Tình người trong cơn bão

(VOH) - Nhiều giọt nước mắt đã rơi xuống vì cơn bão đã qua nhưng tình người thì vẫn luôn ở lại.

Cơn bão số 9 hoành hành trong những ngày vừa qua tại các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại không nhỏ, nhất là tại tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam, hàng loạt những ngôi nhà và trường bị tốc mái, nhiều căn sập hoàn toàn. Ngay sau khi gió vừa lặng, êkíp thực hiện chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt – Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM đã lập tức lên đường mang theo gần 400 triệu đồng tiền mặt kịp thời ủng hộ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn mua tôn về sửa chữa nhà và ổn định cuộc sống gia đình. Nhiều giọt nước mắt đã rơi xuống vì cơn bão đã qua nhưng tình người thì vẫn luôn ở lại.

Tình người trong cơn bão
Nhiều người dân bị thiệt hại về nhà cửa đã bật khóc khi nhận sự hỗ trợ từ chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt - VOH.

Có lẽ không bao giờ cô Nguyễn Thị Bằng, ngụ tại xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ có thể quên được cơn bão khủng khiếp ấy khi cuốn phăng toàn bộ mái tôn của căn nhà 3 gian mà cả một đời gia đình cô chắt chiu dành dụm để xây dựng. Mỗi ngày cô Bằng đi bán rau để mưu sinh, 10 - 11h đêm khi đã cơm nước và chuẩn bị nơi nghỉ cho ông xã bị bệnh tim và ba chồng bị ung thư trực tràng, cô Bằng lại đội chiếc đèn pin lên đầu để cắt rau sáng sớm mai đem lên chợ bán, những mớ rau răm, rau mồng tơi, rau dền đủ loại thấm đẫm sự tảo tần của người phụ nữ miền Trung. Mỗi ngày qua đi cô vẫn nhẫn nại trong vai trò người vợ, người con dâu với gia đình, và khi cơn bão qua đi cuốn phăng mái tôn ấy, cô đã khóc lớn vì quá tuyệt vọng, cố mót trong đống đổ nát và được vài bộ quần áo cô không biết những ngày tháng sắp tới của mình sẽ ra sao?

"Cơn bão hôm đó cô cũng không biết, buổi chiều cô thấy im im dẫn ông già và ông xã đi các nhà khác để tránh để ngụ đỡ, cứ kêu chắc im là vậy thôi. Rồi ai ngờ gần sáng lại nổi gió lên, nó tốc, rồi kéo ông già ra đứng vịn cây cột đây. Bão tới rầm rầm. Rồi bây giờ cô về, không còn một cái gì khác. Chắc bây giờ che miếng tôn để ở chứ không có tiền để làm gì nữa", cô Bằng nói trong tuyệt vọng.

Tình người trong cơn bão
Đại diện êkíp Sát cánh cùng gia đình Việt trao tiền ủng hộ cho đồng bào miền Trung.

Ở khu vực ven biển thuộc xã Phổ Thạnh, những cơn gió rít liên hồi trong đêm báo hiệu những tin dữ về, ông Nguyễn Ngọc Quý, xóm 7, thôn Thạch Yên 1 cảm thấy lạnh rồi dời xuống khu vực bếp để nằm. Dù cơ quan chức năng đã vận động cả gia đình lên đồn biên phòng tránh bão, nhưng ông không nỡ để di ảnh của người vợ quá cố ở nhà nên cố gắng nán lại. Khi nghe tiếng động mạnh, ông từ trong nhà đã tông chạy ra ngoài trong màn đêm dày đặc, khi trở về căn nhà vốn dĩ chỉ được xây nên bằng những viên gạch đi nhặt của người ta giờ đã vỡ nát. Ông chỉ biết thu dọn di ảnh của vợ mình và nhìn lên khoảng không hun hút: "Tôi biết thế nào bão cũng vô Quảng Ngãi mình cho nên tôi chở mấy đứa con gởi. Tui cũng tính đi nhưng bàn thờ vợ ở đây thì đi sao được. Tôi nằm tới 5 giờ sáng thì gió thổi. Tôi ăn xong gói mì tôm, nằm chưa đầy 2 phút thì nghe cái rầm, điếng hồn tôi lo tôi chạy. Sáng ra rồi thì nhìn thấy mái nhà của ai, vừa gạch vừa đá luôn ở đâu mang xuống dừng ngay mái nhà của tôi".

Tại các xã Bình Trị, Bình Hải, Bình Châu của huyện Bình Sơn, bão tan, khắp nơi cũng là khung cảnh ngổn ngang, gãy đổ. Chúng tôi đi vào sâu trong những thôn, những xóm mới thấy cả trăm căn nhà đã bị tốc mái hoàn toàn. Những mái nhà bị bão thổi bay nằm lơ lửng bên những hàng cây. Gạch ngói, những mảng bê tông nằm ngổn ngang. Những người phụ nữ ngồi đó thẩn thờ. Chị Võ Thị Xưa ở thôn Phước Hòa như nấc nghẹn kể rằng, bão số 6 mới đây đã khiến ngôi nhà của chị bị hư hại. Để ở, chị đi vay mượn sửa chữa lại căn nhà, còn vài ngày nữa vào ở thì bão số 9 ập đến. Vậy là nợ chưa trả xong mà nhà cũng không còn. Chị thực sự bế tắc: "Cơn bão cũng đã bay rồi, con tui nó kêu má ơi giờ không có chỗ ở để con ráng chạy mượn. Con mua nợ mua thiếu cho má rồi má làm lên má ở. Chưa xong, cột còn đang để thì bây giờ cũng bị tan luôn. Nợ thì bây giờ chồng chất nợ lấy gì mà trả nổi, làm sao có nhà mà ở đây. Biết làm sao, bây giờ kêu trời cũng không được. Giờ khó khăn không biết làm sao có cái nhà mà ra vô".

Ngồi trên đống gạch đổ nát từ căn chính căn nhà của mình, chị Nguyễn Thị Năm ở thôn An Cường, xã Bình Hải nước mắt chảy dài nhìn về phía biển. Bão, gió rồi sóng ập vào khiến khoảng sân, cái nền nhà, bờ kè mới xây để chắn sóng rồi cả những vật dụng trong nhà đều đã bị cuốn trôi. Trong tiếng nấc nghẹn, trong nỗi hoảng sợ vẫn còn bủa vây khi nghe bão đến, chị Năm nói rằng, có còn gì nữa đâu, cả tấm di ảnh của người chồng mất các đây không lâu, giờ chị biết tìm đâu đây: "Cô sợ quá. Bão vô càng ngày càng mạnh, cô tháo chạy. Nếu cô tiếc của cô ở cô giữ thì mẹ con cô chắc bị lôi ra biển. Sóng lớn tưởng tượng như sóng thần. Giờ cô hai bàn tay trắng không còn một cái gì. Bàn thờ của chú cũng lôi đi luôn, lôi đi đâu không biết. Trong hoàn cảnh này giờ cô ở sao đây, không sao chịu nổi hết".

Khúc ruột miền Trung năm nào cũng vậy, luôn phải hứng chịu thiên tai bão lũ và người ta cũng đã dần quen, nhưng khi chúng tôi phỏng vấn, họ bật khóc, bởi sức chịu đựng dường như đã quá giới hạn.

Đau buồn, hoảng hốt nhưng nhờ sự kịp thời hỗ trợ của chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt, từ 2 đến 10 triệu đồng mỗi hộ nhằm khắc phục nhanh căn nhà đang mưa dột, mái hiên vỡ hết gạch ngói thì sau những giọt nước mắt là nụ cười. Nụ cười của niềm tin rằng khi mình hoạn nạn sẽ không ai bỏ mình lại phía sau. Và phía trước vẫn là những tháng ngày tươi sáng, đại diện Sát cánh cùng gia đình Việt cho biết: "Sau khi cơn bão đi qua thì hàng trăm ngôi nhà, hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái và sụp đổ và để lại một cảnh tàn phá hết sức đau xót. Đặc biệt ngay sau khi cơn bão kết thúc, Sát cánh cùng gia đình Việt – Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM kịp thời đến với bà con nhân dân bị thiệt hại nặng, chúng tôi thấy rất hạnh phúc đã có sự động viên kịp thời. Và cùng với các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của chính quyền địa phương cũng như của các nguồn lực xã hội trong và ngoài huyện thì chúng tôi nghĩ rằng từng bước cùng với bà con nhân dân của địa phương sẽ sớm khắc phục những khó khăn ban đầu để mà từng bước vươn lên ổn định lại cuộc sống".

Tổng kinh phí mà chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt hỗ trợ người dân Quảng Ngãi trong đợt này là gần 400 triệu đồng. Những ngày sắp tới chương trình cũng sẽ về Quảng Nam, Phú Yên để chia sẻ cùng bà con mình khắc phục những khó khăn sau bão.