Tiếp tục lấy ý kiến về điều chỉnh tuổi hưu và lương hưu

(VOH) - Sáng nay (29/7), Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến người lao động và người sử dụng lao động về dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Những vấn đề đặc biệt được quan tâm trong dự thảo là quy định về kéo dài tuổi nghỉ hưu, đồng thời giảm mức hưởng trợ cấp hưu trí của người lao động.
Từ 2016 số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức lương tháng bình quân, thay vì 75% như hiện nay. (ảnh minh họa: TNO)

Tại hội nghị một số đại biểu cho rằng mục đích của BHXH là phục vụ lợi ích người lao động thế nhưng các quy định này lại là bước thụt lùi khi tuổi lao động tăng thêm mà mức trợ cấp lại giảm. Theo dự thảo, từ 2016 số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức lương tháng bình quân, thay vì 75% như hiện nay. Quy định này, dự kiến được áp dụng cho người nghỉ hưu vào năm 2016 và tăng dần theo từng năm.

Lý giải việc tăng tuổi nghỉ hưu, bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ BHXH - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, tăng tuổi lao động để hưởng lương hưu chỉ là giải pháp nhằm đảm bảo cân đối Quỹ BHXH bên cạnh các giải pháp khác như: thay đổi công thức tính lương hưu; điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít...

“Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, kéo dài thời gian làm việc là giải pháp đảm bảo khả năng chi trả của quỹ trong dài hạn trước áp lực già hóa dân số và tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng cao. Nếu đàn ông sống sau tuổi 60, họ có thể sống thêm 11 đến 18 năm, còn với nữ sau tuổi 55 họ sống thêm 24,5 năm nữa, có nghĩa là thời gian chi trả lương hưu sẽ rất dài. Đấy là một áp lực cho quỹ an sinh xã hội của VN. Dự thảo lần này đưa ra có lộ trình, có định hướng. Tức là năm 2016, bắt đầu thực hiện tăng tuổi hưu đối với cán bộ công chức, viên chức Nhà nước, mỗi năm tăng 4 tháng cho đến khi nam 62 và nữ 60. Bước tiếp theo là năm 2020 sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu với nhóm lao động khác, cũng mỗi năm 4 tháng cho đến khi nam 62 và nữ 60".