Tìm lại những căn hầm vũ khí năm Mậu Thân 68

(VOH) - Cách đây 45 năm, tiếng súng mở màn chiến dịch Mậu Thân 1968 nổ ra ngay trong đêm mùng 1 Tết Nguyên đán đã gây nên sự kinh ngạc lẫn lúng túng cho kẻ thù. Để chuẩn bị cho chiến dịch này, hàng tấn vũ khí đã được bí mật vận chuyển từ vùng căn cứ về cất giấu tại những hầm bí mật ở nội thành Sài Gòn. Trước sự canh phòng cẩn mật của kẻ thù, những chuyến vũ khí vào thành trót lọt phải kể đến sự góp công rất lớn của quần chúng, người dân lao động ở nội thành Sài Gòn.

Một buổi chiều trong căn nhà ở quận 1, bà Đặng Thị Thiệp, vợ của ông Nguyễn Văn Lai (tức chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Mai Hồng Quế) kể: Đầu năm 1966, trong khi cả gia đình ở bên quận Gò Vấp thì chồng bà đi tìm mua thêm nhà theo chỉ thị cấp trên giao. Sau khi xem xét nhiều nơi, ông chọn mua căn nhà nằm trong hẻm ve chai ở số 287/70 Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 10 quận 3). Mua nhà xong ông bắt đầu bí mật đào hầm.


Ông Nguyễn Quang Vinh, cựu chiến binh - quản lý Di tích căn hầm tại số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu - Ảnh: MT.

Khi ấy, bà bận nuôi con nhỏ, thỉnh thoảng sang phụ ông dọn dẹp và trông coi nhà cửa. Theo trí nhớ của bà, đến cuối năm 67 thì căn hầm bắt đầu tiếp nhận vũ khí. Thời điểm năm đó, nếu địch phát hiện ra 1 khẩu súng của Cách mạng là chủ nhà đã bị xử bắn, thế nhưng ông Nguyễn Văn Lai đã bí mật tiếp nhận và chuyển hơn 2 tấn vũ khí về cất giấu an toàn tại căn nhà mới này.

Khi ôn lại chuyện xưa, bà Đặng Thị Thiệp không sao quên được những lời dặn dò như trăn trối của chồng mỗi khi ông chuẩn bị lên đường. Ông nhắn nhủ bà ráng lo liệu nuôi con nếu lần này chẳng may ông bị bắt. Trái tim người vợ trẻ khi ấy luôn phập phồng lo cho sự bình an của chồng trước mỗi chuyến đi, nhưng cứ mối chuyến vũ khí về thành công bà lại vui mừng khôn xiết và phấn khởi cùng ông đem xuống hầm cất giấu. Bà Đặng Thị Thiệp bồi hồi nhớ lại:

Nay căn nhà có hầm vũ khí bí mật năm xưa đã trở thành Di tích quốc gia, nằm khiêm tốn tại trong con hẻm xuyên qua giữa 2 con đường Nguyễn Đình Chiểu và Võ Văn Tần. Đến thăm căn hầm bí mật này vào một buổi chiều, ký ức của ngày xưa và cảm xúc của hôm nay như hòa làm một trong lòng chúng tôi. Người mở cửa cho chúng tôi tham quan căn hầm là ông Nguyễn Quang Vinh - người Cựu chiến binh tự nguyện trông coi Di tích này. Lật tấm gạch giữa nhà lên là miệng căn hầm hiện ra. Trước mắt chúng tôi, các loại lựu đạn, súng AK , B40, B41… vẫn còn được trưng bày như nguyên hiện trạng tại đây. Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết căn hầm rộng 2m, dài 12m, sâu 2,5m này từng là nơi tập kết của 19 đồng chí biệt động Đội 5 trước giờ tiến công vào Dinh Độc Lập trong đêm mùng 1 Tết Mậu Thân. Nói về căn hầm, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết thêm:

Ngoài căn hầm này, trong chiến dịch Mậu Thân còn có nhiều cứ điểm chứa vũ khí ở nội thành. Điển hình như hầm bí mật tại nhà của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tấn Quốc xưa ở tại địa chỉ 436/58 đường Hoàng Đạo (nay là đường Trần Văn Đang, phường 11, quận 3). Đáng tiếc là ngôi nhà nay đã trao tay qua nhiều đời chủ, không còn dấu tích của hầm vũ khí ngày xưa. Chiến sĩ biệt động Nguyễn Tấn Quốc là một trong những người lái xe tiến thẳng vào Dinh Độc Lập và hy sinh ngay trong đêm khởi đánh Tết Mậu Thân. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Hảo - người cùng ông chuyển vũ khí về nhà cất giấu nay cũng không còn. Một buổi tối đến quận Tân Phú, chúng tôi tìm gặp được người con là bà Lê Thị Liên. Bà Liên kể: khi chuẩn bị đánh Mậu Thân thì bà mới hơn 10 tuổi. Khi ấy trong nhà có căn hầm chứa vũ khí nhưng vì tính bí mật nên cha mẹ cũng giấu kín không cho hay. Mãi đến sau ngày đất nước thống nhất bà mới biết sự hiện diện của căn hầm trong nhà mình, và bà hiểu ra: chính những chuyến xe rau muống “ế” của mẹ năm xưa lại là những lần vũ khí được đem về cất giấu. Bà Lê Thị Liên nhớ kể:

Chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, đơn vị bảo đảm thuộc Quân khu Sài Gòn - Gia Định đã bằng nhiều cách đã chuyên chở rất nhiều vũ khí về đánh các mục tiêu. Để vũ khí vào được nội thành, Biệt động thành được sự giúp sức rất nhiệt tình của những quần chúng như gia đình ông Dương Văn Ten, Dương Văn Đay ở Củ Chi. Các ông nay đều đã không còn nhưng trong hành trình đi tìm lại nhân chứng ngày xưa, tôi may mắn tìm gặp được bà Dương Thị Phiên là con của ông Dương Văn Ten. Ở tuổi ngoài 70, bà vẫn nhớ như in những chuyến vũ khí ba của bà chở bằng xe bò từ xóm Suối Sâu, Tây Ninh về. Tất cả đều được ngụy trang rất cẩn mật trong những bộ ván rỗng ruột, những sọt rau, củ quả được che giấu cẩn thận. Khi đến Củ Chi thì ba của bà giao cho một số người, trong số đó có ông Nguyễn Văn Ba (tức Ba Bảo), rồi chuyển vào nội thành cất giấu tại nhiều nơi. Một trong những điểm đó là căn hầm bí mật của nhà ông Nguyễn Văn Lai. Bà Dương Thị Phiên nhớ lại:

45 năm đã trôi qua, khoảng thời gian có thể làm phai mờ dấu tích của những nhân chứng, hiện vật trong cuộc tổng tấn công nỗi dậy Mậu Thân 68, nhưng sự hy sinh quả cảm của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn, tấm lòng son sắt thủy chung của những người dân Sài Gòn hết mình vì cách mạng sẽ mãi không bao giờ phai mờ với lịch sử oai hùng của một dân tộc - đã dám đứng lên đấu tranh với kẻ thù và giành được độc lập tự do cho tổ quốc mình.