![]() |
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại Đối thoại Shangri-La 13 (Ảnh: AFP) |
Sau đây toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng:
Thưa Ngài Chủ tịch, Tiến sỹ John Chipman!
Thưa toàn thể các quí vị!
Thay mặt Đoàn đại biểu quân sự cấp cao BQP Việt Nam, tôi chân thành cám
ơn Chính phủ và BQP Singapore cùng Ban Tổ chức Đối thoại Shangri-La lần
thứ 13 đã dành cho tôi cơ hội tham dự và phát biểu tại phiên họp toàn
thể này!
Thưa các quí vị!
Trước hết, chúng tôi bày tỏ sự đánh giá cao thông điệp về “chính sách
hòa bình tích cực” của Nhật Bản được Thủ tướng Shinzo Abe trình bày tối
hôm qua.
Cũng tại Diễn đàn này năm 2013, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn
Dũng đã chuyển tới cộng đồng quốc tế một thông điệp về “lòng tin chiến
lược”, trong đó đã nhấn mạnh rằng “lòng tin là khởi nguồn của mọi quan
hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan
tính có thể gây ra những nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được nâng niu
vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với
chuẩn mực chung và với thái độ chân thành”.
Sau một năm nhìn lại, chúng ta thấy thế giới và khu vực vẫn còn nhiều
căng thẳng và tiềm ẩn các nguy cơ xung đột, hoặc chiến tranh như chúng
ta đang chứng kiến hàng ngày, hàng giờ qua các phương tiện truyền thông
đại chúng. Chính vì vậy, xây dựng lòng tin vẫn đang là vấn đề cấp thiết
hơn bao giờ hết đối với tình hình thế giới và khu vực hiện nay.
Quản lý căng thẳng chiến lược là vấn đề hệ trọng, liên quan đến hòa
bình, ổn định và phát triển của các nước, khu vực và thế giới, phù hợp
với nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế và lợi ích của các quốc gia,
là chủ đề tôi chia sẻ cùng các bạn.
Thưa các quý vị!
Nhìn chung, tình tình thế giới và khu vực hiện nay, hòa bình, hợp tác và
phát triển là xu thế lớn, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn
nhiều bất trắc khó lường. Những căng thẳng, xung đột tôn giáo, sắc tộc,
ly khai, chiến tranh cục bộ, tranh chấp lãnh thổ, bạo loạn chính trị,
can thiệp, lật đổ, khủng bố diễn ra gay gắt; các yếu tố đe dọa an ninh
phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính -
tiền tệ, điện tử - viễn thông, sinh học, môi trường... còn tiếp tục gia
tăng.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có sự phát triển năng động, tăng trưởng
cao và là tâm điểm thu hút các nhà đầu tư thế giới, tuy nhiên, vẫn tồn
tại những căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền trên
Biển Hoa Đông và Biển Đông... Đây là các nhân tố ảnh hưởng đến hòa bình
và ổn định khu vực.
Nguyên nhân của các vấn đề trên, xuất phát từ mâu thuẫn và xung đột lợi
ích, dẫn đến sự hoài nghi về thiện chí và lòng tin trong quan hệ, hợp
tác, sự cọ sát về lợi ích trong cạnh tranh chiến lược và hành động kiềm
chế lẫn nhau. Bên cạnh đó, những mâu thuẫn, khác biệt về văn hóa, tôn
giáo, sắc tộc, ý thức hệ... vẫn tồn tại, trong khi các bên liên quan vẫn
chưa có được các giải pháp xử lý hữu hiệu.
Nguyện vọng chung của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam,
là luôn mong muốn khu vực duy trì được môi trường hòa bình, ổn định,
cùng hợp tác phát triển và ngăn chặn không để xảy ra xung đột, chiến
tranh.
Tôi cho rằng, để quản lý các nguy cơ có thể dẫn đến xung đột, trước hết
chúng ta cần có một nhận thức chung trong việc đề cao trách nhiệm quốc
tế, mà đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các cường quốc. Các nước
cùng phải có trách nhiệm giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định hợp tác
cùng phát triển, phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp
Quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không dùng vũ
lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp, tăng
cường các mặt hợp tác trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau cùng có
lợi, không phân biệt quốc gia lớn hay quốc gia nhỏ.
Khi có được nhận thức chung, chúng ta sẽ có nền tảng vững chắc để xây
dựng lòng tin. Lòng tin không chỉ được thể hiện bằng lời nói, mà phải
bằng hành động cụ thể, bằng những việc làm thiết thực để thúc đẩy sự
minh bạch, đối thoại bình đẳng, cởi mở, xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp
tác giữa các quốc gia, tôn trọng luật pháp và các chuẩn mực trong quan
hệ quốc tế. Các nước lớn có vai trò trách nhiệm và đóng góp quan trọng
trong việc tạo dựng và củng cố lòng tin chiến lược này.
Trên thực tế, ngay ở trong quốc gia, hay mỗi gia đình cũng còn có những
mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn
tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, hoặc va chạm là điều khó tránh
khỏi. Vấn đề là ở chỗ, lãnh đạo cấp cao của các nước nên hết sức bình
tĩnh, kiềm chế, đặt lợi ích của quốc gia trong lợi ích của khu vực và
quốc tế; lựa chọn giải pháp hòa bình thông qua đàm phán ngoại giao để
giữ gìn quan hệ hữu nghị giữa các nước.
Trong giải quyết bất cứ một mâu thuẫn hay tranh chấp nào, các bên liên
quan cần phải tự kiềm chế, bình tĩnh, nhận rõ bản chất vấn đề thật khách
quan và rất thận trọng đưa ra các quyết định. Chỉ cần một sai lầm nhỏ
cũng có thể làm cho căng thẳng trở thành xung đột. Xử lý căng thẳng
trong quan hệ giữa các nước, vai trò của quân đội hết sức quan trọng,
quân đội phải kiềm chế, kiểm soát và quản lý chặt chẽ mọi hoạt động của
từng người chỉ huy, người chiến sĩ trong chỉ huy, điều khiển vũ khí,
trang bị, phương tiện chiến đấu như tàu chiến, máy bay....
Trong quản lý căng thẳng chiến lược, thì vấn đề truyền thông có vai trò
và trách nhiệm rất quan trọng, đó là đưa tin phải trung thực khách quan,
kịp thời với tinh thần xây dựng vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Truyền
thông nên tạo ra môi trường thuận lợi để góp phần giải quyết mâu thuẫn
và tranh chấp một cách hòa bình, không nên dùng những lời lẽ kích động,
càng không nên kích động hận thù dân tộc, càng không nên làm cho tình
hình căng thẳng thêm, hoặc gây áp lực cho lãnh đạo trong quá trình xem
xét đưa ra quyết định giải quyết các vấn đề tranh chấp.
Để kiểm soát và giảm thiểu các nguy cơ xung đột, chúng ta nên phát huy
có hiệu quả các cơ chế hợp tác cả song phương và đa phương. Những vấn đề
có liên quan đến hai nước thì cần giải quyết song phương, còn vấn đề
liên quan đến nhiều nước, nhiều bên thì giải quyết theo cơ chế đa
phương. Trong quá trình giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, bất đồng cần
phải được công khai, minh bạch trước cộng đồng quốc tế, tránh sự hiểu
lầm, hoặc gây hoài nghi cho dư luận.
Hiện nay, chúng ta đang có những cơ chế hợp tác khu vực như Diễn đàn An
ninh khu vực ASEAN (ARF), Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á-Thái Bình
Dương (CSCAP) Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS); Hội nghị Bộ trưởng Quốc
phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước
ASEAN Mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN (AMF), cũng như Đối thoại
Shangri-La hôm nay, là những khuôn khổ hợp tác quan trọng về xây dựng
lòng tin, thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa và tìm kiếm các biện pháp quản
lý có hiệu quả xung đột.
Thưa các quý vị!
Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên
các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ
quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng
như sự việc ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã đơn phương hạ đặt giàn khoan
nước sâu Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của
Việt Nam, đã gây bức xúc cho nhân dân Việt Nam, gây lo ngại cho các quốc
gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Chúng tôi nhận thức rõ, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là thiêng
liêng. Việt Nam nhất quán chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp
hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp
quốc về Luật biển năm 1982; Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông
(DOC); Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; tiến tới xây dựng Bộ Quy
tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc; và Thỏa thuận
của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt-Trung, giữ gìn hòa bình, ổn định an
ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giữ ổn định chính trị để
tập trung phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân và
giữ gìn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt-Trung,
thông qua con đường đối thoại ở nhiều cấp, nhiều ngành với Trung Quốc để
làm giảm căng thẳng hiện nay.
Với chủ trương trên, Việt Nam rất kiềm chế, không sử dụng máy bay, tàu
tên lửa, tàu pháo... mà chỉ dùng tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển và tàu
cá của ngư dân, phối hợp với lực lượng chấp pháp để bảo vệ chủ quyền,
không chủ động đâm va, không phun vòi rồng vào các tàu của Trung Quốc.
Chúng tôi đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh
tế, thềm lục địa của Việt Nam và cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa
bình ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước. Điều đó có lợi cho hai nước,
cho cả khu vực và thế giới.
Tôi cho rằng, quân đội hai nước phải hết sức kiềm chế, tăng cường hợp
tác với nhau, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động không để có những hành
động ngoài tầm kiểm soát. Quân đội hai nước phải thể hiện vai trò tham
mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước xử lý thỏa đáng vấn đề một cách bình
tĩnh, kiên trì, để không xảy ra xung đột, càng không để xảy ra chiến
tranh.
Việt Nam rất chủ động, tích cực trong hợp tác quốc phòng với các nước
ASEAN như tham gia diễn tập tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ
thảm họa, thiết lập đường dây nóng chia sẻ thông tin giữa các nước
ASEAN. Ngày 8/6/2014 tới đây, Việt Nam và Philippines sẽ tổ chức giao
lưu giữa các lực lượng đóng quân trên các đảo Song Tử Đông và Song Tử
Tây, thuộc quần đảo Trường Sa, để tăng cường hữu nghị và xây dựng lòng
tin cũng như giảm căng thẳng ở khu vực.
Chúng tôi hy vọng vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, các mâu thuẫn,
bất đồng sẽ từng bước được giải quyết, duy trì được sự ổn định và phát
triển ở khu vực, đóng góp chung cho môi trường hòa bình của thế giới.
Cuối cùng, để kết thúc phần trình bày của mình, một lần nữa, tôi muốn
chuyển đến quý vị một thông điệp từ Chính phủ và nhân dân Việt Nam rằng,
với truyền thống hòa hiếu và yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn sẵn sàng
là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc
tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi,
cùng nhau xây dựng một môi trường hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát
triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới./.