TP.HCM: Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

(VOH) - TP.HCM sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và rủi ro hơn khi mực nước biển dâng và lượng nước thải ra sông ngày càng nhiều.

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu khiến thiên tai xảy ra liên miên. Các hiện tượng: lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn... ảnh hưởng xấu đến môi trường, làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Số người chết và mất tích lên đến hơn 9.500 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm trong hơn 10 năm trở lại đây.

Riêng tại TP.HCM cũng chịu ảnh hưởng không ít do nằm ở vùng đất thấp, thường xuyên bị ngập lụt do mưa lớn, dân số và kinh tế thành phố đang phát triển nhanh. TP.HCM sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và rủi ro hơn khi mực nước biển dâng và lượng nước thải ra sông ngày càng nhiều.

Do chịu tác động từ sự nóng lên toàn cầu, cộng với xu hướng tăng nhiệt độ, kết hợp với quá trình đô thị hóa, bê tông hóa, không thảm xanh, không có nơi hút nhiệt độ… do đó, nhiệt độ tại TP.HCM có thể tăng lên nhanh chóng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của nhiều người. Trong vòng 50 năm trở lại đây, nhiệt độ trung bình của thành phố đang có chiều hướng tăng dần. Nhiệt độ trung bình thấp nhất cũng tăng, trong khi tình hình biến động mưa, áp thấp nhiệt đới cũng rất phức tạp. Hiện nay, một số nơi, người ta đã phá hàng ngàn hecta rừng nghèo kiệt để trồng cà phê và cao su. Theo ông Đồng Văn Khiêm - Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thành phố thì việc làm đó không nên chút nào. 52 năm gắn bó với rừng, là một kỹ sư Lâm nghiệp, ông Khiêm lý giải:

"Cao su, cà phê là loại cây rất kén đất, trong khi đó, rừng tự nhiên đang nghèo kiệt, cây rừng tự nhiên trồng còn sống không nổi, huống hồ là cây khác sao sống được". Ông lo lắng không biết vài chục năm nữa, con cháu chúng ta sẽ lấy nước đâu mà dùng khi nguồn nước đang dần cạn kiệt. Hàng chục triệu dân TP.HCM sống nhờ vào con sông Đồng Nai, Sài Gòn sẽ ra sao khi nguồn nước không còn ?

Theo ông Khiêm, nước biển càng ngày càng dâng, trong khi ở thượng nguồn, người ta phá rừng gần hết. Tại tỉnh Đồng Nai vừa qua đã đấu tranh quyết liệt để dừng hai dự án thủy điện 6 và 6A. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều người vẫn đua nhau làm kinh tế trên lưu vực sông này nên ảnh hưởng đến môi trường là điều không thể tránh khỏi. Ông Đồng Văn Khiêm nói thêm: Thành phố ngày càng mọc thêm nhiều nhà cao tầng, mà mỗi cao ốc dân số đã bằng gần một phường nhưng lượng cây xanh cho khu vực này rất ít. Một số dự án trong bản vẽ thì thiết kế có công viên cây xanh, nhưng khi người dân mua nhà rồi chờ hoài vẫn chưa thấy công viên đâu.

Tuy thực trạng đó là có thật, nhưng trong nỗ lực của mình, thời gian qua TP.HCM cũng đã đã đầu tư tăng thêm gần 28.000m2 diện tích mảng xanh trên vỉa hè, khoảng 12.700m2 mảng xanh cho công trình cầu và gần 14.000m2 tại các khu đất trống và dải phân cách. Đồng thời dành hơn 45,5 tỷ đồng để đầu tư trồng thêm 1 triệu cây xanh, phấn đấu đến cuối năm 2014, tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh đạt gần 40% và đến năm 2015 đạt hơn 40%. Dự kiến đến năm 2020, thành phố sẽ phát triển thêm 71 hecta mảng xanh nữa trên địa bàn. Với mục tiêu “Mỗi người mỗi gia đình thêm một cây xanh thì xã hội sẽ đẹp hơn”, đến nay, thành phố đã trồng được hơn 480.000 cây xanh tại một số quận huyện. Ngoài ra, một trong những giải pháp được xem là hữu hiệu để giảm bớt ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng các bóng đèn công suất cao ở nơi công cộng, cụ thể là thay thế hơn 8.000 bóng đèn cũ bằng bóng đèn compact. Khi thay thế loại bóng đèn tiết kiệm điện này, ngoài việc kéo giảm hơn 1 tấn khí CO

2 thải ra môi trường, còn giúp cho TP.HCM tiết kiệm được gần 2,5 tỷ đồng.


Thanh niên TPHCM kêu gọi thay bóng đèn dây tóc bằng bóng compact và sử dụng điện hiệu quả - Ảnh: DNSG.

Ông Đào Anh Kiệt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm:

Thành phố cũng đã bố trí lực lượng phối hợp các Chi cục ở từng địa phương để tuyên truyền, phát tờ bướm, phổ biến những kiến thức bảo vệ môi trường đến với cộng đồng dân cư. Trong đó, khuyến khích người dân học cách “thích ứng” và “giảm thiểu”, nghĩa là phải biết thích ứng với thời tiết và giảm thiểu tất cả những hoạt động gây ra biến đổi khí hậu.

Đề cập đến công tác tuyên truyền, ông Huỳnh Đăng Linh - Phó Chủ tịch UBMTTQ TP.HCM cho rằng:

Đáng chú ý là vừa qua, TP.HCM đã hợp tác với TP Rotterdam (Hà Lan) trong chương trình “TPHCM phát triển hướng về phía biển thích ứng với biến đổi khí hậu” và hợp tác với TP Osaka (Nhật Bản) thực hiện 6 dự án môi trường để chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ về công nghệ, tài chính, kinh nghiệm và tư vấn của các nước phát triển. Mặt khác, thành phố còn kêu gọi tiết giảm, tái sử dụng, đốt bằng Biogas, hợp tác với Quỹ môi trường phát triển toàn cầu của Nhật Bản trong các dự án đo lường, báo cáo, kiểm tra, những dự án hỗ trợ kỹ thuật về năng lượng giao thông; chương trình tập huấn với nhiều thành phố của các nước khác.

Để đóng góp cho việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, lực lượng thanh niên thành phố đã thực hiện hơn 100 ngày Chủ nhật xanh để khơi thông dòng chảy tại các tuyến sông, kênh rạch ở các địa bàn quận huyện, vớt hàng chục tấn lục bình để làm thông thoáng dòng nước chảy, thả hàng trăm ngàn con cá xuống kênh để bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, vệ sinh phát quang hàng trăm ký rác dọc các tuyến đường sắt… Vào cuối tuần, hàng ngàn bạn trẻ cũng đã tham gia vệ sinh môi trường tuyến kênh dọc theo Đại lộ Võ Văn Kiệt và trên nhiều kênh rạch khác. Ông Huỳnh Thanh Nhã - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Xã hội Thanh niên TP nói:


Thanh niên tình nguyện dọn rác trên tuyến đường số 7, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân - Ảnh: TNO.

Hàng năm, thanh niên TP.HCM cũng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Ngày hội tái chế chất thải với tiêu chí 3T, tức là “tiết giảm, tái sử dụng, tái chế”. Trước đó, lực lượng thuộc Thành Đoàn cũng đã chuẩn bị lực lượng hỗ trợ người dân quanh khu vực Hồ Dầu Tiếng sơ tán đến các điểm an toàn, khắc phục lũ lụt, tiếp tế nhu yếu phẩm cần thiết, ứng phó khẩn cấp trong trường hợp Hồ Dầu Tiếng gặp sự cố, xả lũ theo thiết kế.

Theo chương trình mục tiêu quốc gia, dự kiến tháng 12/2014, TP.HCM sẽ thí điểm sử dụng xăng A95 sinh học, và đến tháng 12/2015 sẽ sử dụng trong cả nước. Đây là cách làm sát sườn để giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch, năng lượng truyền thống ảnh hưởng đến việc biến đổi khí hậu.

Để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và phức tạp khó lường, rất cần sự phối hợp các giải pháp từ nhiều ban ngành và của toàn xã hội. Từ các ứng dụng khoa học kỹ thuật đến thái độ của người dân trong đời sống hàng ngày với môi trường xung quanh. Có vậy mới mong giảm thiểu và góp phần giải quyết từng bước thực trạng vốn rất khó khăn này.