Tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông

(VOH) - Mỗi ngày, Việt Nam có 25 người chết vì tai nạn giao thông. Trong 10 tháng đầu năm 2014, toàn quốc đã xảy ra gần 21.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 7.500 người, bị thương gần 20.000 người.

Hưởng ứng chương trình “Thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ giai đoạn 2011-2020” tại Việt Nam theo tinh thần nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc, vừa qua, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo VN tổ chức “Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2014”. Đại lễ cầu siêu nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội, thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tưởng nhớ người đã mất, cầu siêu cho những linh hồn không may xấu số bị tai nạn giao thông, chia sẻ những đau thương, mất mát với người thân của họ, đồng thời kêu gọi mọi người dân VN nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT).

Nhân Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2014, phóng viên Đài phỏng vấn ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Ảnh: Dân Việt

* Thưa ông, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn giao thông như: xử lý xe quá tải trọng, kiểm soát nồng độ cồn, xử lý mũ bảo hiểm dỏm... Những nỗ lực này có đạt được mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra trong việc đảm bảo trật tự ATGT?

- Ông Khuất Việt Hùng: Trên thế giới, bình quân mỗi năm có 1,2 triệu người tử vong và 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông. Ở VN, mặc dù nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, thực hiện chỉ thị 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, và toàn dân vào cuộc làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong 10 tháng đầu năm 2014, toàn quốc đã xảy ra 20.801 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.475 người, bị thương 19.973 người. So với cùng kỳ, tất cả tiêu chí về số vụ giảm được 14,4%; số người bị thương giảm 18,1% và số người chết giảm được 337 người đạt 4,31%. Đây là kết quả thể hiện sự vào cuộc của chúng ta với rất nhiều giải pháp quyết liệt đã có hiệu quả. Thế nhưng, mỗi ngày qua đi, vẫn còn 25 người tử vong vì tai nạn giao thông và gần 70 người bị thương vì tai nạn. Có thể nói, những thiệt hại này rất lớn. Và trong rất nhiều cái chết, thì những cái chết vì tai nạn giao thông theo tâm linh và giáo lý nhà Phật là cái chết mà làm cho linh hồn của những người đã chết bối rối nhất. Chúng ta cần có lời an ủi đến những linh hồn ấy.

* Đại lễ cầu siêu cho những nạn nhân tử vong năm 2014 đã được tổ chức trên cả nước và vừa qua, Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật Giáo VN cũng đã tổ chức Đại lễ tại TP.HCM. Như vậy, việc tổ chức Đại lễ này có ý nghĩa như thế nào?

- Ông Khuất Việt Hùng: Đại lễ cầu siêu năm nay là năm thứ 3, đã tổ chức vào ngày 9/11 vừa qua tại TP.HCM để gởi lời thỉnh nguyện, cầu sự bình an cho những người không may và qua đời vì tai nạn giao thông. Đồng thời, cầu sự an lạc trong tâm hồn của những người thân của họ và gởi thông điệp về sự bình yên cho toàn thể người dân – một lời cầu chúc cho toàn thể đồng bào tham gia giao thông là an toàn, thuận lợi.

Năm 2012, Đại lễ cầu siêu được tổ chức tại Học Viện Phật giáo Hà Nội. Năm 2013, chúng tôi tổ chức ở Chùa Bái Đính, Ninh Bình, và năm nay - 2014, thực hiện chương trình phối hợp giữa Trung ương Giáo hội Phật giáo VN và Ủy Ban ATGT Quốc gia,  Trung ương Giáo hội Phật giáo VN chủ trì để tổ chức tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm, TP.HCM. Năm nay, chúng ta đã đón khoảng 3.000 – 5.000 người và nhiều hơn nữa các tăng ni, Phật tử, đồng bào và người thân của những người đã tử nạn vì tai nạn giao thông đến dự Đại lễ cầu siêu này.

* Tại sao chúng ta lại chọn TP.HCM làm điểm tổ chức Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2014?

- Ông Khuất Việt Hùng: Đây là theo ý nguyện, ý chỉ của Trung ương Giáo hội Phật Giáo VN. Hai năm trước, chúng ta đã tổ chức ở phía Bắc, năm nay chúng ta nên tổ chức ở phía Nam. Và tôi cũng đồng ý rằng: TP.HCM nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung là khu vực phát triển, kinh tế xã hội sôi động nhất cả nước. Nhưng cũng là nơi mà tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp nhất cả nước và cũng nhiều nạn nhân đã tử vong trong khu vực này. Do đó, bên cạnh cầu nguyện cho tất cả nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông trong cả nước, thì cũng là lời cầu chúc dành riêng cho những nạn nhân không may qua đời trên địa bàn TP.HCM cũng như trong khu vực này, và gởi lời động viên đến gia đình họ.

* Cảm ơn ông.