Tổng thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra trên cả nước là hơn 3.000 tỷ đồng

(VOH) –Tính đến hết tháng 4/2020, thiên tai làm 11 người chết, mất tích; hơn 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; Hơn 100.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại kinh tế hơn 3.000 tỷ đồng

Tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tất cả các Sở, ban, ngành, cơ quan ở địa phương cần quan tâm ngay hôm nay đối với nhiều vị trí trọng yếu đang đầu tư dở dang; nhanh chóng tìm ra phương thức – công trình và phi công trình để xử lý và khắc phục sạt lở với mục tiêu cuối cùng là đảm bảo cộng đồng được an toàn trước thiên tai. 

Năm 2019, cả nước đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai. Mặc dù thiên tai năm qua có nhiều diễn biến phức tạp, song thiệt hại đã được giảm thiểu, đặc biệt là về người. Tổng thiệt hại về kinh tế trong năm 2019 là trên 7.000 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 4/2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích; trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hại, tốc mái; Trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế hơn 3.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa: TTO

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Vị trí địa lý nước ta nằm trong vùng nhiều thiên tai, nhất là bão, lũ… Đồng thời với địa hình đồi núi dốc lớn, lượng mưa tập trung trong thời gian ngắn, tác động của việc khai thác tài nguyên nước ở thượng nguồn sông Hồng, sông Mê-kông làm thay đổi các quy luật tự nhiên, gia tăng rủi ro thiên tai khu vực hạ nguồn. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: "sự quan tâm của nhiều cấp chính quyền và người dân đối với giai đoạn phòng ngừa và tái thiết chưa cao, chủ yếu tập trung cho ứng phó khi thiên tai xảy ra dẫn đến tình trạng chủ quan, chưa thực hiện hết trách nhiệm trong phòng, chống thiên tai. Năng lực của cơ quan dự báo và cơ quan phòng, chống thiên tai các cấp còn nhiều bất cập, kể cả về trang thiết bị và nguồn lực con người".

Từ đầu năm 2020 đến nay, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tại Bến Tre, xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã có khuyến cáo không sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 (vụ 3) nhưng do người dân xuống giống dẫn đến diện tích bị ảnh hưởng khoảng 5.400 ha; cây ăn trái bị ảnh hưởng gần 12.000 ha; gần 1.900 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng và có gần 87.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre – cho hay: Đợt mặn năm 2019 – 2020, so với năm 2015 – 2016 thì đợt mặn này lên sớm. Mới tháng 11/2019 đã xâm nhập với độ mặn “2 phần ngàn” bao phủ. Từ tháng 11 cho đến nay độ mặn chỉ cao lên thôi chứ không có giảm.

Theo ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam: Trong bối cảnh diễn biến của đại dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp thì việc cần thiết hiện nay là chúng ta phải tăng cường sự phối kết hợp giữa việc phòng, chống thiên tai và ứng phó với dịch Covid-19 nhằm xây dựng những quy trình để có thể sơ tán an toàn cho người dân trong trường hợp phải sơ tán hoặc đáp ứng các nhu cầu về giãn cách xã hội. Ông Eric Sidgwick cho biết thêm: "Chúng ta phải đầu tư ngay từ bây giờ nhằm xây dựng và mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước để có thể cấp nước cho tất cả các hộ gia đình ở Đồng bằng sông Cửu Long; phải đẩy nhanh hơn nữa chương trình hỗ trợ, gói hỗ trợ tiền mặt của Chính phủ đến với những hộ gia đình đã và đang khó khăn nhưng phải chịu khó khăn hơn nữa bởi ảnh hưởng của thiên tai".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Năm 2020, cần tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dự báo để dự báo kịp thời, chính xác nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. "Chúng ta còn nhiều trọng điểm về đê điều, hồ chứa sạt lở xung yếu, nhà dân nằm trong khu vực nguy hiểm. Nhiều vị trí trọng yếu đang đầu tư dở dang mà chúng ta phải quan tâm ngay hôm nay và trong thời gian tới. Rất là nhức nhối khi chúng ta thấy sạt lở nghiêm trọng ở một số tỉnh như Bạc Liêu, Kiên Giang, đặc biệt là Cà Mau…chúng ta phải tìm ra một phương thức – công trình và phi công trình để xử lý vấn đề này và có những giải pháp tốt hơn trong quá trình xử lý", Thủ tướng phát biểu kết luận Hội nghị.

Nhanh chóng chuyển kênh bán hàng, nhiều doanh nghiệp tăng trưởng trong mùa dịch Covid-19: Việt Nam có cơ hội lớn trong tương lai về phát triển các hoạt động kinh doanh và dịch vụ trực tuyến.

 

Vì sao Vinamilk là nhà tuyển dụng hấp dẫn của người trẻ thuộc thế hệ gen Z?  Vinamilk vừa được bình chọn là 1 trong 50 Thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất đối với sinh viên Việt Nam năm 2020.