát lại quận Bình Thạnh đang lấy dấu vân tay của bên bị lập vi bằng. (Ảnh do Văn phòng thừa phát lại cung cấp- phapluattp).

Theo đó, Thừa phát lại là người được nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định 61 và pháp luật có liên quan.Cụ thể là sau khi đi vào hoạt động, Thừa phát lại sẽ thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, Thừa phát lại sẽ đứng ra lập vi bằng theo yêu cầu của các nhân, hay cơ quan, tổ chức nhằm sử dụng vi bằng làm bằng chứng trước tòa. Ngoài ra, Thừa phát lại cũng sẽ tham gia xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự.

Nghị định 61 cũng quy định những việc Thừa phát lại không được làm là: không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật cho phép; Thừa phát lại không được đòi hỏi bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng; trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là thân thích của mình, bao gồm: vợ chồng, cha mẹ, con, ông bà, chú bác, cô dì của Thừa phát lại. Tính đến nay đã hơn 3 tháng đi vào hoạt động, nhưng tên gọi Thừa phát lại vẫn còn khá lạ lẫm đối với người dân thành phố. Bà Vũ Thị Trường Hạnh, Trưởng văn phòng Thừa phát lại quận 8 cho biết:

Với 4 chức năng cơ bản của Thừa phát lại nhưng hiện nay người dân thường chỉ biết đến Thừa phát lại là những người chuyên lập vi bằng. Vi bằng do Thừa phát lại lập ra có giá trị pháp lý rất cao, là những bằng chứng không thể chối cãi trước tòa. Vì vậy, có nhiều trường hợp người dân đến yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng về việc tranh chấp đất đai, hoặc mua bán nhà, cũng có trường hợp người dân muốn được lập vi bằng về các hành vi ngoại tình của vợ hoặc chồng. Thừa phát lại Nguyễn Thị Thu Hiên, công tác tại văn phòng Thừa phát lại quận 8 cho biết: để lập vi bằng, thì Thừa phát lại phải nhờ các cán bộ địa phương đi cùng, và đồng thời người cán bộ đó cũng phải có trách nhiệm ký tên làm chứng trong vi bằng. Tuy nhiên, không phải cán bộ nào cũng hiểu và đồng ý làm theo đề nghị của Thừa phát lại. Bà Nguyễn Thị Thu Hiên kể lại:

Khó khăn không chỉ dừng lại ở đó. Nghị định 61 đã quy định các cơ quan chức năng có trách nhiệm cung cấp thông tin cho Thừa phát lại khi có yêu cầu. Tuy nhiên, rất nhiều cơ quan chức năng đã từ chối cung cấp thông tin. Như trường hợp của văn phòng Thừa phát lại quận 1, đã gửi đơn đến Chi cục thuế quận 10, đề nghị trích lục báo cáo Tài chính năm 2009 của khách hàng, nhằm thực hiện công việc xác minh điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, cả Chi cục thuế quận 10 lẫn Cục thuế Thành phố HCM đều có văn bản trả lời rằng Thừa phát lại không nằm trong danh sách các cơ quan được cơ quan thuế có trách nhiệm cung cấp thông tin. Văn bản trả lời này đã không chiếu theo Nghị định 61. Ông  Đỗ Phi Thường, thuộc văn phòng Thừa phát lại Quận 1 bức xúc:

Ngay cả việc mua bảo hiểm của Văn phòng Thừa phát lại cũng gặp chuyện dở khóc, dở cười. Bà Vũ Thị Trường Hạnh, Trưởng văn phòng Thừa phát lại quận 8 cho biết, để bảo đảm hoạt động của văn phòng, bà và các Thừa phát lại đã quyết định mua bảo hiểm cho công việc của mình. Thế nhưng, khi tiếp xúc và làm việc với các công ty bảo hiểm thì mới hay là họ không biết nghề Thừa phát lại là nghề gì. Nhiều doanh nghiệp không dám bán bảo hiểm. Và khi đã đạt được thỏa thuận hợp đồng bảo hiểm, thì phía doanh nghiệp bảo hiểm lại soạn thảo hợp đồng với nội dung là bảo hiểm cho ngành Luật sư, công chứng. Bà Hạnh mới phân trần: chúng tôi là Thừa phát lại, chúng tôi không phải là Luật sư cũng không phải Công chứng viên. Vì vậy, theo ông Phan Minh Sâm, công tác ở văn phòng Thừa phát lại quận 5 cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến với người dân. Ông Phan Minh Sâm nói:

Nghị quyết số 49 của Bộ chính trị về chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020 đã xác định rõ: “ từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”. Theo đó, việc thực hiện thí điểm 5 văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh là một bước tiến mạnh mẽ trong tiến trình cải cách Tư pháp của đất nước. Việc ra đời của 5 văn phòng Thừa phát lại sẽ góp phần chia sẻ  với Cục Thi hành án và các cơ quan tư pháp hiện nay đã và đang quá tải công việc. Thế nhưng, cho đến nay, công tác tuyên truyền đến với người dân và đặc biệt là với cơ quan chức năng tại địa phương còn có nhiều bất cập, chưa thật sự ăn khớp với chủ trương của Chính phủ về việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại. Trước mắt, các văn phòng Thừa phát lại phải tự " bơi ", tự quảng bá và bước đầu xây dựng niềm tin đối với khách hàng bằng chính hiểu quả công việc mới mẻ của Thừa Phát lại đem đến cho người dân. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn, và để Thừa phát lại thực sự là những người “chia lửa” cho ngành Thi hành án, thiết nghĩ cần có những bước phối hợp thiết thực và đồng bộ giữa nhiều cơ quan hữu quan. Mục đích cuối cùng là tạo sự thành công của mô hình Thừa phát lại đang được thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh trước khi nhân rộng ra phạm vi cả nước.