Thực thi nhiệm vụ biên phòng là nhiệm vụ của toàn dân

(VOH) - Chiều 21/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam.

Các đại biểu Quốc hội nhất trí với Báo cáo giải trình của Ủy ban Quốc phòng – An ninh và cho rằng, các quy định của dự thảo luật đã cơ bản bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chính sách của Nhà nước về biên phòng cần thể chế hóa đầy đủ đường lối đối nội, đối ngoại, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia, đồng thời ghi nhận những chính sách lớn nhằm xây dựng, huy động tiềm lực mọi mặt của quốc gia, tăng cường quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm cơ sở để xây dựng những chính sách cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết thêm: “Trong dự thảo luật quy định những chính sách lớn về thực thi nhiệm vụ biên phòng. Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Dự thảo luật đã quy định trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức”.

Ảnh minh họa: SGGPO

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, có ý kiến đề nghị rà soát, chỉnh lý để thể hiện khái quát, đầy đủ chính sách của Nhà nước về biên phòng, trong đó có chính sách đặc thù ở khu vực biên giới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chính sách của Nhà nước về biên phòng cần thể chế hóa đầy đủ đường lối đối nội, đối ngoại, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia, đồng thời ghi nhận những chính sách lớn nhằm xây dựng, huy động tiềm lực mọi mặt của quốc gia, tăng cường quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm cơ sở để xây dựng những chính sách cụ thể. Đại biểu Nguyễn Văn Chương, Đoàn TPHCM góp ý thêm: “Xem lại các điều tôi thấy có nhiều nội dung điều chỉnh sát với thực tiễn. Tại điều 12 cần cân nhắc cụm từ lực lượng chuyên trách làm nòng cốt vì sẽ chồng chéo lấn sân sang Luật Công an nhân dân”.

Trước đó vào sáng ngày 21/10 khi thảo luận Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Theo 1 số đại biểu đề nghị chưa thay thế hoàn toàn hộ khẩu giấy từ tháng 7/2021 vì cần chờ hoàn thiện hơn các cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên khi trình bày tiếp thu về nội dung này thì Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định đã cơ bản chuẩn bị mọi điều kiện để có thể bắt đầu ngay từ tháng 7/2021.

Trong đó Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết Luật Cư trú (sửa đổi) lần này được ban hành trên tiêu chí không gây cản trở, khó khăn cho người dân: “Bảo đảm yêu cầu không cản trở quyền cư trú của công dân Việt Nam, dù ở đâu người dân cũng phải có cơ sở pháp lý, việc đăng ký và chuyển đổi không được làm phiền hà và khó khăn cho người dân”.

Sáng nay 22/10, Quốc hội sẽ nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.