Tìm lối ra cho doanh nghiệp

(VOH) - Mặc dù chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm là đúng...nhưng các doanh nghiệp di dời đi đâu là câu hỏi lớn đối với thành phố.

Lò hơi đốt bằng vỏ hạt điều của một cơ sở trong khu dân cư ở quận 12, TP HCM. Ảnh: NLĐ

Hiện nay, doanh nghiệp không có đất để di dời, thiếu chính sách hỗ trợ, thiếu vốn để đầu tư cơ sở mới… đang là những khó khăn khiến các cơ sở sản xuất nằm xen cài trong khu dân cư không thể di dời. Điều này đồng nghĩa với việc các điểm sản xuất này sẽ tiếp tục gây ô nhiễm môi trường cho khu dân cư.

Hưởng ứng di dời nhưng chẳng biết đi đâu

Một đại biểu Hội đồng Nhân dân TP cho rằng, trước đây chúng ta đã tiến hành di dời các doanh nghiệp từ nội thành ra ngoại thành. Bây giờ, doanh nghiệp ngoại thành cũng ô nhiễm thì di dời đi đâu, chẳng lẽ di chuyển sang các tỉnh, mà chuyển sang các tỉnh chắc gì họ nhận. Chính vì vậy, khi chúng ta nói di dời thì phải tính toán khu vực nào để doanh nghiệp họ đến.

Ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân TPHCM, nhấn mạnh thêm, có một thực tế khác là cơ sở sản xuất không thể vào những khu công nghiệp do cơ quan chức năng đề xuất vì không phù hợp với tính chất ngành nghề. Do đó, không ngoại trừ họ lại tiếp tục tự tìm khu vực khác không theo gợi ý của các cơ quan chức năng. Do vậy, cơ quan chức năng cần tính mức độ phù hợp địa điểm đến của cơ sở sản xuất. Quan trọng hơn là cần phải xem xét tới tính bền vững của quy hoạch địa điểm khi di dời các doanh nghiệp. 

Khảo sát thực tế của Ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng Nhân dân TP vừa qua cho thấy, có những cơ sở, trang thiết bị sản xuất đã quá cũ. Nếu phải di dời thì không thể tái sử dụng được, mà phải bỏ và đầu tư lại dây chuyền sản xuất mới. Do vậy, cơ quan chức năng cần tính đến giải pháp hỗ trợ để họ được di dời.

Nằm trong danh sách phải di dời theo chủ trương của thành phố, nhiều doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm đã chấp thuận và đồng tình. Công ty dệt nhuộm Minh Đạt đã di dời từ quận 11 ra Bình Tân và đã khắc phục ô nhiễm tại chỗ bằng cách đầu tư hệ thống xử lý nước thải 100m3/ ngày với tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ đồng. Vấn đề là không phải doanh nghiệp nào cũng có tiềm lực tài chính như công ty Minh Đạt.

Chủ một cơ sở sản xuất ở quận 12 cho biết, công ty cũng chấp thuận chủ trương di dời của thành phố, song cái khó nhất của công ty lúc này là chưa tìm được địa điểm. Bên cạnh đó, công ty cũng thiếu vốn để đầu tư cơ sở mới, trong khi nếu chuyển đi thì toàn bộ cơ sở vật chất phải bỏ, cộng với tiền thuê đất mở công ty cũng bị lãng phí, chưa kể là phải tuyển lại lao động, tìm lại khách hàng.

"Khó khăn nhất là nguồn vốn di dời và các khu công nghiệp cũng chưa rõ ràng trong việc nhận chúng tôi", Chủ một cơ sở sản xuất ở quận 12 cho biết.

Chính vì vậy, mặc dù hưởng ứng, nhưng việc di dời vẫn đang giậm chân tại chỗ. Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Gia Thái Bình cũng cho rằng, xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm là rất cấp thiết, để giải quyết hiệu quả, nhất thiết thành phố có chính sách hỗ trợ vốn vay và lãi suất cho vay, tạo điều kiện để các cơ sở ô nhiễm trang bị hệ thống xử lý chất thải, đầu tư thay đổi máy móc nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. "Thành phố cần hỗ trợ về vốn và lãi xuất đối với các doanh nghiệp có thiện chí đầu tư các biện pháp xử lý hạn chế ô nhiễm môi trường vì các cơ sở nhỏ lẻ thiếu nguồn vốn đầu tư thay đổi công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm", ông Bình kiến nghị.

Di dời theo lộ trình, bắt đầu từ năm 2017

Theo ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP, qua khảo sát thực tế mới thấy được những khó khăn, bức xúc của các doanh nghiệp. Mặc dù chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm là đúng, nhưng thành phố cần xem lại kế hoạch, điều kiện, chính sách di dời đã hợp lý hay chưa? Các doanh nghiệp di dời đi đâu là câu hỏi lớn đối với thành phố. Điều quan trọng là phải xác định được những ngành nghề nào cần để tiếp tục đầu tư phát triển. Còn những ngành nghề nào không phù hợp thì nên khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi. Thực tế phương án di dời chỉ là giải quyết phần ngọn, hay nói cách khác là mang ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác mà chưa xử lý được tận gốc của việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ông Đông nêu ý kiến: "Chuyển động việc này còn nhiều khó khăn, khó khăn chứ không phải không muốn làm. Công việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm, gây cháy nổ cao là dời đi đâu. Địa bàn nào cũng di dời rồi cuối cùng không biết dời đi đâu. Việc này phải được quân tâm".

Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP, hiện Sở đã thống nhất với Ban quản lý Khu chế xuất, khu công nghiệp xác định 4 điểm đến cho các đơn vị. Lộ trình di dời được chia thành 3 giai đoạn và sẽ bắt đầu từ năm 2017. Theo đó, những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng sẽ di dời trước. Kế đến là những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm không nghiêm trọng và cuối cùng là những cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch. Sở đang kiến nghị quận huyện sớm xác định lại quy hoạch khu dân cư. Nếu phần đất của các đơn vị thí điểm phải di dời trong đợt này nằm trong quy hoạch khu vực công cộng như công viên, trường học, bệnh viện… thì cũng cần phải có chính sách bồi thường hợp lý để tạo nguồn vốn cho các đơn vị đẩy nhanh tiến độ di dời.

Có thể nói đây là chủ trương phù hợp với thực tế phát triển TPHCM. Để thực thi một cách hiệu quả ngoài sự chủ động, ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp thì rất cần sự hỗ trợ từ nhà nước, nhất là trong vấn đề vốn và địa điểm chuyển dời./.