Tổ chức có thể được góp vốn thành lập doanh nghiệp kiểm toán

(VOH) - Theo đánh giá của Chính phủ, sau 19 năm hoạt động, kiểm toán độc lập đã phát triển nhanh về số lượng và quy mô. Đến tháng 6/2010 cả nước đã có 162 doanh nghiệp dịch vụ kế toán, kiểm toán với trên 6.700 người làm việc.

Hầu hết các dịch vụ cung cấp cho khách hàng ngày càng được tín nhiệm. Tuy nhiên, pháp luật về kiểm toán độc lập chưa hoàn chỉnh, năng lực quản lý Nhà nước về kiểm toán độc lập còn hạn chế do thiếu cơ sở pháp lý, quy trình công nghệ quản lý chưa cao. Việc ban hành Luật sẽ tạo ra một khung pháp lý cao nhất về kiểm toán độc lập, tạo điều kiện cho dịch vụ kiểm toán phát triển. Đây cũng là những nội dung trọng tâm được các đại biểu góp ý cho dự thảo Luật Kiểm toán độc lập trong phiên thảo luận tại tổ sáng nay 13/11.

Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập gồm 7 chương với 69 điều, quy định các vấn đề về nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hành nghề kiểm toán độc lập; quyền, nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán và đơn vị được kiểm toán; hoạt động hành nghề kiểm toán độc lập.

Đối với các loại hình doanh nghiệp kiểm toán, dự thảo Luật quy định chỉ được thành lập doanh nghiệp kiểm toán dưới các hình thức công ty TNHH có từ 2 thành viên trở lên; công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Ngô Minh Hồng-Đoàn TPHCM, đóng góp thêm ý kiến:

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết: Hiện nay, một số doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam dưới hình thức công ty TNHH một thành viên. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định liên quan đến các doanh nghiệp này để đảm bảo tính nhất quán trong chính sách pháp luật của Việt Nam về đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam sau khi dự thảo luật này được thông qua và có hiệu lực chỉ được lựa chọn một trong các loại hình doanh nghiệp như quy định tại dự thảo luật. Góp ý thêm cho điều 10 của dự thảo Luật, đại biểu Dao Nhiễu Linh, cho rằng:

Có ý kiến đề nghị không nên cho phép thành viên là tổ chức góp vốn thành lập doanh nghiệp kiểm toán vì doanh nghiệp kiểm toán là doanh nghiệp có tính chất đặc thù không yêu cầu nhiều về vốn và cơ sở vật chất mà chủ yếu là nguồn nhân lực. Mặc khác, việc cho phép các thành viên là tổ chức góp vốn để thành lập doanh nghiệp kiểm toán rất dễ dẫn đến việc các tổ chức này lợi dụng doanh nghiệp kiểm toán do mình thành lập để tiến hành kiểm toán các công ty con hoặc các dự án có liên quan. Nói về trách nhiệm và hình thức chế tài với các công ty kiểm toán độc lập, đại biểu Phùng Hữu Việt-Đoàn Bắc Ninh, kiến nghị:

Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với quy định của dự luật, cho phép tổ chức góp vốn thành lập doanh nghiệp kiểm toán. Vì thị trường dịch vụ kiểm toán của Việt Nam còn non trẻ, trong điều kiện lực lượng kiểm toán viên ở Việt Nam còn chưa nhiều, khả năng thu hút nhà đầu tư là thể nhân tham gia thành lập loại hình doanh nghiệp này là chưa cao. Do đó nếu không cho phép pháp nhân tham gia thành lập doanh nghiệp sẽ hạn chế khả năng phát triển loại hình doanh nghiệp này. Hơn nữa, dự thảo luật đã quy định rõ các trường hợp doanh nghiệp kiểm toán không được thực hiện kiểm toán. Nói về tầm quan trọng của công tác kiểm toán độc lập, đại biểu Trần Du Lịch-Đoàn TPHCM, góp ý kiến:

Trong phiên làm việc tại hội trường chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận và cho ý kiến với dự thảo Luật phòng, chống mua bán người. Ý kiến của nhiều đại biểu nhận xét, Luật này có tính chuyên ngành sâu, tuy nhiên còn nặng việc tuyên truyền, hướng dẫn, chưa rõ các chế tài xử lý, tính chất bắt buộc mọi người phải thực hiện. Luật đưa ra được các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh với việc mua bán người nhưng các quy định này chỉ mang tính chất chung chung, không nêu ra được các chế tài xử lý cụ thể, do đó thiếu tính bắt buộc. Và để đảm bảo khi ban hành Luật sẽ đi vào thực tế cuộc sống, thì cần nêu rõ được các nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc phòng chống mua bán người và đặc biệt là phải đưa ra được các chế tài xử lý.

Liên quan đến xử lý vi phạm, theo dự thảo luật, người nào vi phạm các quy định của luật này thì tùy theo đối tượng, tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, nhiều đại biểu cho rằng quy định này thiếu cụ thể và chưa đầy đủ. Vì, ngoài những hành vi mua bán người, có liên quan đến mua bán người, vi phạm pháp luật về phòng chống mua bán người đến mức bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ Luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự thì còn những vi phạm chưa đến mức xử lý lại chưa được quy định ở văn bản quy phạm pháp luật nào. Vì vậy, nhiều đại biểu đề nghị luật này cần quy định về nguyên tắc xử lý cho từng loại hành vi, mức độ và đối tượng vi phạm./.