Thực hiện liên thông về hộ tịch, BHYT và đăng ký, quản lý cư trú: 100% xã, phường, thị trấn của thành phố đã triển khai thực hiện

(VOH) - Ngay sau khi kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính được ban hành, Sở Tư Pháp thành phố đã xây dựng quy chế phối hợp thực hiện liên thông nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm y tế và đăng ký, quản lý cư trú trên địa bàn. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn của thành phố đã triển khai thực hiện liên thông. Bước đầu, quy chế này được đánh giá là mang lại hiệu quả cho người dân.

Xung quanh nội dung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy trình thủ tục của ngành tư pháp, phóng viên Đài đã có cuộc phỏng vấn bà Ung Thị Xuân Hương - Giám đốc Sở Tư pháp thành phố:

* Thưa bà, điểm nổi bật của Sở trong năm qua là tăng cường công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các quy trình thủ tục, xin bà cho biết cụ thể hơn về điều này?

Bà Ung Thị Xuân Hương -Ảnh: TTO

- Bà Ung Thị Xuân Hương: Trong năm 2013, Sở Tư pháp cũng đã chủ động rà soát thủ tục hành chính và trình UBND TPHCM công bố các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực của Sở Tư pháp, cũng như các thủ tục thuộc lĩnh vực tư pháp của UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn. Vấn đề thứ 2 là Sở Tư pháp cũng đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động nghiên cứu, xây dựng các quy trình thủ tục để thực hiện thủ tục hành chính. Cụ thể là Sở đã trình UBND TPHCM ban hành quyết định số 07 năm 2013 về vấn đề phối hợp thực hiện nhóm thủ tục hành chính liên thông giữa đăng ký khai sinh, bảo hiểm y tế và nhập hộ khẩu, cũng như đăng ký khai tử và xóa hộ khẩu. Đây là vấn đề được người dân hoan nghênh. Hiện nay đã triển khai đến 100% phường, xã, thị trấn thực hiện liên thông này.

Sắp tới đây, quý 2 năm 2014 thì chúng tôi sẽ tham mưu cho Ủy ban để sơ kết 1 năm thực hiện quyết định 07. Sở Tư pháp cũng đã chủ động triển khai thực hiện dịch vụ trả kết quả về tận nhà cho người dân thông qua dịch vụ bưu điện, đồng thời cũng đã tổ chức tiếp nhận yêu cầu cấp phiếu Lý lịch tư pháp số 2 đối với người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài mà không có điều kiện về để trực tiếp yêu cầu cấp phiếu Lý lịch tư pháp số 2. Chúng tôi đã thực hiện việc tiếp nhận thông qua bưu điện để đảm bảo quy định của pháp luật là người yêu cầu được cấp phiếu Lý lịch tư pháp số 2 yêu cầu và trực tiếp nhận kết quả. Thì đây là một tháo gỡ rất là lớn trong vấn đề giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

* Trong công tác cải cách hành chính và đơn giản hóa các quy trình, thủ tục thì Sở Tư pháp có gặp khó khăn gì hay không?

- Bà Ung Thị Xuân Hương: Trong công tác cải cách hành chính và đơn giản hóa các thủ tục hành chính thực tế thì làm được rất nhiều, thế nhưng vẫn còn một số khó khăn, mà phải nói rằng Sở Tư pháp hết sức tích cực trong vấn đề đề nghị tháo gỡ, nhưng mà vẫn còn hạn chế. Ví dụ như về thể chế vướng một số vấn đề liên quan đến các quy định của Trung ương. Ví dụ như tại Nghị định số 24 ngày 28/3/2013 của Chính phủ về thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, trong đó có một số thủ tục có thể gây khó khăn cho người dân, như là khi anh đăng ký kết hôn nhưng mà đã có ly hôn ở nước ngoài rồi thì anh phải thực hiện thủ tục là ghi chú ly hôn, xong thì mới được đăng ký kết hôn, thì dẫn đến việc sẽ chậm trễ trong giải quyết hồ sơ cho người dân.

Vấn đề thứ 2 là khó khăn về mặt thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật, cụ thể như là thực hiện một số thủ tục pháp luật quy định nhưng tại thành phố do lượng việc quá nhiều cho nên không đảm bảo thời gian giải quyết cho người dân, hay là thủ tục đó phải chờ ý kiến của cơ quan khác thì Sở Tư pháp mới giải quyết được. Ví dụ như về cấp bản sao khai sinh mà Nghị định thì yêu cầu là giải quyết trong ngày thì không có cách nào làm được. Bởi vì khi người dân đến yêu cầu cấp bản sao khai sinh thì bản sao khai sinh đó từ trước giải phóng mà Sở đang lưu trữ sổ bộ thì phải đi tìm sổ bộ, và lượng công việc nhiều, nên không thể giải quyết trong ngày được. Đó cũng là khó khăn mà chúng tôi cũng đã báo cáo với UBND Thành phố, nhưng mà Sở Tư pháp cũng cố gắng hết sức để hẹn người dân trong thời hạn ngắn nhất.

Hay là vấn đề cấp phiếu lý lịch tư pháp, thì hiện nay chúng tôi đánh giá, tỉ lệ trễ hẹn là 35%, thì việc trễ hẹn này chủ yếu do phụ thuộc vào kết quả xác minh của công an hoặc các cơ quan khác có liên quan. Nếu như trong qua trình Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ, thấy rằng thông tin đó phải được xác minh, thì mới có cơ sở để giải quyết. Hay là thủ tục ghi chú ly hôn hoặc xác nhận là người có gốc Việt Nam hoặc có quốc tịch Việt Nam thì trễ hẹn đến 95%, do phải chờ ý kiến của Bộ Tư pháp để thẩm tra xem người này có được ghi chú ly hôn hay không, hay là trước đây đã thôi quốc tịch Việt Nam hay chưa.

* Nhiệm vụ trọng tâm của Sở Tư pháp trong năm 2014 nhấn mạnh đến hoạt động nào?

- Bà Ung Thị Xuân Hương: Trong chương trình hoạt động của Sở Tư pháp năm 2014, chúng tôi cũng đã đưa ra một số nhóm giải pháp. Thứ nhất là tiếp tục kiện toàn bộ máy cán bộ công chức cả 3 cấp: thành phố, cấp quận, huyện và cấp phường, xã, thị trấn. Vấn đề thứ 2 là chúng tôi tham mưu cho chính quyền thành phố hoàn thiện các thể chế pháp lý để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Chẳng hạn như đẩy mạnh tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về công tác thi hành pháp luật, công tác kiểm soát thủ tục hành chính cũng như là các công tác pháp chế trên địa bàn thành phố. Thứ 3 là sẽ tham mưu cho UBND Thành phố đổi mới công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật theo Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, cũng như thực hiện công tác xã hội hóa trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Và đặc biệt là sẽ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Hiến pháp sửa đổi cũng như là Luật đất đai sửa đổi. Đây là những văn bản liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người dân. Thứ 4 là đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính cũng như là kiểm soát thủ tục hành chính. Đây là nhiệm vụ mà Sở Tư pháp tiếp nhận từ tháng 9 năm 2013, chúng tôi sẽ tích cực thanh tra kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính, để các ngành các cấp cũng như địa phương không có gây phiền hà cho người dân. Thứ 5 là đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa, như tăng cường công tác thanh tra kiểm tra đối với hoạt động công chứng, giám định, Thừa phát lại, cũng như là hoạt động Luật sư để làm sao đó các lĩnh vực bổ trợ tư pháp góp phần thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế xã hội.

* Xin cảm ơn bà.