TP.HCM sâu nặng với công tác đền ơn đáp nghĩa

(VOH) - TP.HCM là nơi khởi đầu phong trào xây tặng "nhà tình nghĩa" và cũng là nơi khơi nguồn phong trào tặng "nhà tình thương" đầu tiên trong cả nước. Sau 37 năm thống nhất đất nước, song song với việc phục hồi nền kinh tế, Tp đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo cho các Mẹ VN Anh Hùng, những gia đình thương binh, liệt sĩ, nhất là các gia đình ở vùng căn cứ Cách mạng trước đây, ở vùng sâu, vùng xa cuộc sống còn nhiều khó khăn.

TP.HCM những năm đầu giải phóng còn vô vàn thiếu thốn, song với phong trào đền ơn đáp nghĩa, Đảng bộ- chính quyền và các đoàn thể của thành phố đã luôn thể hiện tấm lòng và nêu cao trách nhiệm với những việc làm sáng tạo: ban đầu tặng khung nhà, rồi xây tặng nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà. Giờ đây, phong trào đền ơn đáp nghĩa đã lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Có thể nói, các cán bộ Mặt trận - những người trực tiếp tiếp nhận công việc này, cùng với ngành Lao động Thương Binh và Xã hội đã khơi sức dân để chăm lo cho dân, đặc biệt là các gia đình chính sách khó khăn. 37 năm qua, Tp đã xây hàng ngàn căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương. Nói về ý nghĩa của chủ trương “Đền ơn đáp nghĩa”, ông Trần Trung Tính - Phó Chủ tịch UBMTTQ TP chia sẻ:

Trong chiến tranh, người dân thành phố vẫn  kiên cường "một tấc không đi, một ly không rời", chiến đấu giữ từng tấc đất quê hương. Nhiều người đã anh dũng hy sinh ngay trên mảnh đất của mình. Hiện nay, thành phố có hơn 46 ngàn người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước với kinh phí mỗi tháng gần 44 tỷ đồng.  TP.HCM cũng đang phụng dưỡng suốt đời 146 mẹ VN Anh hùng. Con số nhà tình nghĩa, tình thương của thành phố xây tặng hàng năm, cứ tăng lên mãi theo thời gian Riêng năm 2011 đã xây tặng 134 nhà tình nghĩa, hơn 1.000 nhà tình thương, cấp gần 23.000 suất học bổng và hàng ngàn sổ tiết kiệm… cho con em các gia đình chính sách khó khăn.

Những lần theo chân các cán bộ Mặt trận TP từ sáng đến tối mịt để đi tặng quà, chúc sức khỏe từng mẹ VN Anh hùng, các nhân sĩ, trí thức, các nhân vật tiêu biểu qua các thời kỳ, cũng như thăm hỏi, động viên những gia đình có công Cách Mạng... Mỗi một việc làm, lời nói động viên của các Cán bộ Mặt trận TP đã khiến người nhận cảm thấy vô cùng ấm áp.  Những năm qua, thành phố cũng như Mặt trận Tổ quốc, Sở Lao động thương binh và Xã hội TP luôn quan tâm chu đáo đến đời sống các gia đình có công cách mạng. Ngoài việc xây nhà tình nghĩa, trợ cấp hàng tháng, tạo công ăn việc làm cho thân nhân… thì  công tác tìm kiếm mộ Liệt Sĩ, dù khó khăn, thành phố cũng đã làm thường xuyên, liên tục. Ông Kiều Xuân Long - Trưởng Ban liên lạc Truyền thống - Ban Trí vận - Mặt trận - Khu Sài Gòn Gia Định TP.HCM, một người rất tâm huyết với việc đi tìm hài cốt Liệt sĩ đã tâm sự với chúng tôi rằng: Nhiều năm tìm kiếm, các ông đã gặp không ít lần thất vọng, nhưng vẫn nuôi hy vọng: Biết đâu trong những nguồn tin nào đó, lại giúp mình tìm ra đồng đội. Và hễ nghe chỉ ở đâu, dù là một chút manh mối, dù xa xôi cỡ nào, những đồng đội hôm nay lại đi tìm đồng đội nằm ở rừng sâu,núi cao. Ông Long nói với chúng tôi, đi tìm đồng đội đó là trách nhiệm! Để những người đã từng sống trong thời chiến và thời bình hôm nay như các ông vơi bớt nỗi niềm. Ông Kiều Xuân Long Trưởng Ban liên lạc Truyền thống - Ban Trí vận - Mặt trận - Khu Sài Gòn Gia Định TP.HCM đề xuất:

Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã “Xây dựng Đề án tìm mộ liệt sỹ bằng phương pháp giám định AND”. Nhiều nhà khoa học, các chuyên gia, các bộ ban ngành cũng đã cùng nhau thảo luận, đưa ra sự nhìn nhận và đánh giá từ nhiều góc độ về khả năng xác định hài cốt liệt sĩ thông qua công nghệ gene… Hiện thành phố cũng đã chỉ đạo cho Ngành Lao động - thương binh và Xã hội các cấp kiên trì, phối hợp với các cơ quan tích cực triển khai khẩn trương, trách nhiệm để làm sao xác minh và kết luận trong thời gian sớm nhất có thể. Nói về trách nhiệm chăm sóc của thành phố đối với các gia đình có công Cách mạng, ông Lê Thành Tâm - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP cho biết:

Sau chiến tranh, từng hố bom, từng cánh rừng, thành phố và các làng mạc trên đất nước ta đã hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Trong dòng chảy của cuộc sống,  không chỉ là lời tri ân quá khứ mà là nhắc nhớ trách nhiệm thế hệ hôm nay. Chúng tôi biết: Những người hy sinh, cống hiến cho đất nước họ không bao giờ nghĩ đến việc được báo đáp như thế nào. Nhưng nghĩa cử "Đền ơn đáp nghĩa" của thành phố, của đất nước có thể làm xoa dịu nỗi cô đơn của những người cha, người mẹ, người vợ, người chồng liệt sĩ. Chúng tôi tin những việc làm xuất phát từ trái tim sẽ lay động và tỏa sáng mãi trong niềm tin của chúng ta./.