Tin giả làm hại doanh nghiệp

(VOH) - Mạng xã hội càng phát triển mạnh, những thông tin thất thiệt, xấu độc càng có thêm không gian để phát triển và gây hệ lụy ngày càng lớn.

Tình trạng những kẻ bất lương “đánh” vào các ngành nông nghiệp, thực phẩm, gây sợ hãi cho người tiêu dùng qua báo chí đã khởi phát từ 15 năm trước, với cách thức bị gọi là “truyền thông bất lương” và thành “mốt” sau này với sự phát triển của mạng xã hội.

Sữa là sản phẩm thường xuyên bị tấn công bởi tin giả, tin đồn thất thiệt.

Gần đây và gây thiệt hại không thể đo đếm, đoán lường là tin thất thiệt trên mạng xã hội Facebook. Cụ thể, một tài khoản Facebook cá nhân đã đăng tải một số hình ảnh được cho là danh sách nhập khẩu nguyên liệu của Công ty Vinamilk, phần lớn trong số này là bột sữa gầy, dẫn tới những chia sẻ, bình luận tiêu cực về chất lượng sản phẩm.

Để tránh gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm sữa Vinamilk, ngày 30/11/2019, Giám đốc điều hành Vinamilk Phan Minh Tiên đã có thông cáo minh bạch về nguồn nguyên liệu sản xuất sữa của doanh nghiệp.

Theo đó, để sản xuất các sản phẩm sữa bột (trẻ em và người lớn) và bột dinh dưỡng, ngoài việc sử dụng các nguyên liệu trong nước, Vinamilk đồng thời thực hiện việc nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Đối với các sản phẩm sữa bột, nguyên liệu sữa được nhập khẩu để sản xuất sữa bột đều có xuất xứ/nguồn gốc 100% từ các nước Mỹ, Úc, New Zealand, EU và Nhật Bản.

Để phục vụ sản xuất các sản phẩm sữa tươi, Vinamilk đã và đang đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu. Công ty đang sở hữu 12 trang trại bò sữa, hợp tác và ký hợp đồng trực tiếp với gần 6.000 hộ chăn nuôi bò sữa, quản lý gần 130.000 con bò với sản lượng sữa tươi nguyên liệu từ 950 tấn – 1.000 tấn/ngày. Tất cả các sản phẩm sữa tươi Vinamilk đều được sản xuất từ 100% sữa tươi nguyên liệu, đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa tươi nguyên liệu do Bộ trưởng NN&PTNT ban hành…

Thế rồi, dù đã có những giải thích, minh bạch thông tin kịp thời, nhưng những tin đồn chưa được kiểm chứng trên cũng đã kịp đẩy giá cổ phiếu Vinamilk giảm sâu. Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/12, vốn hoá Vinamilk đã bị “thổi bay” hơn 5.572 tỷ đồng - một con số đủ khiến không chỉ cho cổ đông, mà còn khiến hàng vạn công nhân, nông dân hoảng loạn.

Mạng xã hội càng phát triển mạnh, những thông tin thất thiệt, xấu độc càng có thêm không gian để phát triển và gây hệ lụy ngày càng lớn.

Đôi khi, khủng hoảng chỉ xuất phát từ một giả thuyết mơ hồ, một dòng tin giả hoặc số liệu thiếu căn cứ nào đó, được “rửa” qua một dòng trạng thái (status) của một KOL (Key Opinion Leader - những người có sức ảnh hưởng trên mạng) trên mạng xã hội Facebook. Gần như 100% những thông tin tiêu cực dạng này đều núp dưới chiêu bài vì cộng đồng, vì xã hội… nhưng không loại trừ, đứng phía sau chính là những đối thủ kinh doanh muốn loại trừ nhau đã chơi trò cạnh tranh “bẩn”, “ném đá giấu tay” để hạ bệ nhau. Đã có những trường hợp tự rêu rao là “vì cộng đồng” sau đó bị “bóc phốt”, lộ rõ bộ mặt “đánh đấm” nhưng không nhiều. Phần lớn các trường hợp rất khó chứng minh mối liên hệ giữa “bóng tối” và “ánh sáng”.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã ban hành những đạo luật ngăn chặn vấn nạn này. Mức phạt tin giả của Pháp và Nga lần lượt lên đến hàng chục nghìn Euro và 1,5 triệu Rubble, tương đương gần 23.000 USD (hơn 500 triệu đồng). Nước gần đây nhất trong khu vực ASEAN có quy định xử lý an ninh mạng là Singapore, với chế tài rất nghiêm: Mức phạt với hành vi vi phạm có thể lên tới hàng chục triệu USD; đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự.

Còn tại Việt Nam? “Việt Nam đã có hành lang pháp lý cho hành vi phát tán tin giả, được quy định trong luật An ninh mạng và Bộ Luật Hình sự. Cụ thể, hành vi phát tán tin tức giả sẽ bị phạt hành chính nặng nhẹ tùy theo mức độ. Trong trường hợp có dấu hiệu cấu thành tội phạm, người tung tin có thể bị truy cứu hình sự và phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội vu khống”, PGS.TS, Đại tá Đỗ Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết.

Như vậy, có thể thấy, mặc dù đã có khung pháp lý nhằm răn đe các hành vi liên quan đến tin giả, nhưng thực tế xử lý tại Việt Nam đều mang tính “giơ cao đánh khẽ”, phạt xong “đâu lại vào đó”.

Người Việt Nam có câu “được vạ thì má đã sưng”. Nếu chúng ta không nhanh chóng có những giải pháp mang tính pháp lý mạnh mẽ với vấn nạn tin giả thì sẽ còn rất nhiều những thảm kịch gây nên bởi thông tin thất thiệt, sẽ còn rất nhiều những doanh nghiệp sẽ phải trong cảnh điêu đứng như Vinamilk…

Cần nhìn lại một thực tế rằng: Rất nhiều trong số những kẻ tạo tin giả, tung tin thất thiệt không phải đơn thuần là để câu view, like, share, mà đó là dấu hiệu của một dạng tội phạm cực kỳ nguy hiểm trong thời đại số không dễ đoán, không dễ lường. Thế nên, những biện pháp mạnh với những chế tài nghiêm minh, xử lý những kẻ tung tin giả, sẽ là phần việc bức thiết nhất lúc này.

Luật An ninh mạng đã có hiệu lực; chế tài xử lý đối tượng tung thông tin xấu, độc đã rõ. Quản lý nhà nước về lĩnh vực này gần đây đã được nâng cao hiệu quả, hiệu lực; nhiều đối tượng vi phạm đã bị xử lý. Nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tin giả, tin độc trên mạng là vấn đề toàn cầu. Tất cả các nước đều phải tìm cách giải quyết. Nước mới nhất trong khu vực ASEAN có quy định xử lý an ninh mạng là Singapore, với chế tài rất nghiêm: Mức phạt với hành vi vi phạm có thể lên tới hàng chục triệu USD; đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam cũng đang nghiên cứu, xây dựng những chế tài nghiêm khắc như vậy để ngăn chặn hành vi phát tán “rác” trên mạng.

Dù sao, chế tài cũng chỉ là một mặt của vấn đề, để hoạt động trên mạng xã hội lành mạnh, giảm tác động xấu thì giáo dục là giải pháp căn cơ. Mỗi người dân cần được “trang bị” khả năng phân biệt thông tin sai, thông tin giả, có khả năng đấu tranh, phản biện với những thứ “rác” đó. Đương nhiên, “bộ lọc” của mỗi người mỗi khác nên sự giám sát, vào cuộc của cơ quan chức năng và quan trọng hơn là sự minh bạch, kịp thời của thông tin là rất quan trọng. Với những vụ việc như của Vinamilk, rất cần cơ quan chức năng làm rõ động cơ, mục đích của những người tung thông tin suy diễn, sai sự thật; xử lý nghiêm minh nếu có vi phạm để làm gương.

Cùng với đó, hơn ai hết, chính những doanh nghiệp, tập thể, cá nhân bị xâm hại về an ninh, an toàn thông tin phải quyết liệt hơn trong việc bảo vệ bản thân. Thực tế, vẫn hiếm có những trường hợp sẵn sàng đấu tranh tới cùng với những đối tượng tung tin giả, tin độc mà phần lớn vẫn chờ đợi cơ quan Nhà nước. Xin nhắc lại, đây là vấn đề hóc búa mang tính toàn cầu và nếu cứ chờ đợi thì chắc chắn những vụ việc “bốc hơi” nghìn tỷ sẽ còn tái diễn.

Sửa luật báo chí: khai thác thông tin sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử lý

Luật Báo chí cần tăng thêm các chế tài xử lý đối với những vi phạm trong hoạt động báo chí như: khai thác thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, không kiểm chứng trước khi đăng tải…

Ngày 4-12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Báo chí (năm 2016). Ông Lưu Đình Phúc- Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT) cho biết, sau 3 năm thi hành, Luật báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển; quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm, phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật định.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động báo chí cũng đang phát sinh những vi phạm mới, Luật Báo chí cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước.

Theo ông Vũ Văn Tiến- Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hiện nay, tình trạng văn phòng đại diện, phóng viên thường trú gây bức xúc cho địa phương, doanh nghiệp diễn ra khá thường xuyên. Nguyên nhân xuất phát từ việc cơ quan báo chí buông lỏng quản lý đối với phóng viên, cộng tác viên. Một số cơ quan báo chí lại khoán doanh thu quảng cáo nên xảy ra tình trạng nhiễu doanh nghiệp, gây sức ép ký hợp đồng quảng cáo.

Do đó, ông Vũ Văn Tiến đề nghị: “Các cơ quan quản lý báo chí, tòa soạn báo cần cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên để các đơn vị, địa phương có cơ sở đối chiếu, nhằm ngăn chặn việc mạo danh, lợi dụng danh nghĩa phóng viên, cơ quan báo chí để sách nhiễu doanh nghiệp, địa phương.

Đồng thời, nên thu hồi thẻ nhà báo còn hạn sử dụng đối với những trường hợp đã nghỉ hưu để ngăn chặn tình trạng lạm dụng thẻ”.

Ông Nguyễn Đình Chúc- Phó Tổng biên tập Báo Lao động kiến nghị, nên có chế tài xử phạt phù hợp đối với người phát ngôn chậm cung cấp thông tin cho báo chí. “Nhiều cơ quan hành chính Nhà nước cử người phát ngôn mang tính đối phó. Phóng viên liên lạc với người phát ngôn rất khó, bị né tránh bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, với một số vấn đề, sự kiện thời sự, người phát ngôn vẫn đòi hỏi phóng viên phải gửi công văn, câu hỏi bằng văn bản, khi sự kiện đã “nguội” mới trả lời”- đại diện Báo Lao động nêu.

Ảnh hưởng của mạng xã hội đến cộng đồng cũng khiến hoạt động báo chí nảy sinh nhiều vi phạm. Chẳng hạn như tình trạng khai thác thông tin sai sự thật trên mạng, đăng tin theo mạng xã hội mà không kiểm chứng hoặc thông tin báo chí chính thống bị cắt gọt khi đưa lên mạng xã hội, gây bức xúc trong dư luận… cần được xử lý nghiêm khắc, kịp thời.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá, việc thực thi Luật Báo chí 2016 về cơ bản được triển khai tích cực. Tuy vậy, có một số trường hợp khi thực thi luật nhưng không hiểu hoặc không nắm rõ luật nên trong khi ứng xử với báo chí không chuẩn, thậm chí cứ nghe đến báo chí là né, là thoả hiệp.

“Bởi vậy, từng cơ quan, đối tượng liên quan của Luật Báo chí từ cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, địa phương cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng Luật Báo chí để kịp thời xử lý những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn.

Hướng sửa Luật Báo chí tới đây sẽ đưa ra Tòa án để phân xử. Các địa phương cần khuyến khích các tổ chức kiện ra toà nếu thông tin sai sự thật, bước đầu đã có doanh nghiệp kiện cơ quan báo chí…” - Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo nói.